Cần những quy định thực tiễn hơn để giải bài toán nguồn nhân lực lĩnh vực lưu trữ

Cho rằng, quy định về người làm công tác lưu trữ trong dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Bảy lần này còn quá chung chung, một số đại biểu Quốc hội đề nghị, phải có giải pháp, quy định mang tính thực tiễn hơn để giải bài toán nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của công tác lưu trữ tại các cơ quan, đơn vị các cấp.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Làm rõ điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trữ

Liên quan đến các hoạt động dịch vụ lưu trữ, khoản 1 Điều 53 dự thảo Luật quy định “Các hoạt động dịch vụ lưu trữ bao gồm: a) Kinh doanh hạ tầng kỹ thuật để bảo quản tài liệu lưu trữ giấy, tài liệu lưu trữ trên các vật mang tin khác; b) Kinh doanh hạ tầng kỹ thuật để lưu trữ tài liệu lưu trữ số và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ; c) Số hóa, xây dựng, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ; d) Tu bổ, khử trùng, khử axit, vệ sinh tài liệu, kho lưu trữ tài liệu; đ) Tư vấn nghiệp vụ lưu trữ”.

Bày tỏ băn khoăn với quy định này, ĐBQH Phan Đức Hiếu (Thái Bình) cho rằng, toàn bộ 5 nhóm hoạt động này theo khoản 2 Điều 53 đều được coi là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, trong khoản 3 Điều 53 lại chỉ quy định về điều kiện kinh doanh đối với 2 nhóm hoạt động là “kinh doanh hạ tầng kỹ thuật để bảo quản tài liệu lưu trữ giấy, tài liệu lưu trữ trên các vật mang tin khác” và “kinh doanh hạ tầng kỹ thuật để lưu trữ tài liệu lưu trữ số và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ”. Tiếp đó, khoản 4 Điều 53 cũng chỉ nhắc đến cá nhân hành nghề phải có chứng chỉ hành nghề. Như vậy, vẫn còn 3 nhóm hoạt động về dịch vụ lưu trữ được coi là kinh doanh có điều kiện nhưng không được quy định rõ điều kiện kinh doanh là gì? Theo đại biểu Phan Đức Hiếu, nếu coi đây là điều kiện kinh doanh nhưng không phải chấp hành điều kiện gì, thì dự thảo Luật cần ghi rõ để các doanh nghiệp thực hiện, còn nếu như có điều kiện phải tuân thủ thì nên quy định cụ thể ngay trong Luật.

Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu (Thái Bình) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu (Thái Bình) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Một số đại biểu cũng đề nghị, cần làm rõ hơn về điều kiện kinh doanh hạ tầng kỹ thuật để lưu trữ tài liệu lưu trữ số và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ tại khoản 3 Điều 53 dự thảo Luật. Bởi, điều kiện hạ tầng kỹ thuật như yêu cầu về hạ tầng nhà trạm, phần cứng, phần mềm, thiết bị lưu trữ, nhân sự, vận hành kỹ thuật, mức độ an toàn hệ thống đều cần có quy định mức tối thiểu.

Bên cạnh đó, việc thực hiện đánh giá để cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trữ cũng làm phát sinh thêm bộ phận nhân sự phải đáp ứng yêu cầu về kinh nghiệm đánh giá, chứng nhận, kiểm tra trong quá trình vận hành của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hạ tầng kỹ thuật phục vụ lưu trữ số. Đồng thời, tăng thêm nhiệm vụ cho cơ quan quản lý nhà nước về lưu trữ đối với hệ thống công nghệ thông tin, an toàn thông tin của dịch vụ lưu trữ.

Hướng tới xây dựng đề án về chiến lược phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực lưu trữ

Về người làm công tác lưu trữ, Điều 61 dự thảo Luật hiện đang quy định “Người làm lưu trữ ở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân được hưởng chế độ ưu đãi ngành, nghề, công việc đặc thù; chế độ, chính sách khác theo quy định của pháp luật”.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Theo ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương), quy định như vậy còn quá chung chung, chưa rõ chế độ ưu đãi ngành nghề, công việc đặc thù cho người làm lưu trữ kiêm nhiệm ở các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước thì có được hưởng chế độ này hay không, hay chỉ áp dụng cho người làm chuyên trách? Trong khi đó, Luật Lưu trữ hiện hành đã quy định tương đối rõ về vấn đề này tại Điều 7.

Mặt khác, do sức ép của việc tinh giản biên chế, các cơ quan hầu như không tuyển, không sử dụng cán bộ làm công tác lưu trữ chuyên trách mà đa số sử dụng cán bộ kiêm nhiệm làm nhiệm vụ này. Số lượng người thi tuyển vào vị trí cán bộ, nhân viên lưu trữ tại các cơ quan cũng gần như không có, vì vị trí này có ít cơ hội phát triển, trừ ở các cơ quan chuyên trách về lưu trữ. Nêu thực tế này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị, nên quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ, yêu cầu chuyên môn, đặc biệt là chế độ, chính sách đối với cán bộ kiêm nhiệm làm công tác lưu trữ tại các cơ quan.

Đại biểu Quốc hội Dương Khắc Mai (Đắk Nông) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Đại biểu Quốc hội Dương Khắc Mai (Đắk Nông) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Nêu thực tế qua khảo sát, làm việc với các cơ quan, đơn vị, ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông) cho biết, nhiều cơ quan ở cấp tỉnh chỉ bố trí một người vừa làm văn thư vừa làm lưu trữ với chức danh thường gọi là “văn thư - lưu trữ”, công việc chính là thực hiện công tác văn thư với khối lượng ngày càng nhiều do yêu cầu nhiệm vụ tại các đơn vị chuyên môn ngày càng tăng. Họ xử lý công việc đồng thời bằng phần mềm và thủ công nên thời gian làm việc trong ngày hầu như chỉ dành cho công tác văn thư, nhiệm vụ về lưu trữ gần như bỏ ngỏ. Điều này dẫn đến tình trạng tài liệu lưu trữ bị tồn đọng xảy ra khá phổ biến, nhất là ở cấp xã. Từ thực tiễn này, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị phải có giải pháp, quy định mang tính thực tiễn hơn để giải bài toán nguồn nhân lực, đáp ứng cho công tác lưu trữ tại các cơ quan, đơn vị các cấp.

Bên cạnh đó, kế thừa quy định của Luật Lưu trữ hiện hành, dự thảo Luật đã quy định khá cụ thể, chi tiết về kho lưu trữ phục vụ công tác hoạt động lưu trữ và giao trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị, đồng thời được ngân sách bảo đảm. Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều cơ quan, đơn vị bố trí kho lưu trữ chật hẹp, chưa trang bị đầy đủ các hệ thống an toàn, phòng, chống hỏa hoạn... Vấn đề này cũng chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của các cơ quan, làm ảnh hưởng đến giá trị của tài liệu và phục vụ công tác về lâu dài. Đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị, trong quá trình thực thi Luật cần nghiêm túc, đề cao tính thực tiễn, hiệu quả.

Giải trình, làm rõ vấn đề này tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Bộ Nội vụ sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội để điều chỉnh quy định sao cho phù hợp, theo hướng vừa bảo đảm tinh giản bộ máy nhưng vẫn có nhân lực đáp ứng được chất lượng cho công tác quản lý và thực thi nhiệm vụ về công tác lưu trữ. Các nội dung trong dự thảo Luật liên quan vấn đề này mới chỉ thiết kế mang tính “khung”, Bộ sẽ cố gắng căn cứ vào những khung chung này để khi Luật được Quốc hội thông qua thì Chính phủ sẽ có những quy định cụ thể hơn. “Định hướng là xây dựng một đề án về chiến lược phát triển nguồn nhân lực liên quan đến lĩnh vực lưu trữ, bởi thực chất để đào tạo, sử dụng đội ngũ người làm công tác lưu trữ chuyên nghiệp cũng hết sức khó khăn”, Bộ trưởng nói.

Minh Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/can-nhung-quy-dinh-thuc-tien-hon-de-giai-bai-toan-nguon-nhan-luc-linh-vuc-luu-tru-i372743/