Cẩm Xuyên liên kết doanh nghiệp sản xuất vùng nguyên liệu dứa
Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang liên kết với doanh nghiệp ở Ninh Bình triển khai sản xuất vùng nguyên liệu dứa nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị kinh tế.
Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm nâng cao giá trị sản xuất, thời gian qua, huyện Cẩm Xuyên đã "khởi động" mô hình sản xuất vùng nguyên liệu dứa. Cùng với việc tổ chức cho các địa phương tham quan, học tập các mô hình trồng dứa ở các tỉnh phía Bắc, huyện cũng xúc tiến liên kết với Công ty CP Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao (Ninh Bình) để triển khai mô hình trên địa bàn.
Ông Phạm Ngọc Thành – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao chia sẻ: “Theo lời kêu gọi của lãnh đạo huyện, công ty đã tìm hiểu vùng đất đồi thuộc dự án chăn nuôi bò Bình Hà ở xã Cẩm Quan. Đây là vùng địa hình thoai thoải đồi dốc, thoát nước tốt, ruộng đất đã được tập trung nên rất thuận lợi để đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Sau khi ký hợp đồng với Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà để thuê lại đất, công ty đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác liên kết sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu trồng dứa với UBND huyện Cẩm Xuyên. Giống dứa mà chúng tôi sử dụng tại vùng trồng này là dứa Queen và Cayen, cho năng suất cao, chất lượng tốt và đang rất được thị trường ưa chuộng. Công ty đặt mục tiêu trong năm 2024 sẽ trồng khoảng 200 ha dứa trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên”.
Thời điểm này, trên những quả đồi thuộc thôn Thiện Nộ, xã Cẩm Quan, máy móc hoạt động tối đa công suất để lên luống, rải phân, phủ bạt. Máy phủ bạt đến đâu, bàn tay của công nhân thoăn thoắt ươm chồi dứa đến đó. Bình quân mỗi ngày, tốp công nhân của Công ty CP Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao trồng được từ 2-3 ha dứa.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Cẩm Xuyên, dứa là cây trồng chịu hạn tốt, ít vốn đầu tư, dễ trồng, dễ chăm sóc, cho năng suất cao, phù hợp để nhân rộng ở nhiều địa phương của huyện. Đối với dứa Queen và dứa Cayen, thời gian sinh trưởng khoảng 18 tháng. Bình quân 1 ha dứa sẽ cho thu hoạch từ 60 – 80 tấn. Với giá bán khoảng 5 triệu đồng/tấn, 1 ha dứa sau 18 tháng sẽ cho thu nhập từ 300 – 400 triệu đồng, lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với các loại cây trồng thông thường khác.
Cùng với địa bàn huyện Cẩm Xuyên, hiện nay, Công ty CP Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao cũng đang tích cực mở rộng sản xuất vùng nguyên liệu dứa ở các huyện: Kỳ Anh, Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang. Khi diện tích trồng dứa ở Hà Tĩnh đạt trên 1.000 ha, công ty sẽ xây dựng nhà máy chế biến nước ép dứa ngay tại vùng nguyên liệu của huyện Cẩm Xuyên.
Ông Lê Ngọc Hà – Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho biết: "Theo biên bản ghi nhớ hợp tác liên kết sản xuất, Công ty CP Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao sẽ cho người dân vay chồi giống và khấu trừ khi thanh toán tiền thu mua sản phẩm. Công ty cũng sẽ tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất. Sau thu hoạch, công ty sẽ tiến hành thu mua toàn bộ sản phẩm đảm bảo chất lượng với giá từ 3.500 – 5.000 đồng/kg và hỗ trợ chi phí quản lý cho các HTX, tổ hợp tác với mức 300 đồng/kg. Ngoài vùng sản xuất tập trung do doanh nghiệp đầu tư, địa phương cũng đang thành lập các HTX, tổ hợp tác để liên kết sản xuất dứa trên địa bàn các xã: Cẩm Thịnh, Cẩm Hưng, Cẩm Mỹ, Cẩm Lạc, Cẩm Quan, Cẩm Thành với tổng diện tích 85,5 ha”.
Theo chính sách của UBND huyện Cẩm Xuyên, địa phương sẽ hỗ trợ chi phí làm đất, phân bón với mức 15 triệu đồng/ha (sản xuất liền vùng với diện tích tối thiểu 2 ha/vùng) đối với những xã triển khai trong năm 2024; phương thức hỗ trợ một lần sau khi hoàn thành việc làm đất và trồng dứa thông qua UBND xã.
Với chính sách hỗ trợ bền vững, huyện Cẩm Xuyên đang từng bước xây dựng vùng nguyên liệu trồng dứa theo hướng liên kết chuỗi giá trị với Công ty CP Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao; tiến tới xây dựng nhà máy sản xuất nước ép dứa trên địa bàn.