Phản ứng cực đoan của người mắc chứng sa sút trí tuệ
Trí nhớ và khả năng tư duy giảm sút đáng kể, cộng thêm chứng mất ngủ và nhiều phiền toái mà bệnh sa sút trí tuệ đem lại khiến người bệnh dễ cáu giận và có nhiều cảm xúc cực đoan.
Khi bệnh nhân sa sút trí tuệ đột nhiên nổi giận hoặc la hét, cả gia đình sẽ bị căng thẳng. Thông thường, khi bệnh nhân phải đối mặt với điều gì đó khó giải quyết, họ thường cảm thấy bất lực, không biết phải làm sao và phản ứng cực đoan sẽ xuất hiện. Ý nghĩa của phản ứng cực đoan là "hành vi cực đoan xuất hiện như một cách để ứng phó với một tình huống quá nghiêm trọng đến mức không thể xử lý được".
Điều này thường xảy ra khi bệnh nhân phải trả lời một câu hỏi mà họ không biết hoặc bối rối trong một tình huống xa lạ. Lúc này, hành vi hung hăng và công kích xuất hiện khiến mọi người hốt hoảng.
Bệnh nhân có những hành động thái quá về mặt cảm xúc như vậy là vì họ đau khổ, sợ hãi vấn đề của bản thân sẽ bị lộ ra. Còn đứng về lập trường của người giám hộ, khi gặp phải những chuyện như vậy, họ thực sự không thể nào hiểu nổi bệnh nhân. Họ đã cố gắng rất nhiều để giúp đỡ bệnh nhân, nhưng cuối cùng lại nhận được sự tức giận khiến họ khó chịu đựng nổi.
Khi bệnh nhân thể hiện phản ứng cực đoan, không phải họ đang cố tình chọc giận và gây phiền phức cho người giám hộ. Do não bị tổn thương, họ không thể kiểm soát được bản thân nên mới có những hành động như vậy. Bình tĩnh giúp người bệnh bình tâm trở lại là điều tốt khi phản ứng cực đoan xảy ra, nhưng điều quan trọng hơn là ngăn chặn phản ứng đó trước khi nó xảy ra.
Khi bệnh nhân tỏ ra mệt mỏi hoặc sức khỏe kém, cần tránh kích động họ, và phải giải thích cho họ trước khi bắt đầu bất cứ điều gì. Ngoài ra, khi hối thúc bệnh nhân làm nhanh những việc khó thực hiện, phản ứng cực đoan cũng có thể xảy ra, vì vậy tốt nhất bạn nên đưa ra những hướng dẫn và trợ giúp đơn giản để bệnh nhân có đủ thời gian để thực hiện một cách thoải mái.
Những bệnh nhân sa sút trí tuệ cũng cần được chăm sóc và nói chuyện phù hợp đúng với khả năng và nhận thức của họ, giống như khi chăm sóc một đứa trẻ, chúng ta cần phải chăm sóc đúng tiêu chuẩn của chúng. Thêm nữa, cần phân biệt rạch ròi giữa việc bệnh nhân có thể làm và việc không thể làm, để họ có thể tự mình làm những việc trong khả năng của bản thân, và người giám hộ sẽ giúp họ làm những việc họ không thể.
Khi phản ứng cực đoan xảy ra, trước tiên hãy cố gắng trấn tĩnh họ, ngăn chặn mọi tiếng ồn, nếu có quá đông người, hãy đưa họ đến một nơi yên tĩnh, và dọn dẹp ngăn nắp nếu xung quanh có quá nhiều đồ đạc lộn xộn. Vì phản ứng cực đoan là một trạng thái kích động nên việc tranh cãi với bệnh nhân sẽ không có ích lợi gì.
Nếu ngay cả người giám hộ cũng tức giận, bệnh nhân càng rơi vào trạng thái bùng phát không thể kiểm soát nổi. Và nếu tùy tiện chạm vào bệnh nhân hoặc cố gắng ngăn họ cử động, họ có thể hiểu lầm rằng bạn đang cố kiềm chế họ, khi đó các triệu chứng có thể trở nên trầm trọng hơn.
Ngoài ra, người giám hộ cần cố gắng không suy nghĩ quá nặng nề về hành vi của bệnh nhân và gạt bỏ nó sang một bên. Những gì xảy ra là do triệu chứng của bệnh nhân, bệnh nhân sẽ sớm quên do suy giảm trí nhớ nên người giám hộ không cần quá lưu tâm. Chúng ta hãy coi nó như một căn bệnh.
Trong trường hợp xảy ra phản ứng cực đoan, người giám hộ nên trấn an bệnh nhân để họ không trở nên nhạy cảm. Cố gắng tối giản môi trường xung quanh và tạo ra một bầu không khí ổn định. Đừng khiêu khích hoặc thúc giục bệnh nhân mà hãy dành thời gian tiếp cận từ từ.
Nguồn Znews: https://znews.vn/phan-ung-cuc-doan-cua-nguoi-mac-chung-sa-sut-tri-tue-post1508979.html