Cam kết mạnh mẽ với mục tiêu phát triển
Vô vàn những thách thức, như xung đột, suy thoái kinh tế, nạn đói, biến đổi khí hậu… đặt gánh nặng lên cuộc sống của người dân ở nhiều quốc gia. Nhóm họp tại thành phố Pescara của Italia mới đây, Bộ trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) nêu quan ngại về cuộc khủng hoảng đang kìm hãm tiến trình thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), đồng thời kêu gọi nỗ lực toàn cầu nhằm tìm ra giải pháp cho những vấn đề này.
Tình hình căng thẳng ở Trung Đông là vấn đề nóng tại nhiều hội nghị, diễn đàn đa phương và nằm trong chương trình nghị sự của Hội nghị Bộ trưởng Phát triển G7 tại Pescara. Trong bối cảnh hàng chục nghìn người thiệt mạng do xung đột ở Dải Gaza, các Bộ trưởng G7 nhắc lại lời kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức, trả tự do cho tất cả con tin và tăng viện trợ nhân đạo cho người dân. Trong đó, bảo đảm quyền tiếp cận nhân đạo đầy đủ, nhanh chóng, an toàn và không bị cản trở vẫn là ưu tiên hàng đầu.
Cũng lo ngại về tình hình tại Liban, các Bộ trưởng G7 nhấn mạnh giải pháp ngoại giao để giảm căng thẳng, đồng thời kêu gọi các bên liên quan bảo vệ dân thường. G7 cam kết cung cấp viện trợ nhân đạo cho người dân, cũng như hỗ trợ phái bộ Lực lượng lâm thời Liên hợp quốc tại Liban (UNIFIL). Chủ trì Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Italia Antonio Tajani nêu bật tầm quan trọng của đối thoại nhằm giải quyết thách thức toàn cầu. Ông nêu rõ, hòa bình là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển các quốc gia.
Các cuộc khủng hoảng an ninh lương thực trên thế giới đang diễn biến trầm trọng hơn cũng là vấn đề được các Bộ trưởng G7 đặc biệt quan tâm. Tại Hội nghị, Tổng Giám đốc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) Qu Dongyu nhắc nhở về nạn đói gia tăng ở châu Phi, đồng thời hối thúc tăng cường tài trợ cho các quốc gia đang chống chọi tình trạng mất an ninh lương thực ở mức báo động. Ông Qu Dongyu cho rằng, G7 cần hợp tác chặt chẽ với Liên minh châu Phi (AU) và các quốc gia trong khu vực trong vấn đề này.
G7 khẳng định hỗ trợ các đối tác châu Phi chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm toàn diện và bền vững. Các Bộ trưởng nêu rõ những nội dung của Sáng kiến hệ thống thực phẩm Apulia (AFSI), được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh G7 tháng 6 vừa qua, nhằm vượt qua những rào cản đối với nỗ lực bảo đảm an ninh lương thực.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đẩy nhanh tiến độ hướng tới SDG về bảo đảm cuộc sống khỏe mạnh cho người dân, các Bộ trưởng G7 khẳng định lại các cam kết về bảo hiểm y tế toàn dân, củng cố hệ thống y tế và duy trì lực lượng lao động lành nghề trong lĩnh vực này. Theo G7, đây chính là nền tảng để bảo đảm an ninh y tế toàn cầu. G7 cũng khẳng định sự ủng hộ với các cơ quan liên quan của Liên hợp quốc trong việc ngăn ngừa, chuẩn bị và ứng phó các trường hợp y tế khẩn cấp trong tương lai.
Đầu tư vào cơ sở hạ tầng bền vững đóng vai trò quan trọng để đạt được các SDG cũng được nêu bật tại hội nghị vừa qua. Theo đó, các Bộ trưởng nhất trí tiếp tục triển khai sáng kiến Đối tác cơ sở hạ tầng và đầu tư toàn cầu (PGII) nhằm hiện thực hóa mục tiêu huy động tới 600 tỷ USD đầu tư công và tư nhân vào các quốc gia đối tác. Qua đó, G7 sẽ thúc đẩy hệ thống cơ sở hạ tầng chất lượng cao, bền vững, kiên cố và khả thi về mặt kinh tế; quá trình lựa chọn dự án, mua sắm vật tư và tài chính minh bạch. Với PGII, G7 hướng tập trung tới châu Phi và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng lớn.
Thông cáo sau Hội nghị ở Pescara nêu rõ, dựa trên những thành quả đã đạt được, G7 tiếp tục thúc đẩy phát triển bền vững, công bằng và toàn diện trên thế giới, phù hợp cam kết đối với Chương trình nghị sự năm 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững. Để đạt mục tiêu, G7 khẳng định sẽ lắng nghe nhu cầu của các đối tác để xác định và phối hợp thực hiện hiệu quả những mục tiêu ưu tiên phát triển chung.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/cam-ket-manh-me-voi-muc-tieu-phat-trien-post838716.html