Cần kế hoạch chống ngập bài bản, hiệu quả

Cơn mưa rất lớn kéo dài hơn bốn giờ đồng hồ vào chiều tối 2/6, nhiều tuyến đường tại TP Hồ Chí Minh ngập sâu trong biển nước. Nhiều nơi nước ngập cả mét, tràn vào nhà khiến sinh hoạt của người dân đảo lộn. Thành phố đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào các công trình chống ngập nhưng tình trạng ngập ngày càng nặng hơn…

Dòng xe nối đuôi nhau trên đoạn đường ngập nước.

Dòng xe nối đuôi nhau trên đoạn đường ngập nước.

Ngập cả mét sau mưa

Do cơn mưa chiều tối 2/6, các tuyến đường như Quốc Hương (TP Thủ Đức), Nguyễn Văn Khối, Phạm Văn Chiêu (quận Gò Vấp)… bị ngập nặng, người dân bì bõm lội nước, xe chết máy hàng loạt vào giờ tan tầm. Tại đường Quốc Hương, đường ngập sâu, có đoạn ngập lút bánh xe, người dân sở tại phải ra hướng dẫn người đi đường tránh đoạn ngập nặng. Nhiều nhà dân tại con hẻm nhỏ trên đường Chu Văn An (quận Bình Thạnh) bị nước ngập kèm rác tràn vào nhà. “Mỗi lần mưa ngập, nước tràn vào nhà đến hai, ba giờ đồng hồ mới rút khiến sinh hoạt bị đảo lộn. Gia đình tôi phải thay nhau ra nhặt rác ở cống chứ không nước tràn hết cả vào nhà”, bà Lê Thị Nhị (ngụ 147/13 Chu Văn An) ngán ngẩm.

Tại tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), nước ngập sâu từ trước tòa nhà The Manor đến chân cầu Thủ Thiêm 1. Nước tràn lên vỉa hè, gây khó khăn cho người tham gia giao thông cũng như sinh hoạt, kinh doanh của người dân bên đường. Do mặt đường sau khi được nâng cấp cao hơn khu dân cư nên nước mưa khó chảy ra cống thoát nước, khiến các con hẻm trong khu dân cư cũng bị ngập nặng. Sau khi đường Nguyễn Hữu Cảnh được nâng cấp, các con hẻm thấp hơn mặt đường từ 80cm đến hơn 1,2m. Đường nâng cao hơn, cống thoát nước cũng được nâng theo khiến nhiều con hẻm bị ngập nặng sau mưa, có nơi ngập cả bánh xe máy.

Theo thống kê của Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh), trên địa bàn thành phố hiện có 735 tuyến đường trục chính. Qua theo dõi tình hình mưa, ngập nước năm 2021, trong năm 2022 có thể xảy ra ngập ở 15 điểm. Trong 15 điểm ngập có 9 điểm trên các tuyến đường Lê Đức Thọ, Quang Trung, Nguyễn Văn Khối (quận Gò Vấp), Phan Anh (quận Bình Tân - quận Tân Phú), Bạch Đằng (quận Bình Thạnh - quận Tân Bình), Hồ Ngọc Lãm (quận Bình Tân), Quốc lộ 13, Ba Vân, Bàu Cát (quận Tân Bình). Sáu tuyến ngập còn lại thuộc khu vực TP Thủ Đức là Đặng Thị Rành, Dương Văn Cam, Thảo Điền, Kha Vạn Cân, Quốc Hương và Nguyễn Văn Hưởng.

Trao đổi với Thời Nay, ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng thành phố) cho biết, nếu đỉnh triều đạt +1,71 m sẽ có 9 điểm ngập, bao gồm các tuyến đường Trần Xuân Soạn, Đào Sư Tích, Lê Văn Lương, Quốc lộ 50, Phạm Hữu Lầu, Huỳnh Tấn Phát, Trịnh Quang Nghị, Nguyễn Thị Thập và Tôn Thất Thuyết.

Về nguyên nhân, theo PGS, TS Nguyễn Hồng Quân, nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), nguyên nhân xuất hiện những điểm ngập ở khu trung tâm có thể do một số hoạt động xây dựng hiện hữu gây nên. Ngoài ra, do đây là những cơn mưa đầu mùa nên công tác vệ sinh cống rãnh có thể chưa được tốt. Đối với những điểm ngập mới, thành phố cần tìm ra nguyên nhân để đưa ra hướng giải quyết.

Nói thêm về vấn đề này, GS, TSKH Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường (Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh) cho rằng, đô thị hóa gia tăng nhưng hệ thống cấp thoát nước ở TP Hồ Chí Minh đã cũ, không bắt kịp quá trình phát triển đi lên của thành phố dẫn đến thoát nước không kịp. “Trước đây rất lâu chúng ta mới phải hứng chịu những cơn mưa với lượng mưa lớn. Tuy nhiên, những năm gần đây, mưa khiến thành phố ngập cả mét nước xuất hiện ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, nền đất rất yếu nhưng chúng ta xây dựng nhiều công trình, thu hẹp diện tích rừng ngập mặn… dẫn đến tình trạng sụt lún nhanh”, GS, TSKH Lê Huy Bá nhận định.

Bài toán nào?

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP Hồ Chí Minh, các dự án chống ngập hiện nay trên địa bàn chậm triển khai do công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn, nguồn vốn chưa bảo đảm, trình tự thủ tục kéo dài.

PGS, TS Nguyễn Hồng Quân góp ý, về lâu dài, ngoài công tác quy hoạch cải tạo hệ thống thoát nước, TP Hồ Chí Minh nên nghiên cứu xây dựng hồ chứa nước. Thiết kế đường sá, nhà cửa, trường học, bệnh viện sao cho có nơi thoát nước. Đối với những bãi giữ xe, nếu không cần thiết làm bê-tông thì không nên làm để có nơi thoát nước.

Theo Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Trần Hoàng Quân, thời gian tới, thành phố sẽ thực hiện nhiều giải pháp để chống ngập. Trong đó, một số giải pháp phi công trình sẽ được thực hiện như duy tu, sửa chữa các vị trí cống xuống cấp, nạo vét lòng cống, miệng thu, kênh rạch, cửa xả để tăng cường khả năng thoát nước. Đồng thời, tổ chức kiểm tra, rà soát vận hành các van ngăn triều, vận hành tất cả trạm bơm cố định để thoát nước… Phối hợp các đơn vị liên quan triển khai công tác đấu nối cống, mở hướng thoát nước mới, lắp đặt van ngăn triều, vận hành các trạm bơm hỗ trợ thoát nước.

Ngoài ra, lực lượng chức năng tổ chức trực mưa, vớt rác miệng thu thời điểm trước, trong và sau cơn mưa; tổ chức kiểm tra, rà soát vận hành các cống kiểm soát triều và trạm bơm để tăng khả năng thoát nước tại Bình Lợi, Bình Triệu, rạch Lăng, rạch Nhảy - rạch Ruột Ngựa, Nhiêu Lộc - Thị Nghè, trạm bơm Thanh Đa; Mễ Cốc 1, Phú Lâm, Bà Tiếng. Các đơn vị cũng sẽ kiểm tra, rà soát để tận dụng các trạm bơm nước thải hỗ trợ thoát nước khi có mưa lớn ở trạm bơm Nhiêu Lộc - Thị Nghè, trạm bơm Đồng Diều và các nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng, Bình Hưng Hòa. Các giải pháp công trình cũng được triển khai đồng bộ.

Theo ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP Hồ Chí Minh, thành phố sẽ tập trung triển khai thực hiện và dự kiến hoàn thành 19 dự án cải tạo hệ thống thoát nước được thực hiện trên các tuyến đường Bình Lợi, Đầm Sen, Lã Xuân Oai, Hàn Hải Nguyên, Triệu Quang Phục, Lý Chiêu Hoàng, đường số 26, Pasteur, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Duy Trinh, Bàu Cát, Lê Lai, Hương Lộ 2…

Cũng theo ông Dũng, hiện tiến độ các dự án còn chậm do vướng mắc ở nguồn vốn, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng… Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật chuyên ngành điều chỉnh các hoạt động thuộc phạm vi quản lý nhà nước ngành xây dựng, dự án, môi trường hầu hết đã sửa đổi, bổ sung. Các văn bản hướng dẫn thi hành chưa ban hành kịp thời phần nào đã làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án.

Theo Ðề án chống ngập và xử lý nước thải TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2045, kế hoạch chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020-2030, năm 2022, thành phố sẽ cho khởi công dự án cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Bến Nghé - Tàu Hũ - Ðôi - Tẻ (giai đoạn 3), hoàn thành vào năm 2027. Dự án cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng biến đổi khí hậu tại lưu vực Tây Sài Gòn dự kiến được khởi công năm 2023 và hoàn thành năm 2028.

Song song đó, thành phố sẽ đầu tư xây dựng hoàn thiện nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè và hoàn thành dự án vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè (giai đoạn 2). Ðồng thời, mời gọi đầu tư 6 nhà máy xử lý nước thải: Tây Sài Gòn, Bắc Sài Gòn 1, Bắc Sài Gòn 2, Cầu Dừa, Tây Bắc, Suối Nhum trong giai đoạn 2021-2025, triển khai thi công và hoàn thành giai đoạn 2026-2030. Sau khi các nhà máy xử lý nước thải trên đi vào hoạt động, tỷ lệ nước thải được xử lý trên toàn thành phố sẽ đạt hơn 88%.

TP Hồ Chí Minh cũng sẽ xây dựng đoạn đê bao xung yếu thuộc bờ tả thành phố Thủ Ðức; cống kiểm soát trên sông Kinh, rạch Tra, Vàm Thuật, Nước Lên; tuyến kè kênh Tẻ dọc đường Trần Xuân Soạn (quận 7). Ngoài ra, thành phố cũng cải tạo 7 trục tiêu thoát nước chính là rạch Bà Tiếng, rạch Xóm Củi, Bà Lớn, Thủ Ðào, Ông Bé, Thầy Tiêu, xây dựng tuyến kè 2 bên bờ kênh Tham Lương - Bến Cát - Nước Lên giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, tập trung giải quyết 15 tuyến đường trục chính bị ngập, triển khai các dự án đầu tư nâng cấp hệ thống thoát nước, xây dựng các nhà máy xử lý nước thải.

Đáng chú ý, dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1), trị giá gần 10.000 tỷ đồng. Mới đây, Ban Quản lý dự án đầu tư hạ tầng đô thị đã có báo cáo gửi HÐND thành phố xem xét để tái giám sát dự án, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành dự án.

Về phương án xây dựng hồ điều tiết, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cũng thông tin, dự kiến thành phố sẽ có 104 vị trí hồ điều tiết và trước mắt xây dựng 3 hồ điều tiết tại Gò Dưa (TP Thủ Đức) rộng 23ha, Bàu Cát (quận Tân Bình) rộng 0,4ha và Khánh Hội (quận 4) rộng 4,8ha. Kinh phí từ nguồn xã hội hóa, ngân sách thành phố và ngân sách trung ương cấp bổ sung từ nguồn quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp trong giai đoạn 2015-2020. Sau khi có quy hoạch điều chỉnh sẽ tiến hành đầu tư xây dựng các hồ điều tiết bằng ngân sách hoặc đối tác công tư (PPP).

Bài và ảnh: CHÍ KIÊN, QUANG SƠN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/baothoinay-xahoi/can-ke-hoach-chong-ngap-bai-ban-hieu-qua-701284/