Câu chuyện thành công về công tác bảo tồn hệ sinh thái rạn san hô Apo

Nằm ngoài khơi bờ biển Sablayan, Công viên thiên nhiên Rạn san hô Apo (ARNP) trải dài 13 dặm vuông (khoảng 33 km vuông), trở thành hệ thống rạn san hô liền kề lớn thứ hai thế giới sau Rạn san hô Great Barrier của Úc.

"Xứ sở thần tiên" dưới nước

Theo hãng CNN, nhà địa lý người Đức Wilfried Gebhardt vẫn nhớ lần lặn đầu tiên tại rạn san hô Apo cách đây hơn 30 năm. Ông Gebhardt từng chuyển đến Sablayan, một thành phố trên đảo Mindoro, phía tây nam Manila, nhằm hỗ trợ các nạn nhân trong vụ phun trào núi lửa Pinatubo năm 1991. Khi làm việc ở đây, ông đã có cơ hội khám phá thế giới dưới đại dương kỳ diệu.

Đảo Apo có rừng ngập mặn và thảm thực vật bãi biển. Đây là môi trường sống quan trọng của động vật hoang dã địa phương. Ảnh: Sherbien Dacalanio/Pacific Press/LightRocket/Getty Images

Đảo Apo có rừng ngập mặn và thảm thực vật bãi biển. Đây là môi trường sống quan trọng của động vật hoang dã địa phương. Ảnh: Sherbien Dacalanio/Pacific Press/LightRocket/Getty Images

"Có tầm nhìn lên tới 60m — thật không thể tin được. Tôi đã nhìn thấy cá đầu búa, cá bàng chài Napoleon và rùa biển bơi cạnh một bức tường san hô ", Gebhardt, 68 tuổi, giờ đây nhớ lại lần lặn đầu tiên của mình.

Nằm ngoài khơi bờ biển Sablayan, Công viên thiên nhiên Rạn san hô Apo (ARNP) trải dài 13 dặm vuông (khoảng 33 km vuông), trở thành hệ thống rạn san hô liền kề lớn thứ hai thế giới sau Rạn san hô Great Barrier của Úc, theo UNESCO.

"Xứ sở thần tiên dưới nước" này có rất nhiều sinh vật biển, bao gồm 530 loài cá và 400 loại san hô.

"Chúng tôi đã lặn ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng vẫn muốn quay lại Apo mỗi năm. Nơi đây vẫn là một nơi đặc biệt," ông Gebhardt, hiện đã nghỉ hưu ở Đức cùng vợ là Klaudia, cho biết.

Câu chuyện thành công về bảo tồn

Khi Gebhardt bắt đầu lặn ở Rạn san hô Apo vào đầu những năm 1990, nơi đây rất đẹp nhưng cũng chứa đựng nhiều rủi ro.

Mặc dù là khu bảo tồn biển nhưng rạn san hô này đã bị ảnh hưởng bởi các hoạt động đánh bắt bằng thuốc nổ và xyanua, gây ra tình trạng san hô bị vỡ và tẩy trắng. Sau đó, các hoạt động như vậy đã bị cấm, nhưng khi đó lực lượng kiểm lâm ở Apo không có tàu tuần tra nên việc thực thi pháp luật trở nên khó khăn.

"Khi lặn, du khách có thể nghe thấy tiếng nổ dưới nước. Mắt bạn sẽ bị bỏng vì xyanua", Gebhardt cho biết.

Lo lắng cho rạn san hô, Gebhardt và những người địa phương, bao gồm cả Chính quyền thành phố Sablayan và chủ sở hữu của Pandan Island Resort — một khu nghỉ dưỡng lặn sinh thái tiên phong ở phía đông rạn san hô — đã kiến nghị với Bộ Tài nguyên và Môi trường Philippines (DENR) thúc đẩy các nỗ lực bảo vệ rạn san hô.

Rạn san hô Apo và vùng nước xung quanh đã được nâng cấp lên trạng thái công viên thiên nhiên cần được bảo vệ vào năm 1996.

Sau đó, vào năm 2007, một vùng cấm đánh bắt đã được thiết lập, cấm mọi hình thức khai thác hoặc phá hủy tài nguyên thiên nhiên trong công viên hoặc vùng đệm của công viên. Công viên thiên nhiên Apo Reef hiện là vùng cấm đánh bắt lớn thứ hai ở Philippines.

Theo Krystal Dayne Villanada, Giám đốc khu bảo tồn của Công viên Tự nhiên Apo Reef, người phụ trách các hoạt động hàng ngày của công viên, hai biện pháp nổi bật góp phần thành công trong công tác bảo tồn hệ sinh thái rạn san hô là mua tàu thủy tốc độ cao và mở rộng kỹ năng của kiểm lâm.

"Với những tàu thủy này, việc tuần tra và thực thi pháp luật trong khu vực sẽ trở nên hiệu quả và hiệu suất hơn. Kiểm lâm không chỉ được trang bị năng lực thực thi pháp luật mà còn có khả năng giám sát đa dạng sinh học", Villanada nói.

Ngoài ra, DENR đã thông qua các hướng dẫn về lặn biển và lặn ống thở bền vững, cấm sử dụng nhựa dùng một lần và đặt ra giới hạn nghiêm ngặt về sức chứa du khách để giảm thiểu tác động của du lịch đến công viên.

Để ghi nhận những nỗ lực này, rạn san hô Apo đã nhận được giải thưởng danh giá của Viện Bảo tồn Biển năm 2022 vì hoạt động quản lý hiệu quả. Địa điểm này cũng đã được đệ trình lên UNESCO để xem xét trở thành Di sản Thế giới.

Rạn san hô Apo là nơi sinh sống của hơn 530 loài cá và 400 loại san hô. Ảnh: Wilfried Gebhardt

Rạn san hô Apo là nơi sinh sống của hơn 530 loài cá và 400 loại san hô. Ảnh: Wilfried Gebhardt

Những cơ hội

Đối với người dân Philippines, công viên đã tạo ra những cơ hội mới.

Lớn lên trên một trang trại trồng lúa và ngô, Jan Sidney "Sid" Mahusay, một thợ lặn bậc thầy tại Pandan Island Resort trước đó từng nghe nói về rạn san hô nhưng chưa bao giờ ghé thăm nơi này.

Năm 2015, khi đang làm việc tại trang trại, anh đã ứng tuyển vào công việc thợ lặn tại Đảo Pandan.

"Tôi không biết nhiều về biển. Lúc đầu, tôi đã gặp khó khăn, nhưng tôi rất vui vì đã gắn bó với nghề lặn. Rạn san hô thật tuyệt vời — rất nhiều sinh vật biển và san hô rực rỡ", anh thừa nhận. "

Hiện tại, Mahusay hướng dẫn du khách tham quan những điều kỳ diệu ở rạn san hô Apo và cảm thấy tự hào khi giới thiệu rạn vẻ đẹp ở đây với những người khác.

"Đây không phải là một ngành công nghiệp lớn, nhưng nó tạo ra việc làm cho người lái thuyền, nhân viên khu nghỉ dưỡng, đầu bếp và thợ lặn chuyên nghiệp. Chúng tôi cũng truyền đạt cho mọi người cách bảo vệ rạn san hô, không phải là khai thác chúng", anh nói.

Và khi nói đến cộng đồng đánh cá, Giám đốc Villanada cho biết mọi chuyện diễn ra rất tích cực.

"Thông qua hiệu ứng lan tỏa, rạn san hô Apo cung cấp cá và ấu trùng san hô cho vùng nước đô thị lân cận, nơi đóng vai trò là ngư trường cho cộng đồng địa phương", Giám đốc Villanada nhấn mạnh./.

Hồng Nhung

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/cau-chuyen-thanh-cong-ve-cong-tac-bao-ton-he-sinh-thai-ran-san-ho-apo-20241213111651861.htm