Cập nhật các khuyến nghị đối với mùa cúm năm 2023 - 2024

Tiêm phòng cúm hằng năm là biện pháp bảo vệ tốt nhất chống lại bệnh cúm và lây lan cho người khác. Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) đã có các khuyến nghị cho mùa cúm năm 2023 - 2024.

Bệnh cúm mùa là gì

Bệnh cúm mùa thường do vi rút cúm loại A hoặc B gây ra. Các triệu chứng bao gồm sốt đột ngột, ho khan, nhức đầu, đau cơ và khớp, đau họng và sổ mũi. Hầu hết mọi người sẽ hết trong vòng 1 tuần mà không cần chăm sóc y tế. Tuy nhiên, cúm có thể gây bệnh nặng hoặc tử vong ở những nhóm có nguy cơ cao.

Dịch bệnh theo mùa xảy ra chủ yếu vào mùa đông, từ tháng 10 đến tháng 3 ở bán cầu Bắc và từ tháng 4 đến tháng 9 ở bán cầu Nam. Ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới, bệnh cúm theo mùa có thể xảy ra quanh năm, gây ra các đợt bùng phát bất thường hơn.

Khi nào là thời điểm tốt nhất để tiêm phòng cúm

Tốt nhất nên tiêm phòng trước khi bệnh cúm bắt đầu lây lan trong cộng đồng. Ủy ban Cố vấn về thực hành tiêm chủng Hoa Kỳ (ACIP) khuyến nghị tháng 9 và tháng 10 thường là thời điểm tốt để tiêm phòng vì mùa cúm ở Hoa Kỳ thường kéo dài từ tháng 10 đến tháng 5. Lý tưởng nhất là mọi người nên tiêm phòng vào cuối tháng.

Tại Việt Nam, thông thường, dịch cúm mùa thường xảy ra vào mùa thu - đông. Vì thế, việc tiêm phòng cúm nên thực hiện vào đầu mùa thu, trước khi mùa cúm chính thức bắt đầu.

Ai nên tiêm ngừa cúm

Mọi người từ 6 tháng tuổi trở lên nên tiêm vắc xin cúm hằng năm, kể cả người lớn khỏe mạnh. Việc chủng ngừa đặc biệt quan trọng đối với những người có nguy cơ cao bị biến chứng nghiêm trọng do cúm hoặc những người sống cùng hoặc chăm sóc những người có nguy cơ cao bị biến chứng nghiêm trọng do cúm, bao gồm: Phụ nữ mang thai và sau khi sinh. Những người ở mọi lứa tuổi mắc một số bệnh mãn tính như hen suyễn, tiểu đường, bệnh tim, bệnh thận, bệnh thần kinh và thần kinh cơ, hệ thống miễn dịch suy yếu.

Đối tượng nào sau đây được ưu tiên tiêm vắc xin cúm theo mùa nhất

Theo khuyến cáo của WHO, phụ nữ mang thai cần được ưu tiên tiêm chủng cao nhất. Ngoài ra, các nhóm khác có nguy cơ nên được tiêm phòng, ví dụ như trẻ em từ 6 - 59 tháng tuổi, người già, người mắc bệnh mãn tính cụ thể và nhân viên y tế.

Các khuyến nghị của CDC về tiêm phòng cúm cho người già là gì

Đối với những người từ 65 tuổi trở lên, có 3 loại vắc xin cúm được khuyến nghị ưu tiên hơn các loại vắc xin cúm khác: Vắc xin cúm bất hoạt hóa trị bốn liều cao Fluzone, vắc xin cúm tái tổ hợp hóa trị bốn FluBlok và vắc xin cúm bất hoạt bổ trợ hóa trị bốn Fluad.

Sự khác biệt giữa vắc xin cúm trên 65 và dưới 65 tuổi là gì

Liều kháng nguyên cao hơn trong vắc xin nhằm giúp những người từ 65 tuổi trở lên có phản ứng miễn dịch tốt hơn đối với việc tiêm vắc xin, do đó bảo vệ chống lại bệnh cúm tốt hơn.

Ai cần tiêm 2 liều vắc xin cúm

Trẻ em dưới 9 tuổi tiêm vắc xin cúm lần đầu tiên, cần tiêm 2 liều cách nhau 4 tuần để có đáp ứng miễn dịch đầy đủ. Những người đã được ghép tế bào gốc tạo máu hoặc ghép tạng rắn và đang tiêm vắc xin cúm lần đầu tiên sau khi cấy ghép.

Tiêm phòng cúm vào buổi sáng hay buổi tối tốt hơn

Thời điểm tốt nhất trong ngày để tiêm phòng cúm có thể là vào buổi sáng. Nghiên cứu cho thấy người tiêm sẽ tạo ra nhiều kháng thể hơn sau khi tiêm phòng cúm vào buổi sáng so với sau khi tiêm phòng vào buổi chiều.

Tiêm bao nhiêu liều vắc xin cúm mỗi năm, vắc xin cúm được tiêm hằng năm. Trẻ em từ 6 tháng đến 8 tuổi đã tiêm ít hơn 2 liều vắc xin cúm hoặc chưa rõ tiền sử tiêm phòng cúm nên tiêm 2 liều cách nhau ít nhất 4 tuần.

Mất bao lâu để có kháng thể bảo vệ sau khi chủng ngừa cúm

Phải mất khoảng 2 tuần sau khi tiêm chủng, các kháng thể bảo vệ chống lại bệnh cúm mới phát triển trong cơ thể, vì vậy hãy lập kế hoạch tiêm chủng sớm trước khi mùa cúm bắt đầu.

Tiêm phòng cúm cho người bị dị ứng trứng

ACIP đã khuyến cáo rằng tất cả những người từ 6 tháng tuổi trở lên bị dị ứng với trứng nên được tiêm phòng cúm cùng với các biện pháp an toàn bổ sung như tiêm chủng tại cơ sở y tế nội trú hoặc ngoại trú.

Bắt đầu từ mùa cúm 2023 - 2024, các biện pháp an toàn bổ sung không còn được khuyến nghị đối với việc tiêm phòng cúm cho những người bị dị ứng với trứng ngoài những khuyến nghị đối với bất kỳ loại vắc xin nào, bất kể mức độ nghiêm trọng của phản ứng trước đó với trứng. Tất cả các loại vắc xin nên được tiêm ở những nơi có thể nhận biết và điều trị nhanh chóng các phản ứng dị ứng.

Tiêm phòng là cách tốt nhất để phòng ngừa cúm

Cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh cúm và các biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra là tiêm vắc xin cúm hằng năm. Tiêm phòng cúm không ngăn ngừa hoàn toàn bệnh tật, nhưng làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh ở những người đã tiêm phòng trong một số nghiên cứu. Hiệu quả của vắc xin cúm có thể phụ thuộc một phần vào sự phù hợp giữa vi rút vắc xin và vi rút lưu hành. Ước tính sơ bộ cho thấy trong mùa cúm trước, những người được tiêm phòng cúm ít có khả năng phải nhập viện hơn khoảng 40% đến 70% vì bệnh cúm hoặc các biến chứng liên quan.

BS LÊ ĐĂNG NGẠN

(cập nhật tài liệu của WHO và CDC)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/suc-khoe-y-te/202308/cap-nhat-cac-khuyen-nghi-doi-voi-mua-cum-nam-2023-2024-988554/