Cân nhắc hỗ trợ doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm từ vùng đặc biệt khó khăn

Thảo luận Tờ trình của Chính phủ về đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, các đại biểu Quốc hội tại Tổ 5 (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Kiên Giang) cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát bổ sung một số đối tượng vào Chương trình để có thể nâng cao hơn nữa thu nhập, chất lượng đời sống của đồng bào.

Quang cảnh thảo luận tại Tổ 5. Ảnh: Lê Bình

Quang cảnh thảo luận tại Tổ 5. Ảnh: Lê Bình

Điều chỉnh không lớn, chỉ cụ thể hóa, làm rõ thêm về phạm vi thực hiện

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 được phê duyệt chủ trương đầu tư theo Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc thiểu số. Với sự quan tâm của toàn hệ thống chính trị, thời gian qua, Chương trình đã được triển khai tại các địa phương, bước đầu tạo được những tác động tích cực tới đời sống của người dân, đặc biệt là ở khu vực các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện phát sinh một số khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân và kết quả thực hiện Chương trình, cần thiết phải đề xuất điều chỉnh một số nội dung tại chủ trương đầu tư Chương trình liên quan đến điểm b khoản 3 Điều 1 Nghị quyết số 120/2020/QH14; đối tượng tham gia thực hiện Chương trình tại các dự án Dự án 4, Dự án 5, Dự án 6, Dự án 7. Do vậy, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành với việc điều chỉnh một số nội dung liên quan đến chủ trương đầu tư Chương trình.

ĐBQH Sùng A Lềnh (Lào Cai) phát biểu. Ảnh: Lê Bình

ĐBQH Sùng A Lềnh (Lào Cai) phát biểu. Ảnh: Lê Bình

Đồng tình với Báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc), Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang), Phan Thái Bình (Quảng Nam) đều cho rằng, đề xuất điều chỉnh Chương trình của Chính phủ chủ yếu liên quan đến một số công trình đầu tư cơ sở vật chất thuộc lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa không nằm trong địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định hiện nay. Như vậy, tính chất, nội dung điều chỉnh không lớn mà chỉ cụ thể hóa, làm rõ thêm về phạm vi thực hiện.

Từ thực tế triển khai Chương trình, Chính phủ đề xuất với Quốc hội điều chỉnh làm rõ hơn đối tượng cụ thể thuộc diện đầu tư của Chương trình có trụ sở không nằm trên địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo danh sách được cấp có thẩm quyền phê duyệt gồm: "Một số đơn vị sự nghiệp công lập là trường dự bị Đại học, Đại học, trường chuyên biệt; các trường phổ thông dân tộc nội trú; các di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu của các dân tộc thiểu số; một số Trung tâm y tế huyện, bệnh viện của huyện có xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”.

Đồng tình với đề xuất của Chính phủ, song ĐBQH Sùng A Lềnh (Lào Cai) đề nghị bổ sung các danh mục Trường Cao đẳng, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện, Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp, dạy nghề và giáo dục thường xuyên cấp huyện tại một số địa phương để tạo điều kiện cho các địa phương thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình. Bởi, các đơn vị này có địa điểm ngoài xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và cũng chưa được đề cập trong nội dung Tờ trình của Chính phủ. Trong khi, không khó để thấy, đây cũng là những đối tượng (Cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ quan quản lý về giáo dục nghề nghiệp các cấp vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) được thực hiện tiểu dự án 3 của Dự án 5 thuộc Chương trình.

ĐBQH Châu Quỳnh Dao phát biểu tại Tổ. Ảnh: Lê Bình

ĐBQH Châu Quỳnh Dao phát biểu tại Tổ. Ảnh: Lê Bình

“Tại Tờ trình của Chính phủ chưa có một hệ thống trường quan trọng và có công rất lớn trong giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là trường dân tộc bán trú. Trong khi đó, hệ thống trường dân tộc bán trú được hình thành và hoạt động từ lâu. Học sinh ở các trường dân tộc bán trú hiện cũng được hưởng chế độ hỗ trợ nhưng thấp hơn so với học sinh ở các trường dân tộc nội trú. Trong điều kiện vật giá hiện nay, đời sống đồng bào ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn khó khăn thì mức hỗ trợ này không đáng kể, khó có thể trở thành nguồn động viên để các gia đình ở khu vực này cho con em đến trường”.

Với các lý do nêu trên cùng với điều kiện cơ sở vật chất của các trường này còn khó khăn, đại biểu Châu Quỳnh Dao đề nghị, bổ sung trường dân tộc bán trú vào đối tượng thuộc diện đầu tư của Chương trình.

Nghiên cứu mở rộng đối tượng được đầu tư, hỗ trợ từ Chương trình

Qua giám sát và nắm tình hình thực tế địa phương, đại biểu Phan Thái Bình nêu vấn đề: việc đào tạo nghề cho người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi hiện rất khó triển khai, vì ít có trường nghề, trung tâm dạy nghề ở khu vực này. Nếu trường nghề từ đồng bằng lên mở chi nhánh đào tạo ở đây cũng “rất khó” vì người dân sống phân tán, không đủ quy mô để mở chi nhánh đào tạo, trong khi nếu đào tạo quy mô nhỏ thì chi nhánh này cũng không thể tồn tại được. Thực tế này dẫn đến tình trạng, người dân ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi khó được đào tạo nghề vì không có trường dạy nghề ở đây, mà về vùng đô thị học lại không được hỗ trợ bởi Chương trình.

ĐBQH Phan Thái Bình (Quảng Nam) phát biểu tại Tổ. Ảnh: Lê Bình

ĐBQH Phan Thái Bình (Quảng Nam) phát biểu tại Tổ. Ảnh: Lê Bình

Do đó, đại biểu Phan Thái Bình đề nghị cần cân nhắc mở rộng đối tượng của Chương trình đối với trường dạy nghề, trung tâm đào tạo nghề có đào tạo người ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi dù nằm ở các khu vực khác, thậm chí cả ở khu vực đồng bằng. Tức là, chuyển từ bổ sung một số đơn vị sự nghiệp công lập vào đối tượng của Chương trình như đề xuất của Chính phủ sang hỗ trợ trực tiếp cho người thụ hưởng chính sách (người dân ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi).

Đại biểu cũng lưu ý, nếu quy định theo hướng nêu tên của các đơn vị công lập được đưa vào Chương trình như hiện nay cũng có nguy cơ sớm lạc hậu, vì trong quá trình thực hiện rất dễ phát sinh đối tượng phải bổ sung, buộc phải tiếp tục điều chỉnh.

Bên cạnh đó, đại biểu Phan Thái Bình cũng đề nghị cần mở rộng đối tượng của Chương trình bên cạnh các doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức kinh tế, xã hội hoạt động ở địa bàn vùng đặc biệt khó khăn đã được quy định tại Nghị quyết số 120/2020/QH14. Bởi, các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động ở vùng đặc biệt khó khăn chủ yếu có quy mô nhỏ và rất nhỏ, khó bao tiêu hết sản phẩm được người dân làm ra.

“Doanh nghiệp, hợp tác xã dù ở đâu nhưng tiêu thụ sản phẩm có nguồn gốc của bà con vùng đặc biệt khó khăn hay liên kết sản xuất, có văn phòng đại diện, tức là phục vụ trực tiếp cho đồng bào ở khu vực này thì đều nên được nhận hỗ trợ theo quy định của Chương trình”, đại biểu đề nghị.

Lê Bình

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/can-nhac-ho-tro-doanh-nghiep-bao-tieu-san-pham-tu-vung-dac-biet-kho-khan-i372770/