Cậu bé lầm lì, bị cô lập trong lớp học, nguyên nhân bắt nguồn từ thói quen này của bố mẹ
Thói quen xấu của bố mẹ ảnh hưởng rất lớn tới tính cách và tương lai của con cái.
Trong thực tế, hành vi và tính cách của một đứa trẻ có liên quan rất nhiều tới bố mẹ và môi trường xung quanh. Chẳng hạn như một người mẹ xuề xòa không thể nuôi dạy một đứa trẻ sống sạch sẽ, gọn gàng. Thế nhưng, có không ít người lại cho rằng "cha mẹ sinh con trời sinh tính", quan niệm này không hẳn đúng, vì có những thói quen xấu của bố mẹ khiến con cái bắt chước theo.
Tiểu Vương là một cậu bé hiền lành, ít nói nhưng lại không có bạn chơi ở trường. Thậm chí các bạn còn không thích ngồi cùng bàn với cậu bé.
Thấy Tiểu Vương thường thui thủi một mình trong lớp, cô giáo tìm hiểu nguyên nhân thì biết được rằng, sở dĩ cậu bé bị cô lập như vậy là do "ở bẩn". Quần áo của cậu bé lúc nào cũng nhàu nát, cáu bẩn, có mùi khó chịu, sách vở trên bàn chẳng bao giờ gọn gàng. Giáo viên nhiều lần nhắc nhở cậu bé nên chú ý tới vấn đề vệ sinh cá nhân nhưng tình trạng vẫn không được cải thiện.
Có một lần, vì chỗ ngồi của Tiểu Vương quá bẩn nên lớp đã bị trừ điểm đánh giá. Vì vậy, không còn cách nào khác, giáo viên chủ nhiệm đành tìm đến nhà của cậu bé để trao đổi với phụ huynh.
Không ngờ khi cô giáo vừa bước vào nhà của Tiểu Vương đã phải cau mày. Cả căn nhà rất lộn xộn, quần áo vứt tứ tung, đâu đâu cũng thấy rác, cô giáo thậm chí còn không biết mình nên ngồi ở chỗ nào.
Người mẹ vội vàng dọn dẹp một chút để có chỗ tiếp cô giáo, sau đó 2 bên nói chuyện với nhau. Cô giáo thẳng thắn nói về vấn đề vệ sinh của Tiểu Vương không được tốt, cần phải chú ý và thay đổi. Nghe như vậy, người mẹ cảm thấy hơi ngượng ngùng nên nói: "Công việc của tôi quá bận nên thường không quá chú trọng với việc dọn dẹp nhà cửa. Tôi cũng không thúc giục bọn trẻ về vấn đề vệ sinh cá nhân".
Sau một lúc nói chuyện, mẹ của Tiểu Vương đổ hết trách nhiệm về sự luộm thuộm của con trai lên người bố. Cô nói: "Chắc thằng bé giống bố, do gen di truyền".
Cô giáo nghe xong liền lắc đầu bất lực và nói: "Thói quen xấu của bố mẹ ảnh hưởng mạnh mẽ và sâu sắc tới con cái hơn cả gen di truyền. Nếu bố mẹ sống cẩu thả thì con cái không thể sống gọn gàng được. Bố mẹ chính là tấm gương phản chiếu cho con cái nhìn, nếu cứ tiếp tục tình trạng này, có lẽ Tiểu Vương sẽ ngày càng bị cô lập trong lớp".
Nghe cô giáo nói như vậy, người mẹ chợt hiểu ra vấn đề và hứa rằng sẽ cải thiện tình hình của Tiểu Vương.
Thói quen xấu của bố mẹ tác động như thế nào đối với con cái?
1. Trẻ không thể phân biệt được đâu là đúng, đâu là sai
Khi còn nhỏ, nhận thức của trẻ vẫn chưa được hoàn thiện, mọi tiêu chuẩn đánh giá tốt xấu đều do bố mẹ đưa ra. Nếu bố mẹ không cư xử đúng mực trong cuộc sống hàng ngày, nó sẽ tác động tới nhận thức một cách tiêu cực đối với con cái. Từ đó, có những thói quen xấu của bố mẹ nhưng con cái lại cho là điều bình thường và bắt chước theo, vô hình trung khiến trẻ hiểu lầm.
2. Cản trở trẻ phát triển những thói quen tốt
Để hình thành một thói quen cần trải qua quá trình lâu dài, trong đó bố mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng. Khi bố mẹ không hướng dẫn cho trẻ bằng cách làm gương mà chỉ lý luận bằng lời nói, sự giáo dục mà trẻ nhận được chỉ là một chiều. Nếu bố mẹ có những lời nói và việc làm sai trái, trẻ dễ hình thành thói quen xấu, cản trở phát triển thói quen tốt.
3. Ảnh hưởng đến nhận thức của con cái đối với bố mẹ
Giáo dục gia đình chú trọng đến việc bố mẹ là tấm gương cho con cái noi theo. Khi bố mẹ có những hành vi và lời nói không đúng mực, niềm tin của con cái vào cách giáo dục của bố mẹ sẽ suy giảm. Lúc này, ý thức uy quyền của bố mẹ đối với con cái cũng bị ảnh hưởng.
Khi con cái bắt đầu có những nhận thức và ý kiến riêng của mình, chắc chắn chúng sẽ chế giễu những việc làm không đúng mực của bố mẹ.
Có những cách cư xử tưởng chừng như rất bình thường trong cuộc sống hàng ngày nhưng lại ảnh hưởng không nhỏ tới tính cách của con cái. Giáo dục gia đình nên bắt đầu từ việc bố mẹ làm gương cho con cái noi theo.
5 lý do bạn nên ngủ trước 22h
Theo Nhịp sống Việt