Cảnh giác trước những thông tin sai sự thật về tình hình bão lũ
BHG - Những ngày qua, miền Bắc chịu hậu quả nặng nề do bão số 3 gây ra. Hà Giang nằm trong vùng bị ảnh hưởng với 1 người chết, 1 người mất tích, nhiều tài sản của nhà nước và nhân dân bị thiệt hại. Trong đợt thiên tai này, thông tin tình hình bão lũ miền Bắc được lan truyền nhanh chóng, giúp cơ quan chức năng, người dân nâng cao ý thức phòng, chống. Tuy nhiên, trên mạng xã hội cũng xuất hiện không ít tin tức sai sự thật, gây hoang mang dự luận, làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống bão lũ.
Trước tình hình bão số 3, nhiều thông tin sai sự thật, tin giả, thông tin xấu độc xuất hiện trên mạng xã hội. Điển hình như những thông tin sai sự thật, tin giả liên quan đến: Vụ sập cầu Phong Châu ở Phú Thọ; việc vỡ đê ở các tỉnh Hải Dương, Phú Thọ; thành phố Hà Nội sẽ bị cắt điện; vỡ đập thủy điện Cốc Ly, Lào Cai…
Liên quan đến bão số 3 tại Hà Giang, lực lượng chức năng xã Ngọc Linh, Vị Xuyên đã phát hiện mạng xã hội đưa hình ảnh một người đàn ông ở địa bàn xã phải lội nước ngập đến ngực, dùng chậu nhựa đưa vợ và con nhỏ ra khỏi nơi lũ với chú thích “Nghẹn lòng hình ảnh sơ tán của một gia đình ở xã Ngọc Linh, Vị Xuyên, Hà Giang”. Theo lãnh đạo xã, đây là hình ảnh, thông tin không đúng sự thật, bão số 3 cũng có ảnh hưởng đến địa bàn xã, nhưng chỉ gây ngập úng cục bộ một số địa điểm ở xã, chỉ sâu khoảng 40 cm. Hình ảnh lan truyền trên mạng nêu trên chỉ là một trong những content nội dung của cặp vợ chồng chuyên làm youtube.
Theo Bộ Công an, lợi dụng hậu quả của bão số 3, đã xuất hiện hình thức lừa đảo, lợi dụng để kêu gọi quyên góp từ thiện nhằm trục lợi. Có thể nói, những tin tức sai sự thật khiến cho việc phòng, chống, khắc phục hậu quả lũ bão đã khó lại càng khó khăn hơn; thậm chí còn là cơ hội để cho các thế lực thù địch lợi dụng chống phá đất nước, tung ra những tin tức gây nhiễu loạn dư luận.
Bên cạnh đó, giữa lúc các địa phương chịu thiệt hại nặng nề, nhiều người thiệt mạng và mất tích. Nhưng vẫn có một số người làm các nội dung trên mạng xã hội đã “tận dụng” hình ảnh tang thương của đồng bào bị thiệt hại, đưa tin giật gân nhằm câu view, câu like, tăng tương tác. Cùng với đó, một số người vẫn như không hề hay biết sự đau thương của đồng bào mình ở nhiều nơi, vô tư khoe da, khoe dáng, hò hát, nhảy múa trên mạng xã hội rất phản cảm, bị cộng đồng mạng phản đối.
Trước các vụ việc đưa tin sai sự thật về tình hình bão lũ, các lực lượng chức năng trong cả nước đã kịp thời phát hiện, xử lý thích đáng những đối tượng cố ý tung tin sai sự thật. Nỗ lực phòng, chống, khắc phục hậu quả của bão số 3 vẫn đang được các địa phương khẩn trương thực hiện. Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và đồng bào ta ở các địa phương vẫn đang cố hết sức để khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra với mong muốn sớm ổn định cuộc sống. Chúng ta ghi nhận sự chung tay sẻ chia mạnh mẽ, có nơi còn nhường sự hỗ trợ của mình cho địa phương bị thiệt hại nặng nề và còn khó khăn hơn. Đó là những hình ảnh cần được chúng ta lan tỏa rộng rãi.
Diễn biến thời tiết, thiên tai vẫn còn khó lường, tin tức sai sự thật, tin giả cũng có thể gây những hậu quả khó lường đối với xã hội. Chỉ cần một tin sai sự thật kiểu như chỗ này “vỡ đê”, chỗ kia “cắt điện” hay “xả lũ”…, lập tức có thể gây hoang mang dư luận, dẫn đến những hậu quả khôn lường. Từ một số thông tin sai sự thật, thiếu khách quan về tình hình bão lũ vừa qua, người dân và các quản trị viên mạng xã hội, trang thông tin cần phải tỉnh táo, thận trọng trước các thông tin chưa rõ nguồn gốc, chưa được kiểm chứng; cần tiếp cận, khai thác, chia sẻ các thông tin chính thống, chính xác từ các cơ quan chức năng; lan tỏa hình ảnh đẹp, những việc làm tích cực của các lực lượng chức năng, các địa phương trong việc khắc phục hậu quả thiên tai. Chúng ta cũng cần thận trọng trước các nguy cơ bị lừa đảo từ các trang mạo danh cá nhân, tổ chức để kêu gọi từ thiện.
Sở Thông tin và Truyền thông Hà Giang mới đây đã có quyết định thành lập Bộ phận xử lý tin không chính xác. Khi phát hiện tin không chính xác, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể gửi phản ánh tin không chính xác kèm theo thông tin, bằng chứng đến Bộ phận xử lý tin không chính xác qua Chuyên mục tiếp nhận phản ánh tin không chính xác trên Trang thông tin điện tử của Sở Thông tin và Truyền thông tại địa chỉ https://stttt.hagiang.gov.vn/; qua trang fanpage Thông tin Hà Giang; qua các số điện thoại đường dây nóng 0912.382.838; 0975.063.559; 0986.687.698; qua email của Phòng Truyền thông phongtt.stttt@hagiang.gov.vn.
Bộ Công an mới đây cũng có Công điện về việc khẩn trương khắc phục hậu quả do bão số 3 và mưa lũ gây ra. Công điện nêu rõ, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao chỉ đạo xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức đưa tin không chính xác, làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống bão, mưa lũ.