Cẩn trọng với quảng cáo của 'bác sĩ tự xưng' trên Facebook, Tiktok
Theo chuyên gia, người bệnh không nên tin vào quảng cáo của những người tự xưng là bác sĩ trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, Tiktok với những thông tin chưa được xác thực nhằm mục đích bán sản phẩm không rõ nguồn gốc.
Vừa qua, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã phối hợp cùng chính quyền địa phương kiểm tra đột xuất địa điểm khám chữa bệnh không phép của ông Hà Duy Thọ và bà Đặng Thị Tuyết Thu (vợ ông Thọ) trên địa bàn quận Phú Nhuận.
Theo Sở Y tế TP.HCM, tại thời điểm kiểm tra, ông Thọ không trình được bằng cấp và chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Ông Thọ là người khá nổi tiếng trên mạng xã hội Facebook và Tiktok, được biết đến với tên gọi "bác sĩ Hà Duy Thọ". Sở Y tế TP.HCM cho biết, trang Facebook cá nhân, "bác sĩ Hà Duy Thọ" được sử dụng để quảng cáo là bác sĩ dinh dưỡng và chuyên bán sản phẩm thực phẩm.
Đáng chú ý, trên các nền tảng mạng xã hội Facebook và Tiktok, ông Thọ đăng tải nhiều clip với nội dung được cho là thiếu căn cứ về dinh dưỡng hay điều trị ung thư. Nhiều bác sĩ bày tỏ bức xúc trước những thông tin y khoa sai lệch trên vì có thể ảnh hưởng tiêu cực nếu người bệnh tin và làm theo.
Đơn cử như các tuyên bố: "Uống sữa gây loãng xương; ăn gạo lứt muối mè, pha nước tương uống, sắn dây, ăn thực dưỡng chữa ung thư hay nước mắm ăn thừa sau 4 tiếng sẽ tạo ra chất gây ung thư" hay "Càng uống sữa lại càng loãng xương, vì trong sữa có một loại đạm khó tiêu nên cơ thể phải tiết ra nhiều axit, khi hấp thu trong máu khiến máu nhiễm axit và gây bệnh. Cơ thể sẽ trung hòa bằng cách lấy nhiều khoáng chất canxi trong tủy xương để trung hòa axit, gây ra loãng xương".
Trao đổi với Báo Sức khỏe & Đời sống, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, việc ăn gạo lứt muối mè chỉ góp phần trong việc điều trị bệnh, chứ không thể chữa bệnh ung thư.
"Ăn gạo lứt rất tốt cho các bệnh lý mãn tính như tim mạch, mỡ máu cao, tăng huyết áp, tiểu đường… Còn đối với bệnh lý ung thư, gạo lứt muối mè giàu các chất chống oxy hóa chỉ góp phần giúp kiểm soát chế độ ăn, tốt cho sức khỏe. Còn để nói chữa ung thư thì không thể vì ung thư có rất nhiều nguyên nhân. Chế độ ăn chỉ góp phần hỗ trợ dự phòng bệnh, việc điều trị bệnh hay điều trị ung thư phải kết dựa vào nguyên nhân hợp nhiều phương pháp như hóa chất, thuốc… Người bệnh cần tuân thủ theo sự tư vấn của bác sĩ điều trị, với chế độ ăn nên xin ý kiến của bác sĩ về dinh dưỡng có thể là chuyên ngành dinh dưỡng điều trị", PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm cho biết.
Trong khi đó, về phương pháp thực dưỡng mà vị 'bác sĩ tự xưng' có nhắc đến, ThS BS Lê Thị Hương Giang - Trưởng Khoa Tiết Chế Dinh Dưỡng, Bệnh viện 19-8 cho rằng, những thông tin mà ông Hà Duy Thọ đưa ra là không có khoa học. "Dinh dưỡng chỉ đóng vai trò hỗ trợ, phối hợp trong điều trị bệnh. Khi người bệnh đã được chẩn đoán mắc bệnh cần được điều trị bằng thuốc và kết hợp với dinh dưỡng. Không thể nói chỉ bằng việc ăn uống có thể chữa được bệnh nọ bệnh kia. Với các bác sĩ dinh dưỡng, khi cần tài liệu tham khảo cũng phải truy cập vào những trang web của các tổ chức uy tín, có độ tin cậy cao", BS Giang chia sẻ.
Theo ThS BS Lê Thị Hương Giang, trong dinh dưỡng, thực dưỡng có rất nhiều quan điểm, có những quan điểm chỉ ăn thực vật, ăn chay, ăn gián đoạn… Những quan điểm này chưa có những nghiên cứu hay công bố từ các tổ chức y tế uy tín, hơn nữa con người là động vật cao cấp cần được ăn uống cân đối. Đặc biệt, trong dinh dưỡng cần phải cân đối giữa chất đạm, thực vật, động vật… và đều phải được tính toán theo khoa học.
Đối với các quảng cáo khám chữa bệnh tràn lan trên mạng xã hội hiện nay, BS Giang nhận định, hiện nay thông tin trên mạng thì không thể kiểm soát, kiểm chứng được thông tin, người bệnh nên tới các cơ sở y tế uy tín đã được cấp phép. Hơn nữa, mỗi bệnh nhân sẽ có thể trạng, bệnh lý riêng, vì vậy cần được thăm khám để đưa ra phác đồ điều trị riêng biệt phù hợp.
"Người bệnh không nên tin vào những lời quảng cáo của những người tự xưng là bác sĩ trên các nền tảng mạng xã hội. Thực trạng hiện nay về lĩnh vực dinh dưỡng có rất nhiều người tự xưng là bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng đưa ra những thông tin chưa được xác thực với mục đích bán sản phẩm không rõ nguồn gốc, tác dụng", Bác sĩ Giang chia sẻ.
Khoản 3 điều 56 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm các quy định về quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phạt tiền từ 30 triệu đến 40 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh khi chưa có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh hoặc chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Ngoài ra, căn cứ khoản 5 điều 56 Nghị định 38/2021/NĐ-CP, người thực hiện hành vi vi phạm trên còn buộc phải tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo.
Đối với hành vi bán các sản phẩm, thuốc không rõ nguồn gốc cho bệnh nhân, đây là hành vi vi phạm các quy định về khám bệnh, chữa bệnh. Căn cứ điểm a khoản 6 điều 38 Nghị định 117/2020/NĐ-CP phạt tiền từ 20 triệu đến 30 triệu đồng đối với hành vi bán thuốc cho người bệnh dưới mọi hình thức, trừ trường hợp được bán thuốc y học cổ truyền theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, đối với hành vi bán thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, căn cứ khoản 6 điều 58 Nghị định 117/2020/NĐ-CP tùy theo giá trị hàng hóa mà hành vi mua, bán thuốc, nguyên liệu làm thuốc chưa có giấy phép nhập khẩu hoặc chưa có giấy đăng ký lưu hành có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đến 100 triệu đồng.