Cải thiện trí nhớ người cao tuổi: Đâu là giải pháp tối ưu?

Theo báo cáo tại Hội thảo 'Suy giảm trí nhớ và sa sút trí tuệ ở người cao tuổi', suy giảm trí nhớ ở người già ở nước ta đang ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, căn bệnh này đã và đang không được quan tâm đúng mực dù thực tế vẫn có nhiều giải pháp để phòng ngừa, điều trị.

Suy giảm trí nhớ gây hậu quả khôn lường

Ước tính, mỗi ngày, có khoảng 3.000 tế bào thần kinh chết đi và não bộ sẽ dần lão hóa theo thời gian. Một bộ não đang “già” đi sẽ dễ rơi vào tình trạng rối loạn phản xạ, nhất là các phản xạ thuộc nhóm có điều kiện như lưu trữ, ghi nhớ, tư duy. Hệ quả từ các loại bệnh tật khi về già như Alzhemer, rối loạn tuần hoàn não, tai biến mạch máu não, chấn thương sọ não… cũng được xem là nhóm tác nhân khiến sức khỏe não bộ giảm sút.

Chứng hay quên gây nhiều bất tiện cho người cao tuổi trong sinh hoạt (ảnh minh họa)

Người bị suy giảm trí nhớ ban đầu sẽ gặp phải nhiều khó khăn trong sinh hoạt thường ngày do những lần quên – nhớ bất chợt. Dễ thấy qua quan sát hàng ngày, người già sẽ thường quên các vị trí đặt để đồ vật, lúng túng khi thực hiện các thao tác vốn dĩ quen thuộc. Ở giai đoạn bệnh trở nặng, người già có thể gặp nhiều vấn đề về giao tiếp, điển hình như hỏi đi hỏi lại một nội dung trong cùng cuộc trò chuyện, quên hẳn thông tin cá nhân… Nguy hiểm nhất, người bệnh có nguy cơ mất trí nhớ hoàn toàn.

Đừng để bệnh nặng mới tìm cách chữa!

Có thể thấy chứng suy giảm trí nhớ mang nhiều ẩn họa khó lường, dù vậy, theo một báo cáo của Hội Thần kinh học TPHCM, đang có đến 91% số người suy giảm trí nhớ không được điều trị hoặc chưa được điều trị đúng cách. Bản thân người bệnh và gia đình họ đôi khi mặc định đây là một dấu hiệu tất yếu của tuổi già, cộng thêm nhịp sống bận rộn nên càng làm thời gian chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ngày càng bị thu hẹp.

Suy giảm trí nhớ càng về các giai đoạn sau càng khó chữa nên bên cạnh sự tư vấn, thăm khám của bác sĩ, một số giải pháp liên quan đến dinh dưỡng, chế độ sinh hoạt tại nhà cũng nên được duy trì mỗi ngày.

Chơi cờ vừa giải trí vừa giúp não bộ “tập thể dục”, tăng cường chức năng hoạt động (ảnh minh họa)

Bạn có thể bắt đầu khuyến khích hoặc cùng cha mẹ tham gia thường xuyên các hoạt động rèn luyện thể chất và trí tuệ (tập thể dục, đọc sách báo, chơi cờ…). Những buổi trò chuyện, ăn uống có đầy đủ các thành viên trong gia đình cũng được xem là tiền đề để người già giải tỏa những ức chế tâm lý, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của cảm xúc lên hệ thần kinh.

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cai-thien-tri-nho-nguoi-cao-tuoi-dau-la-giai-phap-toi-uu-n176703.html