Cảnh báo ngập lụt diện rộng
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Hậu Giang đề nghị Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các huyện, thị xã, thành phố theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo của triều cường, thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền và người dân chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại…
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Hậu Giang cho hay, mực nước trên sông Hậu đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và mực nước sông, kênh, rạch, nội đồng trong tỉnh đang lên nhanh và ở mức cao trên báo động III từ 0,15m- 0,26m.
Dự báo mực nước tại Hậu Giang (khu vực ảnh hưởng triều Biển Đông) và dòng chảy trên sông Hậu đạt đỉnh triều cường vào các ngày 25- 27/10, sau đó xuống chậm trong 3 ngày tiếp theo. Khu vực ảnh hưởng triều Biển Tây tiếp tục lên và đạt đỉnh vào ngày 26- 29/10.
Mực nước cao nhất tại trạm thủy văn Phụng Hiệp từ 1,72m-1,8m, trên báo động III từ 0,32m-0,4m; tại trạm thủy văn Vị Thanh từ 0,85m-0,9m, trên báo động III từ 0,1m-0,15m, gây ngập lụt sâu, trên diện rộng tại các địa phương, huyện Châu Thành, huyện Châu Thành A, TP Ngã Bảy và một phần huyện Phụng Hiệp với thời gian kéo dài từ 5-8 ngày. Các địa phương còn lại ngập lụt cục bộ với thời gian kéo dài từ 6-10 ngày.
Để chủ động ứng phó với mưa lớn, triều cường, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Hậu Giang đề nghị Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các huyện, thị xã, thành phố theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo của triều cường, thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền và người dân chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại, chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn về phòng, chống thiên tai.
Tăng cường kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, khu vực thấp trũng, có nguy ảnh hưởng triều cường, mưa lớn gây ngập cục bộ. Sẵn sàng triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất; gia cố, bảo vệ vùng nuôi trồng thủy sản; thu hoạch hoa màu, lúa… đến thời kỳ thu hoạch, hạn chế thấp nhất thiệt hại.
Bố trí lực lượng thường trực sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra. Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh tổng hợp.
Trước đó, từ nhận định khả năng lượng mưa năm 2022 tăng so với trung bình nhiều năm vào các tháng cuối năm, cùng với 2 đợt triều cường cao vào các ngày 25- 29/10 (xấp xỉ đợt triều cường tháng 9 vừa qua) và từ 9- 12/11 (thấp hơn nhưng có khả năng mực nước dâng cao bất thường), ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất vào đầu vụ và tình trạng hạn, mặn gây thiếu nước sản xuất ở cuối vụ Đông Xuân, Sở NN&PTNT Hậu Giang thông báo lịch xuống giống lúa vụ Đông Xuân theo hai đợt.
Đợt 1 từ ngày 27/10- 2/11/2022 (từ 3- 9/10 Âm lịch) đối với các khu vực có đê bao khép kín và hệ thống bơm thoát nước hoàn chỉnh hoặc vùng có nguy cơ xâm nhập mặn. Đảm bảo xuống giống tránh được ảnh hưởng của triều cường vào các tháng cuối năm và hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của hạn mặn, thiếu nước tưới.
Đợt 2 là từ ngày 26/11- 2/12/2022 (từ 3- 9/11 Âm lịch) đối với trà lúa Đông Xuân chính vụ. Đối với vùng trũng thấp hàng năm gieo sạ trễ có thể xuống giống từ ngày 24- 30/12/2022 (từ 2- 8/12 Âm lịch), không bố trí lịch xuống giống trong tháng 1/2023.
“Diễn biến mưa cuối mùa năm nay rất phức tạp, nông dân cần thường xuyên theo dõi thông tin dự báo thời tiết để hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão khi quyết định xuống giống, tuân thủ lịch xuống giống của địa phương, không nóng vội xuống giống vụ Đông Xuân…” – Sở NN&PTNT Hậu Giang khuyến cáo.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/canh-bao-ngap-lut-dien-rong-post1480813.tpo