Cảnh giác với những quảng cáo 'lương y gia truyền' để lừa đảo bán thuốc
Tình trạng quảng cáo 'lương y gia truyền', 'bài thuốc gia truyền' để bán các loại thuốc đông y được thổi phồng công dụng chữa khỏi nhiều bệnh mạn tính như tiểu đường, ung thư xuất hiện rầm rộ trên các kênh Tiktok, Yotube... gây ảnh hưởng rất lớn đến giá trị của các bài thuốc y học cổ truyền.
Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền (Bộ Y tế) tại buổi gặp mặt báo chí thông tin về Hội chợ Dược liệu, Y dược cổ truyền và các sản phẩm từ dược liệu toàn quốc lấn thứ 2 năm 2024 do Bộ Y tế tổ chức chiều 6/11.
Bên cạnh quảng cáo các bài thuốc gia truyền còn xuất hiện tình trạng mạo danh những lương y nổi tiếng quảng cáo tràn lan trên Youtube, thậm chí còn công khai số điện thoại, khiến nhiều người dân tin và mua các thuốc đông y này về chữa bệnh.
“Cục đã nhận được nhiều thông tin phản ánh và đã có công văn gửi Sở Y tế các tình, TP, thậm chí gửi cả cho cơ quan Công an để phối hợp xử lý. Tuy nhiên, khi điều tra thì hầu hết số điện thoại đăng tải đều không có, địa chỉ cũng không đúng. Xử lý vấn đề mạo danh lương y rất phức tạp, cần sự phối hợp vào cuộc của nhiều cơ quan, ban ngành”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Theo Cục trưởng Nguyễn Thế Thịnh, biện pháp quan trọng nhất lúc này là tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân cảnh giác với các đối tượng lừa đảo, không nghe và tin theo những quảng cáo thổi phồng công dụng thuốc gia truyền, đông y của các “lang băm”.
Ông Thịnh cũng cho biết thêm, Việt Nam có nguồn dược liệu lớn với khoảng 5.000 loài cây quý có công dụng trong việc chăm sóc bảo vệ sức khỏe. Cả nước đã hình thành các vùng trồng dược liệu lớn, với những cây thuốc quý như: Sâm Ngọc Linh, quế, hồi, sa nhân... đang được tiêu thụ mạnh. Dược liệu không giống với thuốc tân dược, có loại không thể thay thế, vì vậy, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu nhiều loại từ nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc và Ấn Độ.
Theo Ban tổ chức, dược liệu dễ có nguy cơ làm giả, vì vậy, vấn đề an toàn chất lượng dược liệu cũng được đặt lên hàng đầu và cũng là một trong những nội dung của Hội chợ năm nay, nhằm cung cấp kiến thức giúp người tiêu dùng cách phân biệt các loại dược liệu, thuốc cổ truyền thật – giả.
Hội chợ Dược liệu, Y dược cổ truyền và các sản phẩm từ dược liệu toàn quốc lần thứ 2 quy tụ 425 gian hàng của hơn 300 tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dược liệu, thuốc cổ truyền, cơ sở nuôi trồng dược liệu, y tế thông minh, các Bệnh viện Y học cổ truyền, Hội Đông y trong nước và quốc tế...
Điểm mới trong hội chợ năm nay là kêu gọi được doanh nghiệp nuôi trồng dược liệu, đồng bào dân tộc thiểu số tham gia triển lãm, nhằm quảng bá y học cổ truyền cũng như phương pháp chữa bệnh y học cổ truyền hiệu quả của Việt Nam với thế giới.
Để dược liệu an toàn về chất lượng được đưa ra thị trường, theo ông Thịnh cần phải kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc, xuất xứ. Trước tình trạng tẩm ướp, phun các chất bảo quản vào dược liệu, thuốc đông y bán ra thị trường khiến nhiều người sử dụng bị suy gan, suy thận phải nhập viện cấp cứu đang gây bức xúc trong xã hội, ông Nguyễn Thế Thịnh khẳng định: "Các doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận GDP (thực hành tốt phân phối thuốc) và các bệnh viện chính thống không bao giờ phun, tẩm ướp, sử dụng chất bảo quản trong dược liệu, thuốc đông y. Chỉ có các sản phẩm không chính thống, hoặc một số "ông lang, bà mế" nào đó có thể sử dụng chất bảo quản, người bệnh mua về sử dụng, gặp phải những bệnh lý đáng tiếc.
Bộ Y tế đã ban hành thông tư quy định về điều kiện sơ chế, chế biến dược liệu; Cục Quản lý Y Dược cổ truyền thường xuyên có văn bản gửi Sở Y tế các địa phương đề nghị tăng cường kiểm tra các phòng khám, cơ sở hành nghề gia truyền, khi phát hiện những trường hợp dược liệu, thuốc đông y không rõ nguồn gốc, xuất xứ thì có chế tài để xử phạt nghiêm, nhằm kiểm soát tình trạng này”.