Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung: ASEAN thành 'ngư ông đắc lợi'

Những tác động của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã buộc nhiều nhà sản xuất phải tìm hướng đi mới nhằm giảm thiểu rủi ro. Với nhiều lợi thế về vị trí địa chính trị cùng nguồn lao động dồi dào, ASEAN trở thành 'vịnh trú bão' của nhiều nhà sản xuất trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang liên tục biến động.

Ảnh minh họa.

Nhiều công ty đa quốc gia đã thực hiện chiến lược “Trung Quốc +1” khi bắt đầu chuyển dây chuyền sản xuất của mình ra khỏi Trung Quốc. Và ASEAN, đặc biệt là những quốc gia như Việt Nam, Indonesia hay Thái Lan, đang trở thành điểm đến đầy hứa hẹn.

Tờ Financial Times nhận định ASEAN nổi lên như một đối tác ngoại giao và kinh tế nhiều tiềm năng. ASEAN không chỉ giúp các nhà sản xuất đa dạng hóa chuỗi cung ứng mà còn giúp họ tránh được những hạn chế gây ra bởi các đòn trả đũa lẫn nhau của Mỹ và Trung Quốc. Nhờ đó, ASEAN đã và đang gặt hái được nhiều “chiến lợi phẩm” ngay cả khi nền kinh tế toàn cầu có dấu hiệu chững lại.

Đón đầu làn sóng đầu tư

Theo Bloomberg, Đông Nam Á đang đón đầu làn sóng đầu tư và dịch chuyển sản xuất của các doanh nghiệp lớn toàn cầu trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung leo thang.

Dựa trên khảo sát của AmCham Trung Quốc và AmCham Thượng Hải với hơn 430 công ty Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc, có khoảng 1/3 công ty đã và đang xem xét chuyển dây chuyền sản xuất ra nước ngoài và Đông Nam Á là thị trường được lựa chọn nhiều nhất.

Giai đoạn gián đoạn chuỗi cung ứng do dịch Covid-19 và những ảnh hưởng khôn lường của căng thẳng Mỹ - Trung được cho là những nguyên nhân chính giúp ASEAN trở thành “miền đất hứa”, giúp các nhà sản xuất toàn cầu đa dạng hóa nguồn cung.

Ghi nhận cho thấy, từ các hãng công nghệ lớn như Samsung, HP và Dell cho đến các công ty sản xuất giày dép, thời trang hay đồ chơi đều đang đẩy mạnh dịch chuyển chuỗi cung ứng sang Đông Nam Á.

Gã khổng lồ Apple cũng đã đưa dây chuyền sản xuất AirPod và các phụ kiện của iPhone về Việt Nam trong thời gian qua. Tờ Fidelity International nhận định, Việt Nam ngày càng giống như một Trung Quốc thu nhỏ khi nói đến sản xuất điện tử.

Làn sóng đổ bộ vào thị trường Đông Nam Á của các nhà sản xuất toàn cầu kéo theo sự tăng trưởng chưa từng có trong dòng vốn FDI.

Theo số liệu của Statista, số vốn FDI vào Malaysia đạt mức 11,59 tỷ USD vào năm 2022, tăng mạnh so với con số 3,19 tỷ USD của một năm trước đó.

Với nhiều lợi thế trong lĩnh vực chất bán dẫn, Malaysia đã thu hút những khoản đầu tư hàng tỷ USD từ các nhà sản xuất chip toàn cầu như Intel hay Infineon Technologies. Investment Monitor cho biết, chỉ trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 10/2022, số lượng dự án FDI ở Malaysia đã vượt qua con số của cả năm 2021, với mức tăng 87%. Đây là tỷ lệ phần trăm tăng trưởng cao nhất so với tất cả các nước châu Á – Thái Bình Dương.

Việt Nam cũng đã chứng kiến mức tăng trưởng theo cấp số nhân về vốn FDI trong 3 thập kỷ qua, tăng từ 180.000 USD vào năm 1990 lên 15,7 tỷ USD vào năm 2021, theo số liệu từ hội nghị thương mại và đầu tư của Liên hợp quốc.

Từ tháng 1 đến tháng 10 năm ngoái, vốn FDI vào Việt Nam đã tăng 82%, chỉ sau Malaysia trong cùng kỳ. Trong giai đoạn này, Việt Nam ghi nhận 254 dự án đầu tư nước ngoài, vượt xa các nước như Hàn Quốc, Thái Lan hay New Zealand.

Indonesia cũng đang trở thành “người được chọn” của nhiều nhà đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực khai khoáng đất hiếm và xe điện. Hãng xe Hyundai xây dựng nhà máy sản xuất pin tại Indonesia trong khi Volkswagen cùng Ford đang xem xét đầu tư vào dự án sản xuất niken tại quốc gia này.

Nguồn tài nguyên phong phú của Indonesia mang đến cơ hội cho Indonesia phát triển khai thác và sản xuất những thành phần quan trọng trong pin xe điện.

Những lợi thế này còn giúp thúc đẩy xuất khẩu của các quốc gia trong khối ASEAN. Hàng hóa xuất khẩu của Đông Nam Á tăng vọt với mức tăng trưởng 22,6% trong năm 2022, mức cao nhất trong số các khu vực châu Á. Xuất khẩu dịch vụ của Đông Nam Á đã tăng 19,1% vào năm 2022, cũng là tốc độ nhanh nhất ở châu Á.

Theo báo cáo của nhà cung cấp dịch vụ hậu cần toàn cầu DHL, ASEAN dự kiến sẽ dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 5,6% trong giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2026, tiếp theo là Nam Á và Trung Á ở mức 5%. Cũng theo báo cáo này, các thị trường mới nổi và ASEAN sẽ đóng vai trò ngày càng to lớn trong thương mại toàn cầu trong tương lai.

Khi phần thưởng chỉ dành cho người xứng đáng

Không phải ngẫu nhiên mà các quốc gia Đông Nam Á được các nhà đầu tư và nhà sản xuất quốc tế “chọn mặt gửi vàng”. Nếu xem ASEAN là một nước thì đây sẽ là quốc gia đông dân thứ 3 thế giới, chỉ sau Ấn Độ và Trung Quốc.

Trong khi nhiều quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số thì ASEAN lại có lợi thế khi dân số trẻ và ngày càng phát triển về năng lực lẫn thể chất.

Độ tuổi trung vị (biểu thị cho mức độ dân số trẻ) của ASEAN là 30 trong toàn khu vực, hấp dẫn hơn so với 39 ở Trung Quốc, 49 ở Nhật Bản, 38 ở Mỹ và 42 ở Châu Âu.

Tầng lớp trung lưu tăng nhanh ở các quốc gia Đông Nam Á cũng đang góp phần vào thúc đẩy tiêu dùng, với GDP bình quân đầu người ở hầu hết các quốc gia trong khu vực được dự báo sẽ tăng từ 3% đến 4% hàng năm cho đến năm 2030, theo thống kê của Ngân hàng Thế giới.

Không chỉ có nguồn lao động dồi dào, mức lương trung bình của công nhân tại các quốc gia Đông Nam Á cũng hấp dẫn hơn so với nhiều khu vực khác. Dựa trên số liệu từ Cục xúc tiến thương mại Nhật Bản, mức lương hàng tháng của một công nhân Trung Quốc là 493 USD trong khi con số này chỉ là 227 USD ở Việt Nam và 220 USD ở Philippines.

Mỗi quốc gia trong khối ASEAN còn có một thế mạnh riêng về sản xuất, như Việt Nam với ngành dệt may, Malaysia với ngành điện tử hay Thái Lan và Indonesia với ngành công nghiệp ô tô. Đi cùng với đó là lợi thế về vị trí địa lý và ít bất ổn địa chính trị giúp ASEAN trở thành “cửa ngõ” giúp các quốc gia khác thâm nhập vào thị trường châu Á – Thái Bình Dương.

Các quốc gia ASEAN cũng đã và đang thực hiện những bước đi đầy tham vọng để cải thiện môi trường kinh doanh và thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài.

ASEAN đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với các quốc gia như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Liên minh Châu Âu hay Trung Quốc. Sự hợp tác toàn diện, sâu rộng trên nhiều lĩnh vực giữa ASEAN và các quốc gia khác giúp phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng và ổn định thương mại, đầu tư.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia. để có thể duy trì và tận dụng tối đa những lợi thế hiện tại, các quốc gia Đông Nam Á cần chú trọng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao tay nghề của người lao động. Song song với đó, các quốc gia thành viên cần hỗ trợ lẫn nhau, cùng nhau phát triển để tận dụng triệt để lợi thế “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” hiện có.

Mai Lý

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/cang-thang-thuong-mai-my-trung-asean-thanh-ngu-ong-dac-loi-20180504224288046.htm