Campuchia tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ từ 3 đến dưới 5 tuổi
Ngày 18/2, Bộ Y tế Campuchia ra thông báo, hướng dẫn về việc tiêm vaccine phòng dịch Covid-19 cho trẻ em từ 3 đến dưới 5 tuổi. Thông báo được đưa ra sau khi có quyết định cho phép của Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Techo Hun Sen.
Theo thông báo của Bộ Y tế Campuchia, chiến dịch tiêm chủng sẽ được tiến hành bắt đầu từ ngày 23/2. Trẻ em Campuchia từ 3 đến dưới 5 tuổi trên toàn quốc sẽ được tiêm liều cơ bản (mũi 1 và 2) bằng loại vaccine Sinovac. Khoảng cách giữa 2 mũi tiêm là 28 ngày.
Thông báo đề nghị các sở y tế tỉnh, thành phố trên cả nước triển khai chiến dịch tiêm phòng dịch cho trẻ em chính xác, đầy đủ, an toàn, bảo đảm các biện pháp phòng, chống Covid-19. Cùng với đó, nhân viên y tế phải quan tâm thăm khám sức khỏe trẻ em cả trước và sau khi tiêm vaccine.
Trước đó, trong một thông điệp đặc biệt vào tối 17/2, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đưa ra quyết định cho phép tiêm chủng cho trẻ em từ 3 đến dưới 5 tuổi. Theo ông, việc tiêm vaccine là để bảo vệ trẻ em trước sự lây lan nhanh chóng của biến chủng Omicron.
Thống kê cho thấy hơn 20% trẻ em Campuchia dưới 5 tuổi bị nhiễm virus Omicron. Ước tính có khoảng 700 nghìn trẻ em trong độ tuổi này cần được tiêm vaccine. Người đứng đầu Chính phủ kêu gọi các gia đình tích cực đưa trẻ đi tiêm chủng tại những địa điểm do Sở Y tế và chính quyền địa phương tổ chức.
Tính đến 17/2, tại Campuchia đã có 14.388.242 người từ 5 tuổi trở lên (tương đương 89,93% dân số) được tiêm vaccine phòng Covid-19. Trong đó có 6.229.671 người đã tiêm 3 mũi và 739.201 người hoàn thành việc tiêm mũi thứ 4.
Nhờ tỷ lệ bao phủ vaccine cao, hơn 40 ngày qua, tại đất nước Đông Nam Á này không có trường hợp tử vong do Covid-19. Tuy nhiên, tốc độ lây lan của Omicron đang gây lo ngại. Trong 24 giờ qua, cơ quan chức năng phát hiện thêm 414 ca nhiễm mới biến chủng này, trong đó có tới 388 ca lây nhiễm cộng đồng.
Theo báo cáo của Bộ Y tế Campuchia, từ đầu dịch đến nay, cơ quan này ghi nhận 125.201 ca nhiễm Covid-19. Trong đó có 119.880 bệnh nhân đã hồi phục và 3.015 trường hợp không qua khỏi.