Cần chọn thêm cây trồng phù hợp cho đồi rừng Yên Bái
Sự thất bại của cây ăn quả có múi và giá bán của vỏ, tinh dầu quế liên tục giảm thời gian qua có thể rút ra bài học: làm kinh tế, không phải là làm phong trào, sản xuất phải gắn với thị trường, phải tuân thủ quy luật cung cầu, đầu ra sẽ quyết định mọi quy trình sản xuất. Vì vậy, cần lựa chọn thêm cây trồng phù hợp cho đồi rừng Yên Bái.

Ông Hà Văn Liêm ở xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên chăm sóc vườn tre măng Bát độ.
Với câu chuyện của quế, sản phẩm quế Yên Bái có chất lượng hàng đầu Việt Nam, mang lại giá trị kinh tế cao, đặc biệt là quế trồng tại các xã Viễn Sơn, Đại Sơn, Mỏ Vàng (huyện Văn Yên), Kiên Thành, Hồng Ca (Trấn Yên), An Lương, Nậm Mười (huyện Văn Chấn). Nhờ có cây quế, nhiều gia đình trở nên giàu có.
Đặc biệt, mọi bộ phận trên cây quế (lá, cành, vỏ, thân, gốc) đều được thu mua, chế biến với giá cao; cũng chính bởi cây quế mang lại giá trị cao nên tốc độ phát triển diện tích quế cũng cao theo. Trước đây, câu chuyện "quế sang sông” chỉ diễn ra ở Văn Yên. Sau một thời gian, quế được trồng tại tất cả các xã tại huyện Trấn Yên. Rồi quế trồng dọc quốc lộ 70, quê lên núi đá Lục Yên, quế ra đảo hồ Thác Bà…
Toàn tỉnh đến cuối năm 2024 có 81.000 ha quế là con số chắc chắn chưa đầy đủ vì quế đã được trồng vào nhiều diện tích khác. Nếu có dịp đi đến các tỉnh như Lào Cai, Sơn La, Lạng Sơn, Lai Châu, Thanh Hóa, Nghệ An… thì mới thấy, sau chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, diện tích quế trên cả nước đã rất lớn. Chưa kể, không ít người mua quế giống từ huyện Trấn Yên sang tận Lào để trồng. Diện tích, sản lượng quế nhiều như thế thì cung đã vượt quá cầu hay chưa? Đó là một câu hỏi lớn, chưa có cơ quan quản lý nhà nước nào chính thức đưa ra kết luận nhưng thực tế cuộc sống thì câu trả lời đã rõ ràng.
Ông Bắc Lan - chủ một doanh nghiệp chuyên chế biến và xuất khẩu quế tại tỉnh Bắc Ninh cho biết: "Từ cây quế Yên Bái, tôi chế biến ra hơn 50 sản phẩm khác nhau, trong đó, dược liệu và gia vị là chủ yếu. Dược liệu là thuốc chữa bệnh thì sử dụng không nhiều, gia vị thì chỉ chiếm một ít trong quá trình chế biến món ăn. Trước đây, quế ít nên trở nên quý, đồng nghĩa với đắt đỏ, giờ nhiều, quá nhiều thì hạ giá. Đó là chuyện đương nhiên theo quy luật; chưa kể quá nhiều, dẫn đến dư thừa, đặc biệt là khi thị trường có biến động”.
Khác với câu chuyện của quế, cây ăn quả có múi cũng đang và đã thật sự gặp khó khăn tại mấy xã vùng ngoài của huyện Văn Chấn, nơi được xem là thủ phủ của cam, quýt. Tại xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên, một "hiện tượng” nổi lên nhờ cây ăn quả có múi thì giờ cam quýt đã vắng bóng trên nương đồi. Điều gì đang xảy ra với bà con nông dân? Với cây ăn quả có múi, bệnh tật là nguyên nhân chính. Cam quýt cứ vàng lá, thối rễ rồi chết dần, chết mòn. Rất nhiều ý kiến, từ nhà quản lý, nhà khoa học đến người trồng cam… Cuối cùng, đại bộ phận vườn cam chết dần, người nông dân thua thiệt.
Cây ăn quả có múi như cam sành, cam canh dù có ngon, có ngọt đến đâu thì nhu cầu tiêu thụ cũng có hạn, chưa kể cam, quýt thu hoạch vào một thời điểm ngắn, chi phí bảo quản lớn. Cây quế mang lại giá trị cao nhưng khi diện tích đã quá lớn thì cũng cần hướng dẫn, tuyên truyền để thống kê diện tích, sản lượng, ngăn chặn tình trạng trồng ồ ạt, trồng dày để bóc, tỉa dần… dẫn đến chất lượng tinh dầu kém, nhiễm sâu bệnh, phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Vì vậy, cần đẩy mạnh xây dựng và phát triển mạnh diện tích quế hữu cơ, song song với thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến, kinh doanh các sản phẩm về quế. Từ thực tế rất đáng để chúng ta suy ngẫm và lựa chọn cây trồng sao cho phù hợp.