Cần xem xét lại đề xuất cho phép tổ chức tín dụng, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được quyền thu giữ tài sản bảo đảm

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới đây đã gửi tới Bộ Tư pháp góp ý vào dự thảo luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Các tổ chức tín dụng. Trong đó, VCCI kiến nghị cần xem xét lại đề xuất cho phép tổ chức tín dụng, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được quyền thu giữ tài sản bảo đảm để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, hoặc nghiên cứu sửa đổi các quy định liên quan để tránh xung đột pháp lý.

Dự thảo đề xuất cho phép tổ chức tín dụng, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được quyền thu giữ t ài sản bảo đảm. Báo cáo đánh giá tác động nhận định đề xuất này phù hợp với bộ luật Dân sự. Tuy nhiên, VCCI nhận thấy cần xem xét thêm một số khía cạnh.

Thứ nhất là tính bình đẳng giữa các chủ thể kinh doanh. Hoạt động cho vay có tài sản bảo đảm giữa tổ chức tín dụng và người vay là một giao dịch dân sự. Trên thực tế, có nhiều giao dịch dân sự tương tự giữa các cá nhân, tổ chức khác.

Việc không thu giữ và xử lý được tài sản bảo đảm có thể dẫn đến nợ xấu, ảnh hưởng đến dòng vốn và năng lực tài chính của các chủ thể kinh tế.

Do đó, cần làm rõ cơ sở pháp lý để tổ chức tín dụng được áp dụng cơ chế riêng này, trong khi các chủ thể khác không có quyền tương tự.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới đây đã gửi tới Bộ Tư pháp góp ý vào dự thảo luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Các tổ chức tín dụng. Ảnh: Huy Khánh

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới đây đã gửi tới Bộ Tư pháp góp ý vào dự thảo luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Các tổ chức tín dụng. Ảnh: Huy Khánh

Thứ hai là khía cạnh về bảo vệ quyền lợi của người vay. Theo đề xuất, tổ chức tín dụng, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu sẽ trực tiếp thu giữ tài sản bảo đảm, chỉ cần thông báo với UBND cấp xã và cơ quan công an nơi có tài sản bảo đảm; tuy nhiên, đề xuất chưa làm rõ vai trò của các cơ quan này trong quá trình thu giữ.

VCCI cho rằng, cần có cơ chế kiểm soát phù hợp để đảm bảo tổ chức tín dụng thực hiện đúng quy định và không xâm phạm quyền lợi hợp pháp của người vay, đặc biệt khi hoạt động này tác động trực tiếp đến quyền sở hữu tài sản của cá nhân, tổ chức mà không thông qua cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Do đó, VCCI đề nghị bổ sung đánh giá về các nội dung trên nhằm đảm bảo tính hợp lý, minh bạch và cân bằng lợi ích giữa các bên liên quan.

VCCI cho rằng, báo cáo đánh giá tác động đã chỉ ra sự chưa thống nhất giữa đề xuất này và pháp luật thi hành án.

Tuy nhiên, lại đề xuất giải quyết bằng nguyên tắc: "Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản ban hành sau".

Cách giải thích này chưa thuyết phục, bởi tại thời điểm đề xuất chính sách cần đảm bảo tính thống nhất giữa các quy định pháp luật hiện hành. Áp dụng nguyên tắc này có thể dẫn đến tình trạng thiếu nhất quán giữa các văn bản pháp luật, gây khó khăn trong thực thi.

Do đó, đơn vị này kiến nghị cần xem xét lại đề xuất để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, hoặc nghiên cứu sửa đổi các quy định liên quan để tránh xung đột pháp lý.

Trước đó, tại dự thảo luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đề xuất bổ sung điều 198a vào sau điều 198 luật Các tổ chức tín dụng, quy định rõ tổ chức tín dụng, tổ chức mua bán, xử lý nợ được quyền thu giữ tài sản bảo đảm.

Quy định các điều kiện phải đáp ứng để thực hiện được việc thu giữ bao gồm: khi xảy ra trường hợp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật về dân sự; tại hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho bên nhận bảo đảm có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; biện pháp bảo đảm đã phát sinh hiệu lực đối kháng với bên thứ ba theo quy định của pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

Ngoài ra, tài sản bảo đảm không phải là tài sản tranh chấp trong vụ án đã được thụ lý nhưng chưa được giải quyết hoặc đang được giải quyết tại tòa án có thẩm quyền; không đang bị tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; không đang bị kê biên hoặc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật.

Tổ chức tín dụng, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu đã hoàn thành nghĩa vụ công khai thông tin về thời gian, địa điểm thu giữ tài sản bảo đảm, tài sản bảo đảm được thu giữ, lý do thu giữ...

Những trường hợp có thể bị thu hồi nhà ở xã hội trong năm 2025

Huy Khánh

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/can-xem-xet-lai-de-xuat-cho-phep-to-chuc-tin-dung-to-chuc-mua-ban-xu-ly-no-xau-duoc-quyen-thu-giu-tai-san-bao-dam-172250331173223512.htm