Cẩn trọng khi kinh doanh theo trào lưu
Nhiều người kinh doanh mặt hàng ăn uống hiện nắm bắt và thay đổi rất nhanh theo thị hiếu. Tuy nhiên, cũng vì chạy theo trào lưu, không ít người trẻ khởi nghiệp đã phải 'gánh lỗ'.
Chạy theo trào lưu
Trà chanh giã tay là món uống đang “gây sốt” tại TP Hồ Chí Minh gần đây. Nhiều quán trà chanh mở khắp các con đường. Có những đoạn đường dày đặc quán kinh doanh đồ uống này như đường Cách Mạng tháng 8, đoạn quận 1 nằm giữa hai con đường Nguyễn Thị Minh Khai và vòng xoay Ngã sáu Phù Đổng chỉ vài trăm mét mà có đến hàng chục tiệm trà chanh giã tay nằm san sát nhau. Để cạnh tranh, các tiệm còn cử nhân viên ra ngoài đường vẫy gọi, chào mời khách.
Đoạn đường Nguyễn Thượng Hiền, quận 3 cũng thế, chỉ một quãng ngắn chưa đến 1km đã có hơn chục quán trà chanh giã tay. Trong số đó có một số quán mới mở, một số chuyển từ hình thức kinh doanh khác, còn vài nơi vốn là quán nước nay thêm món mới để “theo trend”.
Là một “fan” của các loại trà sữa, trà chanh, Nguyễn Hà Anh, sinh viên Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Thực ra món này uống cũng thơm thơm, vui miệng, thấy rầm rộ quá nên tụi em mua uống cho biết, chứ món này em nghĩ về lâu dài không giữ chân được khách. Nó cũng sẽ nhanh chóng “chìm” xuống như nhiều trend khác thời gian qua, như bánh đồng xu, trà mãng cầu hay cà phê muối”.
Thực tế, chỉ trong một thời gian ngắn đã có nhiều trào lưu ăn uống “lên ngôi” nhanh chóng rồi “mất hút”. Cách đây vài tháng, bánh đồng xu còn là món ăn thịnh hành hàng đầu. Loại bánh có nhân phô mai kéo sợi này thu hút đến nỗi các cửa hàng bán bánh đồng xu mọc lên khắp nơi, từ ngõ hẻm đến khu ăn uống tại các trung tâm thương mại, từ trung tâm thành phố cho đến các vùng ngoại ô. Tại các cửa hàng bán bánh, giới trẻ sẵn sàng bỏ thời gian xếp hàng dài để được thưởng thức chiếc bánh đang “làm mưa làm gió” này. Cũng tương tự, khi trà mãng cầu “lên ngôi”, nhiều người lại bán loại trà này, đến nỗi trái mãng cầu xiêm lên giá đột biến.
Tuy nhiên, những trào lưu ăn uống này đến rồi đi một cách “chóng mặt” vì không giữ chân được thực khách mà chỉ thu hút sự tò mò ban đầu. Đến nay, hầu hết các cửa hàng bánh đồng xu đã dẹp bỏ, các loại trà mãng cầu, cà phê muối… cũng dần rời khỏi thực đơn của nhiều quán nước khi không còn khách lựa chọn.
Nên kinh doanh sáng tạo và bền vững
Tám tháng trước, khi trà mãng cầu đang là món uống được giới trẻ ưa chuộng, Lê Văn Thanh (29 tuổi, ngụ Quang Trung, Gò Vấp) quyết định khởi nghiệp bằng một xe bán nước dựng dọc đường Quang Trung, chuyên bán món trà mãng cầu và một số thức uống pha chế. Món trà mãng cầu này anh Thanh học từ một lớp pha chế cấp tốc trên mạng với giá 400 ngàn đồng. Anh đầu tư xe và các loại nguyên liệu hết 100 triệu đồng. Thời gian đầu lượng khách đông, mỗi tháng lợi nhuận của anh từ 15 - 20 triệu đồng.
Tuy nhiên, lượng khách giảm dần và cho đến nay, anh Thanh đã phải liên tục học vài lớp cấp tốc trên mạng, thay đổi dụng cụ chế biến, thay đổi nguyên liệu vài lần để theo phong trào thức uống đang thịnh hành. Hiện nay anh đang kinh doanh trà chanh giã tay, và vì món uống này đang được chuộng nên doanh thu mỗi ngày của anh cũng khá ổn. Tuy nhiên, anh Thanh cũng xác định trào lưu này sẽ sớm thoái trào, nhường chỗ cho món uống mới và anh cũng phải thay đổi theo, như một tất yếu của khởi nghiệp ẩm thực “đu trend”.
Tương tự, khi món bánh đồng xu lên ngôi, có hàng ngàn người khắp thành phố đã bắt tay vào khởi nghiệp với món bánh này. Những người đi đầu trào lưu may ra thành công, còn không ít người phải “khóc ròng” khi đầu tư vài chục triệu đồng chỉ riêng cho máy làm bánh, nhưng chẳng bao lâu trào lưu đã hết, mà máy này thì không thể tái sử dụng cho việc kinh doanh món ăn khác.
Những năm qua, nhiều trào lưu ẩm thực nhanh đến và nhanh đi như mì cay 7 cấp độ, xiên que tự chọn, lẩu nhúng, bánh khoai mỡ, chân gà sả tắc, gỏi gà măng cụt… Những món ăn này ngoài nhờ sự lan tỏa rầm rộ trên các mạng xã hội cũng có sức hút nhất định với độ ngon, lạ miệng… Tuy nhiên, mỗi khi trào lưu mới ra mắt là “nhà nhà, người người” lao theo, khởi nghiệp hoặc chuyển đổi kinh doanh rầm rộ, để rồi chỉ một thời gian sau là thoái trào, dẹp tiệm, lỗ vốn…
Theo các chuyên gia, việc khởi nghiệp, kinh doanh ẩm thực cần phải được thực hiện với mục tiêu rõ ràng, có sự sáng tạo, tính bền vững. Nếu cứ chạy theo trào lưu, thấy người khác làm liền làm theo sẽ là một cái vòng lẩn quẩn, thành công thì ít, thất bại thì nhiều, hoặc chỉ thành công nhất thời rồi lại mất trắng.
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/can-trong-khi-kinh-doanh-theo-trao-luu-post498453.html