Cần những hành động cấp bách

ĐBP - Trước nguy cơ nhiều loài động, thực vật nằm trong sách đỏ bị tuyệt chủng, huyện Mường Nhé đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, nhất là đồng bào các DTTS trong việc chung tay giữ rừng, bảo vệ các loài động, thực vật quý hiếm. Huyện cũng nghiêm khắc xử lý các đối tượng nuôi, nhốt, buôn bán, tiêu thụ... trái phép động vật hoang dã (ÐVHD).

Cán bộ Khu BTTN Mường Nhé thả cá thể ÐVHD về với môi trường sống tự nhiên.

Thay đổi nhận thức...

Như đã hẹn, chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Hiếu, cán bộ Trung tâm Y tế huyện Mường Nhé, người đã làm đơn và liên hệ với Khu Bảo tồn Thiên nhiên (BTTN) Mường Nhé để giao nộp 2 cá thể rùa, thuộc danh mục loài được ưu tiên bảo vệ. Anh Nguyễn Văn Hiếu cho biết: Cuối tháng 4/2019 trên đường đi công tác tại bản Mường Nhé (xã Mường Nhé), tôi có bắt gặp một người dân trên tay xách 2 cá thể rùa đi bán. Do biết việc mua, bán ÐVHD là vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng tới công việc nên ban đầu tôi từ chối mua. Nhưng khi nghe rùa có thể bị người dân giết thịt, tôi đã quyết định bỏ ra 500 nghìn đồng để mua lại 2 cá thể rùa với mục đích bàn giao lại cho cơ quan chức năng. Sau khi đem về nhà, tôi đã làm đơn gửi Khu BTTN Mường Nhé bàn giao 2 cá thể rùa để chăm sóc và tổ chức thả chúng về với môi trường tự nhiên.

Tương tự, sau khi phát hiện một con khỉ vàng “đi lạc” vào vườn cây ăn quả nhà mình, chị Ðinh Thị Vân, tổ dân phố Ðồng Tâm, thị trấn Tủa Chùa (huyện Tủa Chùa) đã giữ lại để trả cho người mất. Nhưng sau nhiều ngày chờ đợi không thấy ai đi tìm cá thể khỉ, chị Vân đã quyết định làm đơn trình báo Hạt Kiểm Lâm huyện. Nhận được thông tin, Hạt Kiểm lâm huyện Tủa Chùa đã phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp nhận con khỉ vàng trên. Do không có chuồng trại chuyên dụng và bác sĩ thú y chuyên trách để chăm sóc, nuôi dưỡng nên Hạt đã liên hệ với Khu BTTN Mường Nhé để bàn giao, chăm sóc, nuôi dưỡng đến khi khỉ vàng có tình trạng sức khỏe bình thường sẽ tổ chức thả về tự nhiên theo đúng quy định. Có thể nói, từ nhiều cách tuyên truyền, vận động linh hoạt, sáng tạo, đặc biệt là áp dụng các biện pháp răn đe, giáo dục; nghiêm cấm săn, bắt, khai thác, nuôi, nhốt, giết... ÐVHD nên nhiều người dân không riêng gì địa bàn Mường Nhé mà trong toàn tỉnh đã ý thức được việc chung tay bảo vệ rừng, các loài ÐVHD; tự nguyện giao nộp động vật quý hiếm, góp phần đem lại nguồn sống và bảo tồn đa dạng sinh học.

Huy động sự chung tay của cả cộng đồng

Dựa trên các báo cáo nghiên cứu khoa học được công bố trên các tạp chí, các đề tài - dự án của cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước thực hiện tại Khu BTTN Mường Nhé thì hiện nay danh mục động vật rừng, thực vật rừng tại Khu BTTN Mường Nhé là 652 loài động vật, 742 loài thực vật. Trong đó, 60 loài động vật, 31 loài thực vật quý hiếm (46 loài động vật, 14 loài thực vật nguy cấp, quý, hiếm theo sách đỏ IUCN). Cụ thể: Sóc bay lớn; gà tiền mặt vàng; mèo gấm; gà so ngực gụ; hồng hoàng; diều hoa; đuôi cụt nâu... Trao đổi với chúng tôi, ông Diệp Lâm Chính, Giám đốc Khu BTTN Mường Nhé cho rằng: “ÐVHD đóng vai trò vô cùng quan trọng và là mắt xích không thể thiếu trong đa dạng sinh thái. Vì vậy, nhiệm vụ bảo tồn ÐVHD không chỉ là của riêng các cơ quan chức năng mà là việc mọi người trong cộng đồng cần chung tay hành động”. Hiện nay, vấn nạn săn, bắt, khai thác, giết, chế biến, vận chuyển, buôn bán ÐVHD trái phép đang có chiều hướng gia tăng, gây nhức nhối trong cộng đồng, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng. Theo thống kê, qua tịch thu, xử lý và tự nguyện giao nộp, Khu BTTN Mường Nhé đã phối hợp với cơ quan liên quan, UBND các xã tổ chức thực hiện tái thả về môi trường tự nhiên 16 cá thể rùa (rùa núi viên, rùa đầu to); 2 cá thể khỉ mặt đỏ; 1 cá thể khi đuôi lợn; 1 cá thể khỉ vàng... trong lâm phần Khu BTTN.

Ðể bảo vệ các loài ÐVHD, phục hồi nền đa dạng sinh học, Khu BTTN Mường Nhé đã chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng đi sâu, đi sát cơ sở, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân dân. Ðặc biệt, tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, nuôi nhốt, chế biến, kinh doanh trái phép ÐVHD và sản phẩm của chúng trên địa bàn theo đúng quy định. Ðể nâng cao hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật, ngăn chặn các hành vi buôn bán, tiêu thụ ÐVHD, ông Diệp Lâm Chính khẳng định: Người dân cũng cần chia sẻ và lan tỏa sâu rộng thông điệp kêu gọi bảo vệ ÐVHD, tạo nên những trào lưu và chuẩn mực xã hội tốt đẹp; trong đó mỗi người dân Mường Nhé nói riêng, cộng đồng các dân tộc trong tỉnh nói chung cùng thay đổi, có lối tiêu dùng văn minh và hành vi thân thiện hơn với môi trường thiên nhiên bằng những hành động cụ thể, thiết thực “Không ăn, không sử dụng, không tiếp tay...” cho mua bán, tiêu thụ các loài ÐVHD. Có như vậy, mới mong trả lại sự bình yên, đem đến môi trường sống an toàn cho những loài động, thực vật quý hiếm nơi cánh rừng đại ngàn biên cương Mường Nhé...

Sầm Phúc

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/179434/can-nhung-hanh-dong-cap-bach