Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo 'pig butchering' trên mạng xã hội
Bạn đã bao giờ nhận được một tin nhắn văn bản với nội dung 'Xin chào!' từ một người lạ chưa? Với công dụng kết nối mọi người, chia sẻ thông tin cùng mạng lưới người dùng trên khắp thế giới, mạng xã hội ngày càng phổ biến.
Tuy nhiên lằn ranh giữa “tốt” và “xấu” cũng rất mong manh. Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và Cảnh sát liên bang Australia (AFP) mới đây đã cảnh báo về một hình thức lừa đảo tinh vi được gọi là pig butchering, trong đó, đối tượng lừa đảo dẫn dụ nạn nhân kết bạn trên mạng xã hội và đầu tư vào các nền tảng giả mạo.
“Cô ấy đã liên hệ với tôi qua mạng xã hội LinkedIn và đó là sự khởi đầu cho một tình bạn... Rồi đến một ngày cô ấy nói về cách cô ấy kiếm tiền và gợi ý tôi đầu tư với một số tiền tối thiểu. Tôi thấy thoải mái về điều này và đã mạo hiểm với số tiền 1.700 USD. Tôi đã kiến được khoản lợi nhuận 388 đôla. Vài ngày sau cô ấy lại muốn tôi đầu tư nhưng với số tiền là 17 000 USD.”
Anh Kevin, sống tại bang New Mexico, Mỹ đã bị lừa tiền theo cách như vậy. Theo Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI), số vụ lừa đảo theo kiểu “nuôi heo”- “pig butchering” đang có dấu hiệu gia tăng thời gian gần đây bởi lợi nhuận mà nó mang lại có thể rất lớn. Ước tính vào năm 2022, gian lận đầu tư đã gây ra tổn thất cao nhất trong số các vụ lừa đảo được báo cáo tại Trung tâm Khiếu nại Tội phạm Internet của FBI , với 3,31 tỷ USD. Các vụ lừa đảo liên quan đến tiền điện tử, trong đó chủ yếu là “pig butchering” đã tăng 183% từ năm 2021 lên 2,57 tỷ USD trong khoản lỗ được báo cáo vào năm ngoái.
Chuyên gia thực thi pháp luật Jamil Hassani tại Cục Điều tra liên bang Mỹ cho biết: “Các vụ lừa đảo theo kiểu “pig butchering” bắt đầu nổi lên từ năm 2021. Cụm từ này đã phần nào nói lên chiêu trò của những kẻ lừa đảo. Sau khi xác định mục tiêu, chúng sẽ nuôi dưỡng nạn nhân bằng ảo tưởng về tình yêu, về sự giàu có và cuối cùng là lừa tiền của nạn nhân. Trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay, tất cả thông tin của chúng ta đều có trên mạng và vì thế trước khi bắt đầu cuộc lừa đảo, bọn tội phạm thường đã hiểu khá rõ về nạn nhân.”
Cảnh sát Liên bang Australia (AFP) mới đây cũng đã công bố chi tiết các bước thực hiện hành vi lừa đảo này nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về những thủ đoạn của các đối tượng tội phạm. Thậm chí trong một số trường hợp, các đối tượng còn thuyết phục nạn nhân mở tài khoản ngân hàng để thực hiện hoạt động rửa tiền hoặc vận chuyển ma túy bất hợp pháp. Dữ liệu Scamwatch mới nhất cho thấy các nạn nhân đã mất tới 40 triệu AUD (26,5 triệu USD) chỉ riêng trong các vụ lừa đảo tình cảm năm 2022.
Ông Benjamin Schrope, một chuyên gia tài chính tại Mỹ cho biết: “Thường thì các đối tượng hoạt động bằng tên giả. Chúng không sử dụng tên thật hay danh tính thật sự của mình. Thường thì rất rất khó để xác định thông tin liên lạc đến từ đâu. Trong và sau thời gian đại dịch COVID-19, mọi người có xu hướng ở nhà một mình và giao tiếp trực tuyến nhiều hơn. Tôi nghĩ điều này thực sự đã mở ra một thế giới của những nạn nhân, những nạn nhân tiềm năng mà các đối tượng cố gắng liên lạc.”
Số nạn nhân thực tế còn cao hơn bởi nhiều người cảm thấy xấu hổ hay lo sợ bị trả thù nên không trình báo với nhà chức trách. Chính vì vậy, các nhà thực thi pháp luật khuyến nghị người dân nếu bị lừa đảo nên báo cho cơ quan chức năng hoặc chia sẻ với bạn bè, gia đình hoặc cộng đồng về những gì đã xảy ra. Càng nhiều người biết về thủ đoạn lừa đảo thì những kẻ tội phạm càng khó nhằm mục tiêu vào những người khác.