Cân nhắc độ tuổi điều khiển xe gắn máy và việc luật hóa từ người đủ 15 tuổi

Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông bản mới nhất, ban soạn thảo vẫn giữ đề xuất trẻ đủ 16 tuổi trở lên được điều khiển xe gắn máy.

Chuyên gia đề xuất người từ 15 tuổi được điều khiển xe gắn máy và cấp giấy phép lái xe.

Chuyên gia đề xuất người từ 15 tuổi được điều khiển xe gắn máy và cấp giấy phép lái xe.

Tuy nhiên, một số chuyên gia kiến nghị quy định trẻ từ đủ 15 tuổi cho phù hợp với tình hình thực tế.

Hạ độ tuổi người điều khiển xe gắn máy

Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông dự kiến sẽ được đưa ra thảo luận và thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đang diễn ra. Đáng chú ý, dự luật quy định, người đủ 16 tuổi trở lên được điều khiển xe gắn máy, không yêu cầu có bằng lái xe.

Người đủ 18 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng A1, A, B1, B, C1, được điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ. Xe gắn máy (gồm xe máy điện) là xe cơ giới có dung tích xi lanh dưới 50cc (50 phân khối) hoặc có công suất động cơ điện không vượt quá 4 kW.

Tham gia góp ý cho dự thảo luật, một số chuyên gia và đơn vị kiến nghị nên hạ độ tuổi người được điều khiển xe gắn máy. Theo đó, thay vì người đủ 16 tuổi trở lên, đề xuất người đủ 15 tuổi trở lên được điều khiển xe gắn máy.

Hiệp hội Ô tô, xe máy, xe đạp Việt Nam (VAMOBA) cho rằng, Luật Lao động quy định, độ tuổi lao động tối thiểu là đủ 15 tuổi. Một kết quả nghiên cứu khoa học về thực trạng năng lực thể chất của học sinh Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh) cho thấy, chiều cao, cân nặng của học sinh nam 15 tuổi là 161,02cm - 46,11kg, tương đương thể chất của nam giới Việt Nam năm 2001. Chiều cao, cân nặng của học sinh nữ 15 tuổi là 153,58cm - 43,20kg, tương đương thể chất của nữ giới Việt Nam năm 2001.

Từ các dẫn chứng trên, VAMOBA nhìn nhận, học sinh 15 tuổi về cơ bản đủ sức khỏe để điều khiển xe gắn máy. Chưa kể, Bộ luật Hình sự 2015 quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội đua xe trái phép. Như vậy, người đủ 15 tuổi đã phải chịu trách nhiệm hình sự. Do đó, người ở độ tuổi này phải ý thức được trách nhiệm khi điều khiển xe gắn máy.

Số liệu của Cục Dân số cho thấy, tổng số trẻ sơ sinh năm 2009 là 1.292.587 người và năm 2010 là 1.240.500 người. Đây là lứa tuổi năm nay và năm 2025 đủ 15 tuổi. VAMOBA đánh giá, nếu Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định người được điều khiển xe gắn máy là đủ 15 tuổi thì trong nửa cuối năm 2024 và năm 2025, cả nước sẽ có khoảng hơn 2,5 triệu người, dù là học sinh hay đi làm đều được sử dụng xe gắn máy để phục vụ học tập hay làm việc.

VAMOBA nhấn mạnh, việc hạ tuổi người được điều khiển xe gắn máy xuống đủ 15 tuổi là có tính khả thi và phù hợp với thực tế. Nếu luật hạn chế chỉ để người từ đủ 16 tuổi mới được điều khiển xe gắn máy đôi khi sẽ gây tình trạng “vi phạm pháp luật chủ động” do người dân chưa có phương tiện thay thế đáp ứng nhu cầu đi lại và để cho con cháu sử dụng xe gắn máy dù biết vi phạm pháp luật, tạo ra ý thức không tốt về pháp luật của con em về sau.

Ông Nguyễn Tô An, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Ông Nguyễn Tô An, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Bổ sung bằng lái xe AM

Góp ý dự luật, ông Nguyễn Tô An, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng, mỗi năm cả nước có hơn 400.000 người ở độ tuổi 15 tham gia học nghề hoặc lao động tự do, hơn một triệu học sinh vào lớp 10. Về nhu cầu sử dụng xe gắn máy của lứa tuổi này, ông An dẫn chứng, theo Bộ GD&ĐT, cả nước có 2.970 trường THPT trong năm học 2022 - 2023.

Ở vùng nông thôn, miền núi, rất nhiều trẻ phải đến trường với khoảng cách xa từ vài km đến hàng chục km. Do đó, dự thảo luật không cho phép người 15 tuổi sử dụng xe gắn máy sẽ gây khó khăn cho các em khi đi làm việc, đến trường.

Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho trẻ khi đi xe máy tới trường, lãnh đạo Cục Đăng kiểm cho rằng, nên bổ sung sát hạch, cấp bằng lái hạng AM (bằng lái xe dưới 50cc) cho những người từ 15 tuổi khi sử dụng xe gắn máy.

Nhóm trẻ này được học lý thuyết và thực hành ở gia đình, sau đó đến trung tâm sát hạch để kiểm tra, đạt tiêu chuẩn sẽ được cấp giấy phép lái xe. Khi đủ tuổi cấp giấy phép lái xe hạng A1 thì người đã được cấp giấy phép hạng AM chỉ cần kiểm tra thực hành.

Bên cạnh đó, quy định cấp bằng cho người lái xe gắn máy cũng phù hợp với các công ước quốc tế cũng như thực tế giao thông tại Việt Nam. Hiện Công ước Viên quy định người lái xe gắn máy cần được cấp bằng hạng AM.

Chế tài xử lý các vi phạm với nhóm chưa thành niên 15 tuổi cũng như với nhóm 16 tuổi khi vi phạm hành chính thì phải bồi thường bằng tài sản của mình. Theo các quy định hiện hành, nếu trẻ vị thành niên không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ hoặc người giám hộ phải bồi thường.

Trước đó, góp ý Dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ tại phiên họp Thường vụ Quốc hội giữa tháng 3, ông Khuất Việt Hùng, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cũng đề nghị cấp giấy phép lái xe máy điện và xe dưới 50cc cho trẻ em từ 16 đến dưới 18 tuổi để đảm bảo an toàn giao thông.

Năm 2023, gần 1.000 trẻ dưới 18 tuổi thiệt mạng và 1.300 em bị thương do tai nạn giao thông. 80% nạn nhân thuộc độ tuổi 15 - 18 và tự điều khiển phương tiện tham gia giao thông gây tai nạn.

Ông Hùng cho rằng, nếu giao lại việc đào tạo lái xe cho cơ sở giáo dục THPT thì quá tải và không có cơ sở vật chất. Do đó, người dưới 18 tuổi muốn điều khiển phương tiện dưới 50cc và xe máy điện phải sát hạch như giấy phép lái xe A1 tại trung tâm sát hạch chính quy.

Hiện, một số quốc gia châu Âu đã quy định người từ 15 tuổi trở lên phải có bằng lái AM để được phép điều khiển xe gắn máy dưới 50cc trên đường.

Để có thể lấy bằng AM, người dân cần vượt qua một bài kiểm tra lý thuyết bắt buộc nhằm đánh giá mức độ hiểu biết về các quy tắc giao thông. Thậm chí, một số nước thành viên EU quy định kỳ thi lấy bằng AM còn bao gồm bài kiểm tra hành vi.

Đức Huy

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/can-nhac-do-tuoi-dieu-khien-xe-gan-may-va-viec-luat-hoa-tu-nguoi-du-15-tuoi-post685085.html