Trong ảnh là nút giao cao tốc TP.HCM - Trung Lương và Bến Lức - Long Thành, hướng từ miền Tây về TP.HCM. Từ miền Tây lên, đến đoạn nút giao này, phương tiện có thể rẽ phải để vào cao tốc Bến Lức đi về Bình Chánh, quận 7 mà không cần phải đến nút giao Chợ Đệm đang thường ùn tắc.
Ngược lại, từ quốc lộ 1 theo cao tốc Bến Lức đến nút giao cao tốc Trung Lương, phương tiện có thể lên cao tốc này đề đi về Cần Thơ hoặc rẽ về Chợ Đệm, Bình Chánh. Từ nút giao quốc lộ 1 đến nút giao cao tốc Trung Lương dài 3,4km.
Tuy nhiên, trên tuyến hiện còn khoảng 300m đang thi công dang dở tại đoạn Km 1+491.7 đến Km 1+569.4 (gần nút giao Trung Lương). Đây là một nhánh của nút giao giữa cao tốc Bến Lức - Long Thành, TP.HCM - Trung Lương với tuyến vành đai 3 qua Long An. Đoạn này do tỉnh Long An làm chủ đầu tư, đang trải vãi địa kỹ thuật để đẩy nhanh thi công cấp phối.
Nhìn từ trên cao, có thể thấy đoạn 300m đang được trải vãi địa kỹ thuật, theo hợp đồng đến 15/11 mới hoàn thành. Nhưng do toàn bộ nút giao chưa hoàn chỉnh, nên giai đoạn này đã tổ chức lưu thông tạm, khi hoàn thành sẽ là một nút giao khác mức hoàn chỉnh.
Để đưa đoạn tuyến cao tốc này vào khai thác tạm như đề xuất, theo VEC, các đơn vị đang khẩn trương thi công, hoàn thiện phần việc còn lại.
Ông Đinh Văn Táo, kỹ sư hiện trường phụ trách gói thầu (Ban QLDA các đường cao tốc phía Nam) cho biết, ngoài đoạn đầu tuyến chưa hoàn thành nêu trên, hiện tại chỉ còn các công việc như dọn dẹp vệ sinh công nghiệp, phát quang cây cối xung quanh tuyến cao tốc.
Toàn bộ hệ thống chiếu sáng thuộc phạm vi gói thầu và các điểm kết nối cũng đã hoàn thành 100%; đã được kiểm tra, thử nghiệm, đảm bảo đủ năng lực chiếu sáng.
Đồng thời, 100% các biển báo an toàn giao thông, biển chỉ dẫn đã được lắp đặt. Các đơn vị tư vấn cũng đã thẩm tra, kiểm tra, ghi nhận đảm bảo yêu cầu.
Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, tại khu vực nút giao giữa cao tốc Bến Lức - Long Thành với quốc lộ 1 (huyện Bình Chánh, TP.HCM), công nhân cùng máy móc thiết bị thi công hoàn chỉnh phần đường dẫn.
Hiện đường dẫn đã hoàn tất thảm nhựa, kẻ vạch, lắp đặt biển hướng dẫn; công nhân đang lát gạch vỉa hè, xây lắp trạm thu phí và vòng hoa thị ở quốc lộ 1.
Ông Nguyễn Quốc Hải (42 tuổi, tài xế xe tải) cho biết, thông thường ông vẫn đi cao tốc TP.HCM - Trung Lương để nhận, giao hàng từ Vĩnh Long và Đồng Nai. Không chỉ tuyến cao tốc thường xuyên quá tải, mà đường quốc lộ, đường dẫn ra vào cao tốc cũng thường ùn ứ, kẹt xe.
"Cao tốc Bến Lức - Long Thành sớm đưa vào khai thác sẽ giúp giảm tải bớt cho tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành, xe cộ từ miền Tây về TP.HCM hoặc các tỉnh miền Đông có thêm lựa chọn để di chuyển. Chúng tôi thực sự rất mong chờ", ông Hải nói.
Ngoài đoạn 3,4km ở phía Tây, VEC cũng đề xuất khai thác tạm đoạn 6,1km từ nút giao Phước An đến nút giao quốc lộ 51 thuộc tỉnh Đồng Nai trong tháng 11/2024. Sau đó, đoạn 18,8km từ nút giao quốc lộ 1A (Bình Chánh) đến đường Nguyễn Văn Tạo (Nhà Bè) thuộc TP.HCM sẽ khai thác trong quý I/2025.
Theo đề xuất, tất cả các phương tiện đủ điều kiện được phép lưu thông trên các tuyến khai thác tạm và phải tuân thủ các quy định như chạy đúng phần đường, làn đường, chạy đúng tốc độ tối đa, tối thiểu, đảm bảo an toàn khi chuyển làn, khoảng cách an toàn...
Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành có tổng chiều dài gần 58km, đi qua các tỉnh: Long An (2,7km), TP.HCM (26,4km) và Đồng Nai (28,7km).Tổng mức đầu tư đến nay gần 29.600 tỷ đồng, sử dụng các nguồn vốn gồm vốn vay ADB (8.065,7 tỷ đồng), vốn vay JICA (10.101,3 tỷ đồng), vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước (3.872,4 tỷ đồng) và vốn VEC tự thu xếp (7.547,6 tỷ đồng). (Trong ảnh là nút giao quốc lộ 1A , bên trái là hướng từ quận 7 đi theo quốc lộ 1 rẽ trái để vào cao tốc Bến Lức. Bên phải là từ Long An về TP.HCM).
Khi đưa vào khai thác, tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành dự kiến sẽ có nhiều tác động tích cực cho khu vực, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành; đặc biệt là giảm tình trạng ùn tắc giao thông.
Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành có tổng chiều dài gần 58km, đi qua các tỉnh: Long An (2,7km), TP.HCM (26,4km) và Đồng Nai (28,7km).
Tổng mức đầu tư đến nay gần 29.600 tỷ đồng, sử dụng các nguồn vốn gồm vốn vay ADB (8.065,7 tỷ đồng), vốn vay JICA (10.101,3 tỷ đồng), vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước (3.872,4 tỷ đồng) và vốn VEC tự thu xếp (7.547,6 tỷ đồng).
Mỹ Quỳnh