Cần đánh giá lại hiệu quả lộ trình chuyển đổi nông nghiệp

Trong khuôn khổ Hội thảo 'Giải pháp cấp thiết bảo vệ vùng ĐBSCL', chiều 15-5, Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp với UBND TP Cần Thơ và Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn (Đại học Quốc gia TPHCM) tổ chức họp dự án DUPC 'Lập kế hoạch các lộ trình chuyển đổi nguồn nước'.

Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Văn Trường, Phó Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng cho biết, sáng nay 15-5, Báo SGGP phối hợp với UBND TP Cần Thơ và Viện Nghiên cứu và Phát triển Kinh tế tuần hoàn (Đại học Quốc gia TPHCM) tổ chức Hội thảo với chủ đề “Giải pháp cấp thiết bảo vệ vùng ĐBSCL”.

 Ông Phạm Văn Trường, Phó Tổng Biên tập Báo SGGP phát biểu tại hội thảo. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Ông Phạm Văn Trường, Phó Tổng Biên tập Báo SGGP phát biểu tại hội thảo. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Tại phiên thảo luận buổi sáng, các đại biểu đã nêu thực trạng và kiến nghị nhiều giải pháp quan trọng về bảo vệ nguồn nước, bảo vệ sản xuất và phòng chống sụp lún, sạt lở cho vùng ĐBSCL.

Tuy nhiên, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, nước biển dâng, nguồn nước ngầm suy giảm và sự hình thành nhiều đập thủy điện ở khu vực thượng nguồn sông Mekong khiến vùng ĐBSCL đối mặt với sụt lún, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước sản xuất - sinh hoạt… ngày càng nghiêm trọng. Đáng lo ngại hơn, sản lượng lương thực của vùng đang có chiều hướng suy giảm, sẽ ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia. Trong tương lai, vùng đất này có nguy cơ chìm dưới mực nước biển…

Chính vì thế, trong khuôn khổ Hội thảo "Giải pháp cấp thiết bảo vệ vùng đồng bằng sông Cửu Long", chiều nay, Ban tổ chức tiếp tục triển khai Hội thảo chuyên đề “Lập Kế hoạch các lộ trình chuyển đổi nguồn nước”.

Mục tiêu của hội thảo kỹ thuật nhằm giới thiệu về dự án và các nội dung nghiên cứu, cũng như ghi nhận những ý kiến đóng góp của chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ quản lý và người dân, doanh nghiệp địa phương về những vấn đề nổi bật trong lĩnh vực áp dụng cải tiến công nghệ, mô hình mới và lộ trình chuyển đổi nông nghiệp và nguồn nước. Hội thảo nhằm góp phần đưa ra các giải pháp trước mắt và lâu dài để vùng ĐBSCL thích nghi, ứng phó hiệu quả hơn, phát triển bền vững hơn trong thời gian tới.

Đây là hội thảo kỹ thuật với các nội dung về sự cần thiết xây dựng lộ trình chuyển đổi nông nghiệp ĐBSCL; khung phương pháp nhân rộng mô hình sinh kế và đổi mới sáng tạo; sự phổ biến các cải tiến công nghệ và khung phân tích MOTA trong lĩnh vực nông nghiệp; phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL.

 PGS. TS. Nguyễn Hiếu Trung, Trường Đại học Cần Thơ chia sẻ sự cần thiết của việc xây dựng lộ trình chuyển đổi nông nghiệp ĐBSCL. Ảnh: HOÀNG HÙNG

PGS. TS. Nguyễn Hiếu Trung, Trường Đại học Cần Thơ chia sẻ sự cần thiết của việc xây dựng lộ trình chuyển đổi nông nghiệp ĐBSCL. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Tại hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Hiếu Trung, Trường Đại học Cần Thơ chia sẻ sự cần thiết của việc xây dựng lộ trình chuyển đổi nông nghiệp ĐBSCL. Theo đó, cần đánh giá lại hiệu quả lộ trình chuyển đổi nông nghiệp trong quá khứ, có đánh giá toàn diện đồng thời nhìn nhận những thách thức trong tương lai để tìm ra lộ trình chuyển đổi nông nghiệp phù hợp.

Giải pháp đặt ra là cần phải thúc đẩy sự tham gia của các bên liên quan, nâng cao năng lực tài chính, kiến thức, hoàn thiện thể chế, chính sách; đồng thời có kế hoạch hành động cụ thể để triển khai, giám sát và đánh giá hiệu quả của lộ trình; ứng dụng chuyển đổi số để chuyển đổi nông nghiệp bền vững…

 TS. Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn phát biểu trực tuyến. Ảnh: HOÀNG HÙNG

TS. Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn phát biểu trực tuyến. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Đối với Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL, TS. Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn đánh giá cao hiệu quả của Đề án này. Việc giảm lượng lúa giống, phân bón, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, áp dụng phương pháp tưới ngập khô xen kẽ góp phần tạo thêm lợi nhuận cho người trồng lúa, giữ nguồn nước cho vùng ĐBSCL.

Tuy nhiên, sản xuất lúa vẫn tồn tại nhiều vấn đề như: tỷ lệ đốt rơm cao, ứng dụng số vào nông nghiệp chưa cao… Ví dụ, nếu tận dụng tốt rơm rạ sau thu hoạch vào việc trồng nấm sẽ giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo thêm việc làm cho phụ nữ, giảm di dân khu vực ĐBSCL.

TS. Trần Minh Hải đề xuất cần xây dựng các mô hình cộng đồng trong việc tích trữ, sử dụng nguồn nước hiệu quả; cần đánh giá sự thích ứng của các mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng với biển đổi khí hậu (lúa tôm, lúa mùa), từ đó chọn ra mô hình phù hợp, bền vững; nâng cao vai trò HTX, Hội quán trong sử dụng tiết kiệm nguồn nước; kết nối nguồn lực doanh nghiệp để khai thác các tiềm năng của vùng ĐBSCL (nấm, ván ép)…

 TS. Đặng Kim Khôi, Trợ lý nghiên cứu Đại học Quốc gia Úc phát biểu trực tuyến. Ảnh: HOÀNG HÙNG

TS. Đặng Kim Khôi, Trợ lý nghiên cứu Đại học Quốc gia Úc phát biểu trực tuyến. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Ngoài ra, tại hội thảo, TS. Đặng Kim Khôi, Trợ lý nghiên cứu Đại học Quốc gia Úc đã có những chia sẻ về việc nhân rộng các mô hình đổi mới, sáng tạo vào trong thực tiễn. Theo đó, cần có công cụ đánh giá hiệu quả của việc nhân rộng việc đổi mới sáng tạo vào thực tế; đồng thời đánh giá tác động của việc nhân rộng mô hình đến việc phát triển bền vững của quốc gia (an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo…).

Thời gian tới, TS. Đặng Kim Khôi đề xuất cần xây dựng khung đánh giá việc nhân rộng mô hình đổi mới sáng tạo, căn cứ các yếu tố như: lợi ích kinh tế, yếu tố giảm phát thải, mục tiêu phát triển bền vững để quyết định việc nhân rộng các mô hình hay không.

NGỌC PHÚC - THÀNH NHƠN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/can-danh-gia-lai-hieu-qua-lo-trinh-chuyen-doi-nong-nghiep-post739998.html