'Câu view' - hệ lụy khó lường

Dù đã có rất nhiều lời cảnh báo về hệ lụy khi đăng tin sai sự thật lên mạng xã hội, song không ít người dân ở Hà Tĩnh, đặc biệt là giới trẻ vẫn bất chấp để câu 'like' (lượt thích), câu 'view' (lượt xem).

Dù chưa có con số thống kê cụ thể nhưng có thể khẳng định, đại đa số người dân đều ít nhất có một tài khoản mạng xã hội (MXH). Việc sử dụng MXH có nhiều mục đích khác nhau và điều đáng nói là không phải ai cũng có nhận thức đúng về việc tham gia MXH. Trên thực tế, nhiều người đã phải nộp phạt, thậm chí ngồi tù vì những hành vi thiếu chừng mực trên MXH.

 Anh T. bị Công an huyện Can Lộc xử phạt hành chính với số tiền 7,5 triệu đồng vì đăng thông tin sai sự thật. Ảnh tư liệu.

Anh T. bị Công an huyện Can Lộc xử phạt hành chính với số tiền 7,5 triệu đồng vì đăng thông tin sai sự thật. Ảnh tư liệu.

Vào cuối tháng 2/2023, L.V.T. (SN 1982, trú TX Hồng Lĩnh) sử dụng tài khoản Facebook cá nhân đăng tải nội dung với thông tin hoàn toàn bịa đặt về Công an huyện Can Lộc. Ngay khi nắm bắt thông tin, lực lượng chức năng đã triệu tập anh T. để làm việc. Tại cơ quan chức năng, anh T. thừa nhận, nội dung đăng tải trên là sai sự thật, mục đích nhằm thu hút người khác tương tác với tài khoản Facebook của bản thân. Anh T. bị Công an huyện Can Lộc xử phạt hành chính với số tiền 7,5 triệu đồng vì vi phạm Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.

Theo Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh), tính từ đầu năm 2023 đến nay, lực lượng công an các cấp đã xử phạt hành chính hơn 50 vụ việc, trên 60 trường hợp về hành vi đăng tải thông tin sai sự thật, xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của người khác... Trong đó, nhiều trường hợp chủ yếu do hiếu kỳ, thiếu hiểu biết, đăng thông tin sai sự thật để tăng tương tác phục vụ việc bán hàng online.

 Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Giang làm việc với N.N.H. Ảnh: Internet.

Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Giang làm việc với N.N.H. Ảnh: Internet.

Tại Việt Nam, nhiều vụ việc lợi dụng MXH để thông tin sai sự thật; vu khống, xúc phạm uy tín của các cơ quan, tổ chức, cá nhân… diễn ra rất phức tạp. Sự việc N.N.H. (SN 1995, trú huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) - người sở hữu tài khoản Tiktok gần 1 triệu lượt theo dõi đã có phát ngôn sai lệch về văn hóa vùng miền là một ví dụ. Theo đó, vào giữa tháng 3/2024, từ vụ việc cướp giật ở quận Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh), nam Tiktoker đã có phát ngôn: “Vì sao ở Sài Gòn trộm cắp nhiều như vậy thì điểm cốt lõi nhất là do văn hóa”. Ngoài ra, N.N.H. còn cho rằng: “Sài Gòn là nơi cực kỳ lý tưởng để những tội phạm hoạt động”. Những phát ngôn đó đã gây làn sóng phẫn nộ cho người dùng MXH.

Sau khi xác minh vụ việc, Thanh tra Sở TT&TT tỉnh Bắc Giang đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với N.N.H. về hành vi lợi dụng MXH để “Cung cấp, đăng tải thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân” với số tiền phạt 7,5 triệu đồng, đồng thời yêu cầu gỡ bỏ các bài viết sai trái và cam kết không tái phạm.

 Hình ảnh 16 người thuộc CLB Yoga Ngân Châu (tỉnh Thái Bình) tổ chức tập yoga ngay giữa lòng đường để chụp ảnh, quay video vào giữa tháng 5/2024. (Ảnh cắt từ video).

Hình ảnh 16 người thuộc CLB Yoga Ngân Châu (tỉnh Thái Bình) tổ chức tập yoga ngay giữa lòng đường để chụp ảnh, quay video vào giữa tháng 5/2024. (Ảnh cắt từ video).

Nguyên nhân chính của các vụ việc trên được xác định do sự lệch lạc trong nhận thức của một bộ phận người dân. Điều họ hướng tới khi đăng tin sai sự thật chỉ là những cái like, câu bình luận giả dối, view ảo. Nhiều người cũng tự cho bản thân có “quyền lực” trên MXH để rồi tự do phát ngôn bừa bãi, đăng tin sai sự thật, đi ngược các chuẩn mực đạo đức và vi phạm quy định của pháp luật.

Vì thế, để trở thành một người dùng MXH văn minh, mọi người cần nêu cao tinh thần cảnh giác, có ý thức tự bảo vệ mình trong kỷ nguyên số. Trước mỗi thông tin trên mạng có thể gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng, đến cá nhân, tổ chức thì cần kiểm chứng, không vội tin ngay, không vội chia sẻ.

Bên cạnh đó, người dùng MXH cần tự trang bị những hiểu biết, cập nhật kiến thức mới về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm lợi dụng không gian mạng. Phải có hiểu biết pháp luật, có lập trường chính trị vững vàng, tuân thủ chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, không tin và không nghe theo những hoạt động kích động, dụ dỗ, khiêu khích trên không gian mạng.

Thượng úy Nguyễn Đăng Phi - cán bộ Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh) khuyến cáo: “Trách nhiệm của mỗi người khi tham gia MXH là phải tự bảo vệ mình và bảo vệ lợi ích chung của cả cộng đồng. Mỗi người đều có trách nhiệm đấu tranh, phản bác những thông tin xấu, thông tin sai sự thật, giả mạo... Đồng thời, tích cực hơn nữa trong việc lan tỏa thông tin, hình ảnh đẹp để chung tay xây dựng môi trường mạng ngày càng an toàn, lành mạnh, văn minh”.

Thùy Anh

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/cau-view-he-luy-kho-luong-post267067.html