Các ông lớn Thung lũng Silicon tranh giành các nhà khoa học AI Trung Quốc
Trong cuộc chiến giành giật nhân tài AI ở Thung lũng Silicon, các động thái gần đây của Mark Zuckerberg, ông chủ Meta được xem là một ví dụ điển hình.

Nhân tài AI gốc Trung Quốc đang là mục tiêu tranh giành của các công ty công nghệ Thung lũng Silicon. Ảnh: Sohu.
Sau khi bỏ ra 14,8 tỷ USD thâu tóm Scale AI – công ty do tài năng gốc Hoa sinh năm 1995 Alexandr Wang sáng lập – ông chủ Meta lập tức nâng cấp chiến lược: chỉ trong hai tuần, Zuckerberg tuyên bố thành lập “Phòng thí nghiệm Siêu trí tuệ Meta” (Meta Super Intelligence Lab - MSL), hợp nhất các nguồn lực AI cốt lõi, đồng thời trực tiếp bổ nhiệm Alexandr Wang làm người đứng đầu.
Điều đáng chú ý là, nhân sự cốt lõi của phòng thí nghiệm này chủ yếu đến từ...công ty OpenAI.
Meta đã ký hợp đồng chớp nhoáng với 8 nhà khoa học AI gốc Hoa hàng đầu của OpenAI – tất cả đều là trụ cột trong các lĩnh vực chiến lược như mô hình đa phương thức, tương tác giọng nói, học tăng cường – với mức đãi ngộ được đồn lên tới 100 triệu USD (gồm tiền mặt + cổ phiếu).
Zuckerberg còn đích thân triển khai mô hình “CEO tuyển dụng trực tiếp”: tự mình rà soát danh sách các nhà nghiên cứu AI hàng đầu toàn cầu, gặp gỡ ứng viên tại biệt thự riêng, thậm chí mở "luồng xanh" miễn phỏng vấn cho các tài năng chủ chốt.

Ông chủ Meta Mark Zuckerberg ráo riết tuyển chọn, giành giật các nhân tài AI gốc Trung Quốc. Ảnh: Sohu.
Cách tiếp cận “phá vỡ quy trình truyền thống” này giúp rút ngắn đáng kể thời gian tuyển dụng, có trường hợp chỉ mất 72 giờ từ khi tiếp xúc lần đầu đến khi ký hợp đồng.
Làn sóng tranh giành các nhà khoa học AI gốc Trung Quốc
Điều đáng chú ý là, các nhà khoa học bị “đào” từ OpenAI đều xuất thân từ các trường top của Trung Quốc như Thanh Hoa, Bắc Đại, có kinh nghiệm cốt lõi tại các tập đoàn công nghệ lớn như Google và OpenAI – có người từng dẫn dắt phát triển ChatGPT, có người phụ trách hệ thống cảm biến cho xe tự hành – đúng nghĩa “đội hình trong mơ” của ngành AI.
Một số nhân vật nổi bật gồm:
Tất Thụ Siêu (Shuchao Bi): Tốt nghiệp ĐH Chiết Giang, Tiến sĩ Berkeley, từng là Giám đốc kỹ thuật Google và đồng sáng lập YouTube Shorts, phụ trách huấn luyện đa phương thức tại OpenAI.
Triệu Thịnh Giai (Shengjia Zhao): Cử nhân Thanh Hoa, Tiến sĩ Khoa học Máy tính Stanford, từ 2022 là nhà nghiên cứu tại OpenAI, đóng vai trò then chốt trong tối ưu hóa huấn luyện LLM.
Nhậm Hồng Vũ (Hongyu Ren): Cử nhân Bắc Đại, Tiến sĩ Stanford, là người tạo ra 03-mini và 01-mini, cũng là người phụ trách chính GPT-40 mini và đóng góp lớn cho GPT-40…

Đội ngũ siêu trí tuệ Meta có tới 7 người giành được từ OpenAI. Ảnh: Sohu.
Vu Giai Huệ (Jiahui Yu): Cựu sinh viên lớp tài năng ĐH Khoa học Công nghệ Trung Quốc, Tiến sĩ Illinois. Trước khi gia nhập OpenAI, từng làm việc tại Baidu, Nvidia, Google DeepMind. Từ 2023 phụ trách nhóm cảm biến, dẫn dắt các dự án GPT-4.1, GPT-40...
Thực hư mức đãi ngộ "khủng"
Trước tin đồn "1 tỷ NDT cho 3 người", CTO của Meta, Andrew Bosworth, đã lên tiếng phủ nhận, nói mức đãi ngộ cực cao chỉ dành cho vị trí cấp cao nhất. Dù vậy, theo trang Levels.fyi, mức lương kỹ sư Meta cấp E7-E9 dao động từ 1,5–5 triệu USD/năm, và sẵn sàng trả gấp rưỡi để chiêu mộ tài năng.
Một nhà phân tích độc lập ước tính, các nhà nghiên cứu được Meta "đào" khỏi OpenAI đang nhận từ 5–10 triệu USD/năm – không phải 100 triệu USD nhưng vẫn là bước nhảy vọt về đãi ngộ so với mức tại OpenAI.
CEO Nvidia Jensen Huang từng nói: “50% nhà nghiên cứu AI toàn cầu là người Trung Quốc. Mỗi phòng thí nghiệm AI ở Mỹ đều có bóng dáng các nhà khoa học gốc Hoa, không ngoại lệ”. Từ các động thái gần đây của các ông lớn có thể thấy cuộc chiến nhân tài đang nóng lên.

Jensen Huang và tài năng AI Jiantao Jiao. Ảnh: Sohu.
Khi OpenAI rơi vào khủng hoảng nhân sự, Elon Musk đã tuyên bố ra mắt Grok 4, với đội ngũ AI có đến 1/3 là người Trung Quốc.
Nvidia âm thầm mời hai nhà khoa học AI gốc Hoa là Banghua Zhu: Tốt nghiệp Thanh Hoa, Tiến sĩ Berkeley năm 2024, đồng sáng lập Nexusflow AI, nay là nhà khoa học trưởng trong nhóm Star Nemotron tại Nvidia; Jiantao Jiao: Cử nhân Thanh Hoa, Tiến sĩ Stanford, nay là giáo sư Berkeley, chuyên nghiên cứu AI, học tăng cường, ứng dụng đa phương thức…
Google mời Hà Khải Minh (Kaiming He), cha đẻ mô hình ResNet, gia nhập DeepMind. Ông được MIT bổ nhiệm chức Phó giáo sư có nhiệm kỳ chỉ sau 1 năm.
Theo Báo cáo AI Index 2023, 47% nhà nghiên cứu AI hàng đầu thế giới đến từ Trung Quốc; trong số nhân tài AI tại Mỹ, 75% là người gốc Hoa.
Ai là “kẻ dẫn đầu”?
Zuckerberg mua lại Scale AI và chọn Alexandr Wang làm người đứng đầu MSL – không phải ngẫu nhiên.

Tài năng AI Alexandr Wang. Ảnh: Sohu.
Wang sinh năm 1997, cha mẹ là nhà vật lý, từng lọt đội tuyển Olympic Toán, Vật lý, Tin học Mỹ, làm lập trình viên cho Quora khi còn là thiếu niên. Sau thời gian ngắn học MIT và làm tại Hudson River Trading, anh bỏ học năm 2016 để sáng lập Scale AI – công ty dữ liệu AI hàng đầu, hiện được ví là “Elon Musk tương lai”.
Tháng 1/2025, Wang tự bỏ tiền mua nguyên một trang quảng cáo trên báo Washington Post, viết thư ngỏ gửi Tổng thống Trump: "Dear President Trump, America Must Win the AI War" (Thưa Tổng thống Trump, nước Mỹ nhất định phải thắng trong cuộc chiến AI). Tuy bị dư luận chỉ trích là hiếu thắng, nhưng chính thông điệp đó đã đưa Wang vào Nhà Trắng, giúp ông ký được hợp đồng AI quân sự Thunderforge với Lầu Năm Góc.
Cuộc chiến tranh giành nhân tài AI đang bước vào giai đoạn điên cuồng nhất,bài toán giữ chân và phát huy các nhân tài này hiện vẫn là thử thách lớn nhất đối với Trung Quốc nếu muốn tiếp tục dẫn đầu trong cuộc đua trí tuệ nhân tạo toàn cầu.