Cần đặt Ban Dân nguyện vào vị trí xứng tầm để thực hiện công tác dân nguyện của Quốc hội

Chiều 14/6, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương chủ trì phiên họp thứ 2 của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân nguyện của Quốc hội. Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu cho ý kiến đó là cần đặt Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào vị trí xứng tầm để thực hiện công tác dân nguyện của Quốc hội.

Công tác dân nguyện là của cả hệ thống chính trị, trong đó các cơ quan dân cử, đại biểu dân cử, có vai trò hết sức quan trọng. Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động dân nguyện vẫn còn có những mặt tồn tại, hạn chế, bất cập về vị thế, thẩm quyền, phạm vi và điều kiện hoạt động. Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải thành lập Ủy ban Dân nguyện của Quốc hội để đáp ứng được các nguyện vọng của người dân, đặc biệt là các nguyện vọng đòi hỏi phải có những phản ứng từ mặt chính sách.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn và đề nghị đề án cần làm rõ một số vấn đề còn chưa rõ như chức năng nhiệm vụ, về tổ chức, bộ máy; đặc biệt là các cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn để có cơ sở thành lập Ủy ban Dân nguyện thay vì chỉ là Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội như hiện nay.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, đây không phải là lần đầu đề cập đến việc thành lập Ủy ban Dân nguyện. Ban chỉ đạo cần tiếp thu các ý kiến góp ý của các đại biểu để hoàn thiện đề án để có thể thuyết phục các cơ quan có thẩm quyền.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch cũng lưu ý Ban soạn thảo cần coi việc nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn là một nhiệm vụ trọng tâm trong công tác dân nguyện để tiến tới xây dựng và ban hành luật về hoạt động dân nguyện.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Trần Tiến - Cao Hoàng

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/can-dat-ban-dan-nguyen-vao-vi-tri-xung-tam-de-thuc-hien-cong-tac-dan-nguyen-cua-quoc-hoi-225693.htm