Cẩm nang cho công tác xây dựng Đảng về đạo đức

Ngày 09/5/2024, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới (Quy định số 144). Đây là cẩm nang cần thiết cho công tác xây dựng Đảng về đạo đức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới của cách mạng.

Đạo đức là “gốc” của người cách mạng

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta và Bác Hồ kính yêu luôn quan tâm, đề cao công tác giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Ngay từ khi tuyên truyền, vận động thành lập Đảng, trong tác phẩm “Đường cách mệnh”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định, đạo đức cách mạng là nội dung cốt lõi đầu tiên trong những vấn đề căn bản của cách mạng Việt Nam. Người nhiều lần nhấn mạnh, đạo đức là “gốc” của người cách mạng, bởi: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được Nhân dân”.

Lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn khen thưởng các tập thể tiêu biểu sau 3 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW .

Thấm nhuần sâu sắc những chỉ dẫn có giá trị to lớn và quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong hơn 94 năm lãnh đạo sự nghiệp cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn quan tâm, chú trọng xây dựng Đảng về đạo đức, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục; là yêu cầu quan trọng, cấp thiết trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh”, là tổ chức của những người ưu tú, có bản lĩnh chính trị vững vàng; đủ năng lực và uy tín để lãnh đạo Nhân dân, xứng đáng với trọng trách được Nhân dân tin tưởng giao phó.

Qua các kỳ đại hội Đảng, yêu cầu về phẩm chất, đạo đức đối với cán bộ, đảng viên được Đảng ta nhấn mạnh, bổ sung và phát triển, phù hợp với nhiệm vụ cách mạng từng giai đoạn, trở thành nền tảng, động lực tinh thần to lớn, huy động sức mạnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết đấu tranh, giành nhiều thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ vững chắc thành quả Cách mạng Tháng Tám, qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, bảo vệ Tổ quốc và trong công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội.

Trong thời kỳ đổi mới đất nước, Đại hội lần thứ VI của Đảng đặt ra yêu cầu công tác tư tưởng phải hướng vào việc bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, nâng cao tinh thần yêu nước, yêu Chủ nghĩa xã hội cho cán bộ, đảng viên. Các kỳ Đại hội VII, VIII, IX, X, XI đều đề cao chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên.

Tại Đại hội XII, lần đầu tiên Đảng ta đặt công tác xây dựng Đảng về đạo đức ngang hàng với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đại hội lần thứ XIII của Đảng một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng về đạo đức. Nghị quyết của Đại hội nhấn mạnh việc đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ.

Bắc Kạn là một trong những Đảng bộ làm tốt công tác xây dựng Đảng về đạo đức. Từ đầu nhiệm kỳ tới nay, Tỉnh ủy Bắc Kạn đã ban hành 31 chỉ thị, 42 nghị quyết để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Cấp ủy các cấp đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn đã chủ động cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo với nhiều cách làm hay, như: Xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm điểm tự phê bình và phê bình về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị với chủ đề “tự soi”, “tự sửa” với 2.343 tập thể và 6.420 lượt cá nhân, cán bộ, đảng viên. Tỉnh tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với 235 cán bộ lãnh đạo, quản lý với kết quả 100% người được lấy phiếu có tỷ lệ phiếu tín nhiệm và tín nhiệm cao trên 50%.

Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng trong giai đoạn mới là cấp thiết

Dù rất đề cao công tác giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, thế nhưng trên thực tế, hệ thống các văn bản của Đảng và Nhà nước ta vẫn chưa có quy định riêng, cụ thể về chuẩn mực đạo đức cách mạng, để tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành. Quy định của các ban, bộ, ngành, địa phương hiện nay chủ yếu quy định về đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp. Công tác rèn luyện, quản lý cán bộ, đảng viên ở một số nơi chưa được quan tâm đúng mức. Một số tổ chức cơ sở đảng, cán bộ, đảng viên chưa gương mẫu trong tu dưỡng đạo đức. Vẫn còn có một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả ở cấp cao, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, gây bất bình, lo lắng, suy giảm niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Thực tiễn cho thấy, khi người cán bộ, đảng viên không thường xuyên học tập, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất thì sẽ dần đánh mất mình, đánh mất “nền tảng gốc” là đạo đức cách mạng, dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị; và đó là một bước ngắn, hết sức nguy hiểm, dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Nhiều trường hợp cán bộ bị kỷ luật Đảng và xử lý trước pháp luật thời gian qua có nguyên nhân gốc rễ là không chú ý giữ gìn đạo đức cách mạng, đã vi phạm Điều lệ Đảng, Quy định về những điều đảng viên không được làm, vì danh lợi cá nhân mà bất chấp kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước.

Các đồng chí: Phương Thị Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Thị Lộc, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy khen thưởng đồng chí Triệu Đức Hồng, Trưởng phòng Quản lý thể dục thể thao, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cá nhân tiêu biểu trong thực hiện Kết luận 01-KL/TW.

Tại Bắc Kạn, chỉ tính từ năm 2011 tới tháng 3/2024, đã kiểm tra theo kế hoạch 3.484 lượt tổ chức đảng và 12.323 lượt đảng viên. Qua đó, kết luận 14 lượt tổ chức và 175 lượt đảng viên vi phạm. Các cấp giám sát chuyên đề 2.112 lượt tổ chức đảng và 5.475 lượt đảng viên, qua đó chuyển kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm 2 lượt tổ chức đảng. Bắc Kạn đã đình chỉ sinh hoạt Đảng 18 lượt đảng viên; thi hành kỷ luật 10 lượt tổ chức đảng và 819 lượt đảng viên. Trong đó, có cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức công vụ đến mức phải kỷ luật, khởi tố.

Hiện nay, trong bối cảnh thế giới thay đổi nhanh chưa từng thấy, có nhiều bất định, bất ổn, đột biến và rủi ro khó lường, các thế lực xấu, thù địch, phản động lợi dụng việc một số cán bộ, đảng viên vi phạm, bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự để đẩy mạnh bôi xấu, xuyên tạc, tiếp tục chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta, thì chúng ta lại càng ý thức được tầm quan trọng của việc xây dựng Đảng về đạo đức, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có phẩm chất, đạo đức cách mạng, có năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới.

Gần đây, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, quyết sách rất quan trọng với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tình trạng tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Để thực hiện chủ trương này thành công, cần có “một cẩm nang xây dựng Đảng về đạo đức”, trong đó có những quy định cụ thể về chuẩn mực đạo đức cách mạng để mọi cán bộ, đảng viên tự giác thực hiện và các tổ chức đảng căn cứ vào “cẩm nang” để rèn luyện, giáo dục cán bộ đảng viên và xử lý kỷ luật nếu vi phạm.

Chính vì vậy, việc ban hành Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới là cấp thiết, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, phát huy ưu điểm, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng Đảng về đạo đức, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng Đảng ta “là đạo đức, là văn minh” như lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Để Quy định số 144 đi nhanh vào cuộc sống

Quy định số 144 được ban hành trong thời điểm hiện nay là rất quan trọng và cần thiết. Để quy định này đi vào cuộc sống, cần rất nhiều việc phải làm. Giải pháp đầu tiên là phải tăng cường công tác giáo dục, thuyết phục để chuẩn mực đạo đức cách mạng là tấm gương soi chiếu cho từng cán bộ, đảng viên. Trên cơ sở quy định của Đảng, cấp ủy, tổ chức đảng và chính quyền các cấp cần quán triệt, cụ thể hóa, xây dựng thành những quy định cụ thể về “tự giác nêu gương” phù hợp với chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên. Mỗi cán bộ, đảng viên tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng phải tuân theo các vấn đề có tính nguyên tắc như: Học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn; nâng cao kiến thức, kỹ năng gắn liền với phát triển, củng cố bản lĩnh chính trị vững vàng.

Trên cơ sở Quy định số 144, các cơ quan chức năng của Nhà nước cũng cần xây dựng hệ thống văn bản pháp luật để điều chỉnh hành vi của mỗi cá nhân cho phù hợp, dần trở thành ý thức tự giác của mỗi người để hướng tới thực hiện thực chất chuẩn mực về đạo đức, lối sống văn hóa lành mạnh của cán bộ, đảng viên. Trong đó có các chế tài xử lý những hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức, lối sống. Chú trọng công tác tôn vinh, khen thưởng những điển hình tiên tiến, hình mẫu tiêu biểu trong xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống tốt đẹp để nhân rộng trong cộng đồng.

Để giữ vững đạo đức cách mạng, trước hết, chính mỗi người đảng viên phải luôn luôn tâm niệm, khắc ghi những lời tuyên thệ khi vào Đảng và không ngừng nhắc nhở, rèn luyện chính mình để “tự soi, tự sửa”. Cùng với đó, là việc phát huy vai trò giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng và của toàn xã hội đối với đảng viên, nhất là những người nắm giữ nhiều quyền lực. Khi phát hiện dấu hiệu vi phạm của đảng viên phải kịp thời rèn luyện, uốn nắn, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn. Với những đảng viên không còn đủ tư cách, không giữ gìn phẩm chất cách mạng, không còn xứng đáng đứng trong hàng ngũ của Đảng thì việc khai trừ là điều tất yếu cũng giống như chặt một cành sâu mọt để cứu cả cây, chặt một cây nhiễm bệnh để cứu cả cánh rừng.

Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần phải tập trung kiểm tra, giám sát việc cán bộ, đảng viên chấp hành Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, luật pháp Nhà nước; chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, chế độ công tác, thực hiện dân chủ rộng rãi, giữ gìn đoàn kết nội bộ; tự phê bình và phê bình; rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống; thực hành tiết kiệm; phòng, chống tham ô, tham nhũng, lãng phí. Thường xuyên lắng nghe và tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân, thực hiện sự kiểm tra, giám sát của Nhân dân đối với tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên; thực hiện công khai, minh bạch thông tin và chế độ trách nhiệm trong Đảng, trong các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng.

Đứng trước bối cảnh và yêu cầu của thực tiễn cách mạng, nhất là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên hiện nay, nhiệm vụ xây dựng Đảng về đạo đức càng trở nên quan trọng, trở thành một trong những vấn đề cấp bách của công tác xây dựng Đảng. Quy định số 144 có sớm trở thành “cẩm nang xây dựng Đảng về đạo đức” hay không, điều đó phụ thuộc vào việc triển khai thực hiện của các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị và tinh thần gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên./.

Hồng Hạnh - Phú Thọ - Ngọc Hiển

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/cam-nang-cho-cong-tac-xay-dung-dang-ve-dao-duc-post63719.html