Cao Bằng: Gắn đào tạo nghề, giải quyết việc làm với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội
Để thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, qua giám sát mới đây về thực hiện chế độ, chính sách đối với người lao động trên địa bàn giai đoạn 2019 - 2023, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Cao Bằng nhấn mạnh: việc hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp liên kết, kết nối với doanh nghiệp, người sử dụng lao động để tham gia lao động sản xuất tại doanh nghiệp, đặc biệt, cần tiếp tục gắn đào tạo nghề và giải quyết việc làm với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nhiều khó khăn, thách thức
Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Cao Bằng Nguyễn Thị Xuân cho biết: xác định rõ tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở, ngành đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả công tác này cho lao động nông thôn. Đến nay, toàn tỉnh Cao Bằng có 14 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 1 Trường Trung cấp nghề, 9 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên công lập cấp huyện, 1 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp tư thục; 3 cơ sở có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã xây dựng chương trình liên kết, chủ động phối hợp với các doanh nghiệp tạo hiệu quả liên kết giữa đào tạo nghề và giải quyết việc làm phù hợp với kết nối cung cầu thị trường lao động. Giai đoạn 2019 - 2023, việc liên kết đào tạo nghề đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận như Trường Trung cấp nghề đã kết nối với 6 doanh nghiệp đưa 96 học sinh đi học tập, thực tế, thực hành tại doanh nghiệp; 3 doanh nghiệp ngoại tỉnh có nhu cầu tuyển dụng và đã đặt hàng người học sau tốt nghiệp với số lượng 95 học sinh; đào tạo nghề Hàn điện cho 12 lao động thu nhập thấp, thuộc hộ nghèo, cận nghèo tại huyện Bảo Lâm theo nhu cầu tuyển dụng lao động của Công ty TNHH MTV Xây dựng 99; huyện Quảng Hòa tổ chức đào tạo nghề trồng chè, làm miến dong cho trên 100 người, sau khi học xong người lao động được bố trí việc làm tại HTX của địa phương; các huyện ký kết chương trình phối hợp với Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam tuyển dụng lao động đi học nghề để làm việc tại các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, hiện nay có hơn 1.000 học sinh đã học nghề và đang làm việc tại các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn...
Với cách đào tạo trên, học viên tham gia học nghề được trang bị kiến thức cơ bản, thiết thực theo từng ngành nghề; kết hợp giữa lý thuyết và thực hành; được tư vấn nghề nghiệp. Vì vậy, sau học nghề đã có trên 75% lao động có việc làm, biết vận dụng kiến thức đã học vào sản xuất, kinh doanh tại địa phương, gia đình, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, giảm tỷ lệ hộ nghèo và tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo.
Tuy nhiên, qua đợt giám sát kết quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và thực hiện chế độ, chính sách đối với người lao động trên địa bàn tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2019 - 2023 của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh mới đây cho thấy, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, thách thức; chưa chú trọng công tác dự báo, xây dựng kế hoạch đào tạo nghề dài hạn và ngắn hạn; việc đào tạo ngắn hạn còn nhiều hạn chế, chưa gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với nhu cầu tuyển dụng. Nhiều lao động qua đào tạo nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng lao động, thiếu tác phong lao động công nghiệp… Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động giáo dục nghề nghiệp không đồng bộ, chưa phù hợp với xu thế phát triển của các ngành, nghề hiện nay; số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu đào tạo nghề...
Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm
Trước thực trạng trên, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh cho rằng: để thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, thời gian tới, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, đoàn thể và người lao động về vai trò của học nghề, lao động việc làm trong xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, bố trí đủ kinh phí thực hiện hiệu quả Đề án “Phát triển giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2021 - 2025”; có giải pháp thu hút đầu tư, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển sản xuất, mở rộng kinh doanh trên địa bàn, từ đó góp phần tạo việc làm cho người lao động.
Mặt khác, có hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp liên kết, kết nối với doanh nghiệp, người sử dụng lao động trong các khâu tuyển sinh, đào tạo, tiếp nhận lao động đã qua đào tạo để tham gia lao động sản xuất tại doanh nghiệp; xây dựng kế hoạch và dự báo nhu cầu đào tạo nghề sát với thực tế phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; gắn đào tạo nghề với định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của địa phương, nhất là đối với lực lượng lao động khu vực nông thôn; nghiên cứu giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa; chủ động tiếp thị, tìm kiếm các nguồn tài trợ từ xã hội cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp...
Đặc biệt, cần tiếp tục gắn đào tạo nghề và giải quyết việc làm với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nhằm đáp ứng nhiệm vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/hoi-dong-nhan-dan.aspx?itemid=91786