Cần đánh giá kỹ tác động của cải cách tiền lương với lương hưu

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, cần đánh giá kỹ tác động đối với người hưởng lương hưu ở các thời điểm khác nhau, trong khu vực, lĩnh vực khác nhau.

Bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội.

Bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội.

Sáng 27/5, tại phiên họp Quốc hội, bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Tại kỳ họp thứ 6, Chính phủ trình Quốc hội hai phương án:

Phương án 1: Người lao động được chia làm hai nhóm:

Nhóm 1, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội trước khi Luật có hiệu lực (dự kiến 1/7/2025), sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm.

Nhóm 2, người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày Luật có hiệu lực trở đi thì không được áp dụng quy định điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

+ Phương án 2: Người lao động được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành Phương án 1 của Chính phủ đề xuất.

Đó cũng là ý kiến của đa số người lao động tại một số địa phương được cơ quan chủ trì thẩm tra lấy ý kiến.

Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ sớm có đề án hỗ trợ và ban hành quy định phù hợp. Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông để người lao động hiểu được lợi ích của việc hưởng lương hưu hằng tháng, thay vì lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Các đại biểu Quốc hội tham dự Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Các đại biểu Quốc hội tham dự Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về giao dịch điện tử trong tổ chức thực hiện bảo hiểm xã hội.

Về chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và biện pháp xử lý, dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng làm rõ nội hàm, tách riêng các điều quy định về từng hành vi và biện pháp xử lý chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Dự thảo Luật đã bổ sung quy định cơ chế “đặc thù” để bảo vệ người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động bỏ trốn, không còn khả năng đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Về mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần và điều chỉnh tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, đây là vấn đề liên quan trực tiếp đến hàng triệu người đã, đang và sẽ hưởng lương hưu.

Do đó, cần được xem xét một cách toàn diện, thấu đáo trong bối cảnh cải cách tiền lương. Cần đánh giá kỹ tác động đối với người hưởng lương hưu ở các thời điểm khác nhau, trong khu vực, lĩnh vực khác nhau.

Về trợ cấp hưu trí xã hội, bà Nguyễn Thúy Anh cho biết, để bảo đảm mức trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với từng thời kỳ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý đã bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 21 theo hướng:

“Định kỳ 3 năm, Chính phủ thực hiện rà soát và đề xuất việc điều chỉnh mức trợ cấp hưu trí xã hội báo cáo Quốc hội khi trình Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm”.

Vân Huyền

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/can-danh-gia-ky-tac-dong-cua-cai-cach-tien-luong-voi-luong-huu-post684974.html