Cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

là kiến nghị của nhiều đại biểu tại phiên thảo luận chiều 25/5 về Báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề 'việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023' (Nghị quyết 43).

Phiên thảo luận chiều 22/5, kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: Quốc hội)

Phiên thảo luận chiều 22/5, kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: Quốc hội)

Khắc phục bất cập trong công tác chuẩn bị đầu tư các dự án

Thảo luận tại phiên họp, nhiều đại biểu Quốc hội khẳng định, Nghị quyết số 43 là Nghị quyết đúng đắn, kịp thời được ban hành và tổ chức thực hiện trong bối cảnh đặc biệt, khi đại dịch Covid-19 đang diễn ra và tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội của đất nước và đời sống người dân.

Qua 2 năm thực hiện, nhiều mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra trong Nghị quyết số 43 cơ bản hoàn thành, đặc biệt tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 8,02%, là mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2011 – 2022; năm 2023 đạt 5,05% là mức khá cao trong điều kiện thế giới và trong nước đối mặt với nhiều khó khăn thách thức mới. Tuy nhiên, quá trình triển khai, thực hiện Nghị quyết 43 còn nhiều hạn chế, vướng mắc.

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, phải khắc phục có hiệu quả những bất cập trong công tác chuẩn bị đầu tư các dự án. Đây là nguyên nhân chính của việc giải ngân thấp. Ngoài công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập thì cần phải làm rõ các danh mục đầu tư chưa sát thực tế dẫn đến phải điều chỉnh nhiều lần, ảnh hưởng tới công tác phân bổ vốn, tiến độ thi công và giải ngân của các dự án...

Những hạn chế trên cũng cần phải có những giải pháp căn cơ, cốt lõi hơn để đạt được mục tiêu, chỉ tiêu, quan điểm của Nghị quyết.

Đối với các dự án có vốn đầu tư lớn cần phải quy hoạch từ đầu nguồn vật liệu, tránh việc đến lúc triển khai dự án phải mua lại dẫn đến đội chi phí lên cao.

Bên cạnh đó, đại biểu Phạm Văn Hòa cũng cho rằng, cần làm rõ hơn việc phân cấp cho chính quyền cấp tỉnh có đủ năng lực làm cơ quan chủ quản thực hiện các đoạn, tuyến cao tốc đi qua địa bàn có gì khó khăn trong khâu điều hành. Đây là chính sách mới, chưa có tiền lệ nên cũng cần có thời gian thực hiện rút kinh nghiệm để nhân rộng.

Ngoài ra, việc chậm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công cũng là nguyên nhân làm chậm tiến độ, có địa phương thực hiện rất tốt, có địa phương thì ì ạch...

Đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá trách nhiệm của địa phương, ngành, đơn vị thi công để phân định, đôn đốc, nhắc nhở, phê bình nghiêm khắc.

Còn đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông đưa ý kiến, về chính sách đầu tư phát triển, việc giải ngân vốn thuộc chương trình còn vướng mắc về vấn đề bất cập trong Luật Khoáng sản hiện hành như các quy định về bảo vệ khoáng sản, tận thu khoáng sản. Vướng mắc này còn làm cho nhiều dự án, dự án thành phần thuộc 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội khác chưa thể triển khai thực hiện được, do đó ảnh hưởng đến việc tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư, ảnh hưởng chung đến việc phát triển kinh tế - xã hội.

Việc đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. (Ảnh: CP)

Việc đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. (Ảnh: CP)

Đại biểu Dương Văn Phước – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam cho hay, chính sách đầu tư công và đầu tư phát triển chỉ giải ngân được 65,3% kế hoạch, tiến độ giải ngân nhiều dự án không đạt yêu cầu. Ngoài những nguyên nhân khách quan còn có trách nhiệm của một số bộ, ngành Trung ương cũng như một số địa phương thiếu sự triển khai quyết liệt.

Đại biểu Dương Văn Phước đề nghị Quốc hội cần xem xét ban hành các cơ chế chính sách nhằm tiếp tục hỗ trợ, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội cũng như các giải pháp tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về pháp lý nhằm khơi thông nguồn lực đầu tư, sản xuất kinh doanh. Chính phủ cần điều hành linh hoạt các chính sách tài khóa, tiền tệ, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ các khó khăn cho thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng như thị trường bất động sản.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị các bộ, ngành Trung ương tiếp tục nghiên cứu, đơn giản hóa các thủ tục, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.

Thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Đại biểu Âu Thị Mai – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang cho rằng, bên cạnh kết quả đạt được còn một số chính sách thực hiện không đạt kế hoạch, mục tiêu đề ra; chính sách hỗ trợ người dân, người lao động tại một số địa phương còn chậm, lúng túng; việc thẩm định và giải quyết chi trả kinh phí hỗ trợ cho đối tượng thụ hưởng chậm so với yêu cầu đề ra…

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, đại biểu Âu Thị Mai thống nhất cao với các đề xuất của đoàn giám sát, đồng thời kiến nghị Quốc hội tiếp tục cho phép thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2% đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị quyết số 43/2022/QH15.

Đồng thời kiến nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành chức năng khẩn trương thực hiện các giải pháp tháo gỡ các rào cản về pháp lý, thủ tục hành chính chưa thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; tiếp tục thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh...

Bên cạnh đó, các địa phương cần chú ý hơn nữa trong đẩy nhanh thực hiện và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai.

Tương tự, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai – Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội đề xuất Chính phủ tiếp tục kéo dài thời hạn giải ngân đối với một số dự án thuộc Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội đến hết năm 2025.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho biết, trong số 272 dự án thuộc Chương trình, có tới 107 dự án có tỷ lệ giải ngân dưới 50%. Nếu không cho phép kéo dài sẽ dẫn đến dở dang, lãng phí, đây cũng là bài toán cần xem xét thận trọng.

Đối với một số dự án có hiệu quả giải ngân thấp và chưa thực hiện nghiêm các quy định liên quan có thể hủy dự toán, đồng thời làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan.

Về các cơ chế đặc thù, tại Nghị quyết 43, trong một bối cảnh đặc biệt đã có những chính sách đặc biệt và qua giám sát cho thấy nhiều chính sách cũng phát huy tác dụng tốt có thể nhân rộng để áp dụng rộng rãi. Tuy nhiên, với cơ chế chỉ định thầu chỉ nên áp dụng trong bối cảnh dịch bệnh để đảm bảo tính kịp thời. Còn trong bối cảnh bình thường cần áp dụng các quy định chung của pháp luật về đấu thầu để đảm bảo tính công khai, minh bạch, không cho phép lợi dụng pháp luật.

Trao đổi về các vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Nghị quyết số 43 được xây dựng trong một hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, khi tăng trưởng kinh tế giảm mạnh, doanh nghiệp gặp nhiều thách thức, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, đòi hỏi phải có giải pháp cấp bách để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân ổn định được đời sống, phục hồi dần kinh tế xã hội.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, thời gian xây dựng và thực hiện chương trình rất ngắn, chương trình có quy mô lớn, phạm vi rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực, tổ chức, đối tượng. Tuy nhiên, kinh nghiệm, năng lực còn hạn chế, việc phối hợp thực hiện một số dự án còn chưa tốt, nảy sinh tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm ở một số cán bộ, đây là nguyên nhân khiến một số kết quả đạt được không như kỳ vọng.

Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, các Bộ ngành đã hết sức tích cực, ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn, thành lập nhiều tổ công tác, đoàn công tác để đốc thúc triển khai. Tất cả các thành viên Chính phủ đều đã xuống nhiều địa phương để giải quyết những ách tắc, vướng mắc của từng dự án đầu tư công thuộc Chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến tâm huyết của các đại biểu Quốc hội, cải thiện quy trình, xây dựng, tổ chức thực hiện để các chính sách nhanh chóng được đưa vào cuộc sống.

Linh Đan

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/can-day-nhanh-tien-do-giai-ngan-von-dau-tu-cong-376103.html