Cần Giờ cần cách tiếp cận đặc thù
Phát triển Cần Giờ đến năm 2030 là thành phố biển mang đặc trưng của một thành phố tăng trưởng xanh, thông minh, thân thiện môi trường; du lịch sinh thái nghỉ dưỡng chất lượng cao…
Trên cơ sở các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội, đồng thời nằm trong chiến lược phát triển của TP HCM và chiến lược phát triển bền vững biển quốc gia, Cần Giờ hiện đang định hướng phát triển dựa trên cơ sở ưu tiên phòng ngừa ô nhiễm, sự cố, rủi ro môi trường và hướng tới trở thành một "Cảng xanh" đầu tiên của Việt Nam. Đây là tiền đề và điều kiện thuận lợi để Cần Giờ xây dựng phát triển kinh tế xanh và bền vững.
Phát huy lợi thế, tiềm năng
Cần Giờ có vị trí chiến lược quan trọng trong sự phát triển của TP HCM. Cần Giờ có 23 km bờ biển chạy dài theo hướng Tây Nam - Đông Bắc. Vịnh Cần Giờ là nơi các cửa sông lớn từ các sông Lòng Tàu, Cái Mép, Thị Vải, Soài Rạp… đổ ra biển và là lối vào của hệ thống cảng biển lớn nhất cả nước như Cái Mép - Thị Vải và Hiệp Phước.
Cơ cấu kinh tế huyện Cần Giờ hiện nay bao gồm các ngành chủ lực như nông nghiệp - thủy sản; du lịch; dịch vụ vận tải; sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Với các điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, lợi thế kinh tế sẵn có, Cần Giờ mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế tiềm năng. Vì vậy, việc khẩn trương triển khai kế hoạch thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Định hướng phát triển kinh tế quốc gia trong giai đoạn mới đã xác định cảng biển container trung chuyển quốc tế, trong nước; vận tải biển viễn dương và các dịch vụ hậu cần cảng biển, hàng hải, dịch vụ khai thác dầu khí trên biển, dịch vụ logistics liên vùng, quốc tế liên kết với cảng biển TP HCM. Công nghiệp đóng tàu biển, công nghiệp cơ khí chế tạo, công nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô, công nghiệp công nghệ cao sản xuất thiết bị điện tử, viễn thông, công nghiệp số, phần mềm trung tâm ở thành phố; công nghiệp dệt may, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng xuất khẩu, chế biến thủy sản tập trung tại các khu công nghiệp, khu chế xuất gắn với cảng biển trong khu vực; du lịch sinh thái, giải trí, nghỉ dưỡng biển có tầm quốc tế, liên kết phát triển vùng du lịch biển và du lịch văn hóa giải trí đô thị Nam Bà Rịa - Vũng Tàu - TP HCM là trung tâm du lịch quốc tế lớn trong khu vực. Hình thành các khu du lịch sinh thái, du lịch khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia. Phát triển nghề cá xa bờ, nuôi trồng hải sản giá trị hàng hóa cao gắn kết với dịch vụ thương mại nghề cá và chế biến xuất khẩu.
Nghị quyết 12/NQ-TU năm 2022 đã định hướng phát triển huyện Cần Giờ đến năm 2030 là thành phố biển mang đặc trưng của một thành phố tăng trưởng xanh, thông minh, thân thiện môi trường; du lịch sinh thái nghỉ dưỡng chất lượng cao là mũi nhọn. Theo đó, cần có chính sách thu hút mạnh mẽ các thành phần kinh tế tham gia, đặc biệt ưu tiên thu hút các nhà đầu tư lớn có trình độ công nghệ và quản lý tiên tiến, từng bước định hình và thúc đẩy các ngành kinh tế chủ lực.
Giải pháp thu hút đầu tư
Cần Giờ có thế mạnh trong phát triển năng lượng tái tạo gồm điện gió ven biển, điện mặt trời áp mái và điện sinh khối. Cụ thể, khu vực ven biển có thể xây dựng nhà máy điện gió quy mô công suất 30 MW. Đây là khu vực có tiềm năng phát triển điện mặt trời, vì có lượng bức xạ dồi dào, số giờ nắng trung bình trong tháng khá cao. Lợi ích của các dự án phát triển năng lượng tái tạo sẽ giảm phát thải, xây dựng ngành công nghiệp xanh, năng lượng sạch, hướng đến xây dựng Cần Giờ thành địa phương đi đầu về Net Zero vào năm 2030.
Thực hiện phát triển giao thông xanh, triển khai việc chuyển đổi, phát triển các loại hình phương tiện giao thông không sử dụng nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm môi trường; khuyến khích sử dụng giao thông công cộng, giao thông phi cơ giới để tăng cường bảo vệ môi trường. Đặc biệt trong tình hình ngân sách thành phố còn hạn chế thì việc huy động, khuyến khích nguồn kinh phí, nguồn vốn đầu tư từ xã hội hóa để phát triển Cần Giờ là rất cần thiết. Áp dụng Nghị quyết 98/2023/QH15 để phát triển giao thông (TOD), BOT, BT để thu hút nhà đầu tư chiến lược, đầu tư dự án xây dựng các công trình giao thông chiến lược của huyện.
Phát triển kinh tế du lịch trong đó du lịch sinh thái nhằm bảo đảm nhiệm vụ bảo vệ sự toàn vẹn của hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ, qua đó gắn với mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển toàn diện các loại hình thương mại - dịch vụ kinh tế biển theo hướng kinh tế biển xanh. Phấn đấu đến năm 2030, du lịch sinh thái kết hợp trải nghiệm sản phẩm đặc trưng địa phương trở thành loại hình du lịch chủ đạo, cốt lõi của Cần Giờ.
Những cơ hội và thách thức của kinh tế xanh và bền vững đòi hỏi Cần Giờ có cách tiếp cận đặc thù riêng, có chiến lược toàn diện kết hợp với việc xem xét kinh nghiệm, bài học từ mô hình tiếp cận của thế giới và các nước trong khu vực về việc phát triển kinh tế biển để bảo đảm mục tiêu vừa phát triển kinh tế vừa bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, Cần Giờ cần nghiên cứu, xây dựng chính sách ưu đãi thuế thu nhập cá nhân cho các chuyên gia trong và ngoài nước; tham gia đào tạo nguồn nhân lực tại địa phương phục vụ cho các ngành mũi nhọn.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/can-gio-can-cach-tiep-can-dac-thu-196240223211250538.htm