Cái giá của thanh xuân
Chị ghé vào quầy thực phẩm '0 đồng' mà Hội Phụ nữ của phường phát động nhằm hỗ trợ người dân nghèo, dúi phong bì vào tay chị chủ tịch Hội, lí nhí. Chị chủ tịch Hội gật đầu, cảm ơn. Gương mặt cả hai được bịt kín khẩu trang nhưng ánh mắt đối nhau, rạng rỡ.
Sau một hồi làm nũng đòi mẹ kể chuyện cổ tích, bé Thảo bắt đầu thiu thiu ngủ. Cặp mắt to tròn, có hàng lông mi đen dài, cong vút dần khép lại. Huyền vỗ nhẹ vào lưng con, rồi xoa đều khắp mấy lượt. Con bé chợt mỉm cười, khuôn mặt thiên thần, rạng rỡ. Ðợi con ngủ say, Huyền nhấc nhẹ đầu con ra khỏi cánh tay mình rồi khép cửa buồng lại.
Chị xuống bếp lo bữa tối. Mọi ngày, tầm giờ này, cả nhà đã quây quần ở bộ salon, trước màn hình ti vi xem tin tức, thời sự. Nhưng từ hôm chồng Huyền, bác sĩ Thắng xung phong vào vùng tâm dịch ở một thị xã phía Nam tỉnh thì nhịp sống của chị đôi chút đảo lộn.
Chị vẫn đưa con đến trường rồi vội vàng chạy đến cơ quan cho kịp giờ làm việc. Chiều về ghé chợ tạm mua ít thức ăn cho bữa tối. Nhưng rồi mâm cơm dọn ra, Huyền chỉ xới lưng chén, chậm rãi ăn và chưa bao giờ thấy ngon miệng. Chị cảm thấy căn nhà trống trải và buồn vô cùng…
Bé Thảo vừa tròn bốn tuổi. Trước khi đi, chồng Huyền đã kịp tổ chức sinh nhật cho con. Chỉ đơn giản, gia đình thôi, nhưng thật ấm cúng, hạnh phúc. Bé Thảo ngoan ngoãn, hồn nhiên. Ngày ba lên đường “đi bắt con Covid” cùng mấy cô chú trong cơ quan, nó chỉ khóc đòi theo một lát rồi thôi. Tối, thỉnh thoảng trước khi ngủ cũng chỉ hỏi mẹ bao giờ ba về rồi chuồi ra khỏi vòng tay mềm ấm của mẹ. Nhịp thở đều đều, nhẹ nhõm. Nhìn con, Huyền thấy chạnh lòng lắm.
Huyền bưng mâm cơm lên đặt ngay ngắn xuống bàn ăn. Tiện tay, chị bật ti vi treo đính trên tường, món quà mà chồng chị tặng để hai mẹ con xem hoạt hình cho đỡ buồn mỗi khi anh đi công tác xa.
Một bản tin về tình hình dịch bệnh đang hiện lên màn hình. Huyền bỏ chén, chăm chú nhìn. Một nhà báo ở đài truyền hình tỉnh phỏng vấn anh Thắng. Lời của cô nhà báo rõ ràng, mạch lạc. Anh Thắng cười, nụ cười hiền hậu, thời thanh niên đã hấp dẫn bao nhiêu cô gái…
Dĩ nhiên Huyền là một trong số đấy. Huyền khẽ cười. Cô nhà báo vẫn đang hào hứng, giọng đầy cảm xúc, Huyền không bỏ sót một lời… Ðây là một bác sĩ trẻ giỏi chuyên môn, đầy nhiệt huyết, sẵn sàng xung phong vào “vùng đệm” để chống dịch. Anh đã tạm biệt vợ trẻ, con thơ, cả cha mẹ già ở quê để cùng hàng trăm y, bác sĩ khác…
Cảm giác vừa thương vừa tự hào về chồng dâng nghẹn lòng Huyền. Chị bưng mâm cơm xuống bếp. Nước mắt bắt đầu ứa ra. Nóng hổi.
Chị bần thần ngồi lại. Nghĩ mông lung. Những hình ảnh về cuộc chống dịch mấy nay được báo đài đưa tin khiến chị nhiều lo lắng. Nhưng khi biết tâm nguyện của chồng thì Huyền không còn áy náy nữa.
Chị cũng lặng thầm để nước mắt nghẹn ngào khi đọc tin một bác sĩ trẻ hơn cả chồng mình, cạo trọc đầu, nở nụ cười rất tươi trước khi vào vùng dịch. Và chị cũng từng lật đật tắt ti vi khi thấy cảnh một em bé đã khóc khi thấy mẹ mình là một bác sĩ đang chống dịch qua màn hình…
Bất giác, Huyền quay về phía cửa buồng, vì tự nhiên chị nghĩ bé Thảo thức dậy và đang đứng đằng sau mẹ nhìn ba qua màn hình ti vi. Nhưng cửa buồng vẫn khép. Nhịp kim đồng hồ tích tắc. Màn hình vẫn đang hiện lên hình ảnh các chiến sĩ áo trắng đang tất bật, hối hả với công việc của mình.
Huyền khóa cổng, vừa quay ra thì bà Tâm, nhà liền kề đang quét ngõ hồ hởi. Tối qua cô Huyền xem ti vi không? Chú Thắng được lên màn hình đấy. Trông oách lắm. Huyền dạ, có bà ạ. Rồi nhìn con. Bé Thảo ngồi sau xe, ngơ ngác nhìn mẹ. Có lẽ bé chưa hiểu được bà Tâm đang nói gì. Bà Tâm vẫn luyến thoắng. Bé Thảo có thấy ba trên ti vi không? Chị Huyền sợ con lại hỏi mẹ về ba, rồi nhớ, buồn thì tội lắm nên chị lật đật gật đầu chào bà Tâm rồi đi vội.
Mấy anh chị em cùng phòng kế hoạch kinh doanh đang nói chuyện về dịch Covid-19. Sáng nay, thị xã của tỉnh có thêm ba mươi ca mắc mới. Mấy khu công nghiệp một tỉnh phía Bắc bị cách ly hàng loạt công nhân, khám sàng lọc và tỉnh đang chỉ đạo giãn cách xã hội.
Nhiều quận ở TP. Hồ Chí Minh lại bùng phát, nhiều con đường chính đã dựng lên chốt chặn, khai báo y tế…Người dân ngoại tỉnh sinh sống và buôn bán ở thành phố gặp nhiều khó khăn. Nhiều chương trình thiện nguyện được phát động, các bếp ăn tập thể được nổi lửa, phân phát cơm cho người nghèo, vô gia cư, người có thu nhập thấp.
Huyền ngồi trước máy tính nhưng chưa biết bắt đầu công việc gì trước. Trong e-mail chung của công ty, đến gần chục công văn, hợp đồng ở hộp thư đến cần xử lý… Hình ảnh chồng trên ti vi tối qua khiến chị nhiều cảm xúc.
Sau khi xem xong chương trình thời sự, Huyền có nhắn tin cho chồng. Anh bảo vừa về từ bệnh viện dã chiến, số ca lây nhiễm trong cộng đồng tăng. Cuộc chiến chống dịch Covid rất khốc liệt, không thể chủ quan. Nhưng vợ yên tâm, có các anh em đồng nghiệp chung tay gánh vác. Vợ nhớ về quê thăm ông bà nội bé Thảo nhé…
Giám đốc công ty ghé vào phòng. Ông đưa mắt nhìn mọi người với nụ cười hết cỡ, thật tươi. À, cô Huyền đây rồi… Chú Thắng rất tuyệt vời. Ðĩnh đạc và nói năng vô cùng chuẩn. Một bác sĩ còn trẻ, yêu nghề, vì dân, thật đáng quý.
Cả phòng ngừng tay gõ phím, ngước lên nghe từng lời giám đốc. Ông vẫn hào sảng, thể hiện cảm xúc tự hào và khâm phục về các y, bác sĩ. Huyền cảm giác mình nhẹ hẫng, như sắp bay ra khỏi căn phòng máy lạnh, lô xô bàn ghế, ngồn ngộn giấy tờ và chừng ấy con người, tuần gặp nhau sáu ngày với đủ thứ chuyện trên trời dưới đất được mang ra giải phẫu mỗi khi rảnh việc.
Huyền thấy như mình đang đi vào vùng dịch, nơi bác sĩ Thắng, chồng chị đang ngày đêm chống dịch. Huyền thấy anh gầy và đen hơn nhưng rắn rỏi, đầu tóc thì cạo trọc nhưng râu ria mọc lởm chởm. Anh nở nụ cười đón chị.
Lại một đợt nữa, các y, bác sĩ của nhiều bệnh viện phía Nam “chi viện” cho các vùng dịch. Thông tin này được người bạn bên ngành Y báo cho Huyền. Nó bảo chị cần gửi gì cho anh Thắng không? Gửi gì bây giờ? Huyền nghĩ, giữa lúc đất nước đang ngày đêm đối mặt với những rủi ro bởi dịch bệnh, gửi lời thăm hỏi ân cần, động viên chồng và các y, bác sĩ hoàn thành nhiệm vụ là thiết thực nhất.
Và dĩ nhiên đừng lo nghĩ nhiều về “hậu phương”. Vợ vẫn ổn, con vẫn ngoan. Cha mẹ ở quê đều khỏe mạnh. Một điều, Huyền muốn gửi thêm cho anh là bà con hàng xóm ai cũng khen anh. Chồng yên tâm nhé!
Huyền soạn tin nhắn dài về những điều mình nghĩ gửi cho chồng. Anh nhận tin nhắn, gọi về cho chị. Anh bảo mới nhận mấy ca bệnh mới từ một công ty. Anh em đang tìm mọi cách kháng dịch tốt nhất.
Nỗi lo bắt đầu xâm chiếm lòng Huyền. Chị ngậm ngùi như muốn khóc. Nhưng không được thế. Không được để anh lo lắng. Huyền dặn dò chồng mấy câu rồi bảo vô nằm với con. Huyền tắt mang và ngồi thẫn thờ.
Ðường phố vắng tanh. Hàng quán đóng cửa. Mấy cửa hàng thời trang lèo tèo vài khách. Lệnh cách ly xã hội bắt đầu từ 0 giờ hôm nay. Huyền chạy xe trên con phố quen, lòng chị đan xen nhiều suy nghĩ. Xa chồng chị buồn ít, nỗi lo cho chồng đang đối mặt với những rủi ro thì nhiều. Nhưng chị lại tự mâu thuẫn với bản thân, khi hình ảnh người bị nhiễm bệnh được những y, bác sĩ ngày đêm hết mình cứu chữa lại thấy lòng mình nhẹ nhõm.
Chị ghé vào quầy thực phẩm “0 đồng” mà Hội Phụ nữ của phường phát động nhằm hỗ trợ người dân nghèo, dúi phong bì vào tay chị chủ tịch Hội, lí nhí. Chị chủ tịch Hội gật đầu, cảm ơn. Gương mặt cả hai được bịt kín khẩu trang nhưng ánh mắt đối nhau, rạng rỡ.
Chị quay xe về, lòng lâng lâng cảm giác khó tả. Chuông điện thoại vang lên, vào giờ này, không ai khác, là của chồng. Chị tấp xe vào lề đường…
Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/cai-gia-cua-thanh-xuan-a134793.html