Cảnh báo bệnh chân tay miệng diễn biến phức tạp

Trong vòng 1 tuần trở lại đây (14-20/7), Khoa Nhi của Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới đã tiếp nhận 6 trường hợp bệnh nhân nhi bị bệnh chân tay miệng xuất hiện các thể nặng, diễn biến nặng cực kỳ nhanh và có cháu đã phải thở máy, dùng các thuốc đặc hiệu đắt tiền.

Bác sỹ thăm khám cho bệnh nhân nhi.

Bác sỹ thăm khám cho bệnh nhân nhi.

Bác sỹ CKII. Phạm Thị Ngọc Hân, Trưởng khoa Nhi Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới cho biết: Các năm trước trên địa bàn tình cũng có bệnh nhân nhi bị chân tay miệng nhưng ở thể nhẹ, chủ yếu là độ 1, chỉ cần chăm sóc và theo dõi điều trị tại nhà không có trường hợp bệnh nhân nặng phải nhập viện điều trị. Tuy nhiên, trong vòng gần 1 tuần trở lại đây đã có nhiều trường hợp nặng phải nhập viện.

Mới nhất là bé gái N.B.C. (20 tháng tuổi) ở phường Hài Thành (TP. Đồng Hới) vào viện ngày 19/7/2023 trong tình trạng sốt cao, giật mình lúc ngủ (>4 cơn/30 phút), họng có vết loét, run chi nhẹ và được chẩn đoàn bệnh chân tay miệng độ 3.

Trước đó, ngày 17/7/2023, bé trai N.V.A.Đ. (12 tháng tuổi) ở xã Vạn Ninh (Quảng Ninh) vào viện trong tình trạng sốt ngày thứ 4, hồng ban lòng bàn tay, bàn chân, mông, giật mình (>2 cơn/ 30 phút), run đầu chi, ngồi không vững… được chẩn đoán tay chân miệng độ 2B nhóm 2.

Theo bác sỹ Hân, tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là các bé dưới 5 tuổi. Bệnh có tốc độ lây lan nhanh, dễ thành dịch, cao điểm của bệnh là tháng 3-5 và từ tháng 8-9 hàng năm. Bệnh rất nguy hiểm nếu không phát hiện sớm và có phương pháp điều trị kịp thời. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu do nhóm virus đường ruột Enterovirus gây nên.

Bệnh tay chân miệng có những dấu hiệu nhận biết khác nhau tùy vào từng giai đoạn, cụ thể, như: Sốt, mệt mỏi, đau họng, tổn thương, đau rát ở răng và miệng, chảy nước bọt nhiều, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày, phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, mông; khi xuất hiện các bóng nước thường có màu xám, hình bầu dục, có thể mọc lồi hoặc ẩn dưới da, sờ có cảm giác cộm, không đau, không ngứa; loét miệng ở niêm mạc má, lợi và lưỡi của trẻ và xuất hiện các bóng nước, dễ vỡ, khi vỡ tạo thành các vết loét khiến trẻ đau khi ăn, quấy khóc.

Bệnh tay chân miệng thường không dẫn đến các biến chứng nguy hiểm nếu phát hiện và điều trị sớm. Tuy nhiên, một số trường hợp phát hiện trễ, bệnh tiến triển nặng và gây ra một số biến chứng như viêm màng não virus (triệu chứng sốt, đau đầu, cứng cổ, đau lưng), bệnh nhân cần nhập viện để được điều trị. Các biến chứng hiếm gặp khác, gồm: Bại liệt, tê liệt hoặc viêm não. Đối với trẻ có biến chứng não sẽ xuất hiện những triệu chứng khó nhận thấy, như: Khó ngủ, quấy khóc nhiều, thường xuyên giật mình lúc thức hay lúc bắt đầu ngủ, hoảng hốt, nói lảm nhảm, tay chân run, co giật, sốt cao, méo miệng...

Theo khuyến cáo của bác sỹ, khi phát hiện một số dấu hiệu của bệnh, bố mẹ cần đưa trẻ đến thăm khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa da liễu hoặc truyền nhiễm để chẩn đoán đúng bệnh. Hiện nay, chưa có thuốc đặc trị hay vaccine phòng bệnh tay chân miệng. Cách điều trị bệnh chủ yếu là điều trị triệu chứng, chăm sóc bệnh nhân tại nhà và sử dụng các loại thuốc hạ sốt, giảm đau, bù đủ nước cho cơ thể theo hướng dẫn của bác sĩ.

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/suc-khoe/202307/canh-bao-benh-chan-tay-mieng-dien-bien-phuc-tap-2210922/