Cần giải 'bài toán' nguồn nhân lực cho công tác lưu trữ

ĐBQH đề nghị phải có giải pháp thực tiễn hơn để giải bài toán nguồn nhân lực, đáp ứng công tác lưu trữ tại các cơ quan, đơn vị, kể cả ở cấp xã

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà giải trình, làm rõ vấn đề ĐBQH quan tâm.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà giải trình, làm rõ vấn đề ĐBQH quan tâm.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sáng 24/5, các đại biểu thảo luận về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi).

Các ĐBQH khẳng định, lưu trữ là việc làm quan trọng, không chỉ cho hiện tại mà cả trong tương lai các thế hệ con cháu.

Đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) đề nghị nghiên cứu bổ sung hành vi lợi dụng hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trữ để xâm phạm lợi ích hợp pháp của quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân cản trở quyền sử dụng hợp pháp tài liệu lưu trữ của công dân.

Đại biểu Trần Khánh Thu cũng đề nghị Ban soạn thảo rà soát, nghiên cứu bổ sung quy định về chủ trương xây dựng kho lưu trữ dùng chung hoặc chuẩn đầu ra dùng chung cho các bộ, ngành, địa phương.

Qua đó, nhằm kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ, nhưng đồng thời phải bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trên không gian mạng trong các lĩnh vực lưu trữ.

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) cho biết, rất nhiều cơ quan ở cấp tỉnh chỉ bố trí một người vừa làm văn thư, vừa làm lưu trữ với chức danh thường gọi là văn thư lưu trữ.

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông).

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông).

Việc chính chủ yếu là thực hiện công tác văn thư với khối lượng công việc văn thư ngày càng nhiều do yêu cầu nhiệm vụ tại các đơn vị chuyên môn ngày càng tăng.

Xử lý công việc đồng thời bằng phần mềm và thủ công thì thời gian làm việc trong ngày chỉ dành cho công tác văn thư và nhiệm vụ lưu trữ gần như là bỏ ngỏ.

Do đó, tài liệu lưu trữ bị tồn đọng, tích đọng do không có thời gian và nguồn lực để thực hiện, tình trạng này xảy ra khá phổ biến, nhất là ở cấp xã.

Để giải quyết vấn đề, các cơ quan đã sử dụng dịch vụ chỉnh lý tài liệu, việc này dẫn đến tốn kém về kinh phí và chưa thể giải quyết hết được các tồn đọng hiện có và có thể còn có thêm nhiều hệ lụy kéo theo sau đó.

Do đó, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị phải có giải pháp quy định mang tính thực tiễn hơn để giải bài toán nguồn nhân lực đáp ứng cho công tác lưu trữ tại các cơ quan, đơn vị, trong đó bao gồm cả cấp xã.

Giải trình, làm rõ vấn đề ĐBQH quan tâm, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, quán triệt các Nghị quyết của Đảng, các cơ quan sẽ cố gắng để đảm bảo được việc tinh giản bộ máy, nhưng vẫn có nhân lực đáp ứng yêu cầu.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng nhấn mạnh dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) trình ra Quốc hội kỳ này đã được thay đổi, bổ sung, chỉnh lý rất nhiều, cả về kết cấu, bố cục, cả về nội dung, kỹ thuật lập pháp.

Dự thảo cũng tiếp tục bám sát quan điểm và mục tiêu sửa đổi, đặc biệt là những vấn đề cơ bản nhất.

Vân Huyền

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/can-giai-bai-toan-nguon-nhan-luc-cho-cong-tac-luu-tru-post684658.html