Cách phân biệt nguyên quán và quê quán dễ nhất

Nguyên quán và quê quán thường xuất hiện trong các loại giấy tờ như giấy khai sinh, sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân… Tuy nhiên, để phân biệt nguyên quán và quê quán thế nào thì không phải ai cũng biết.

Nhiều người không phân biệt được nguyên quán, quê quán, sinh quán, trú quán khác nhau ở điểm nào...

Nguồn gốc của nguyên quán và quê quán

Bộ Công an sử dụng nguyên quán trong các giấy tờ về cư trú như Sổ hộ khẩu, Bản khai nhân khẩu, Giấy chuyển hộ khẩu… và chứng minh nhân dân. Còn quê quán được Bộ Tư pháp dùng trong Giấy khai sinh.

Tuy nhiên, ngay chính Bộ Công an cũng không có sự đồng nhất trong việc dùng 2 thuật ngữ này. Cụ thể:

Đối với sổ hộ khẩu:

- Từ ngày 20/01/2011, Thông tư 52/2010/TT-BCA có hiệu lực, trên sổ hộ khẩu mục nguyên quán được thay bằng quê quán;

- Từ ngày 28/10/2014, mục quê quán được đổi lại là nguyên quán theo Thông tư 36/2014/TT-BCA.

Đối với chứng minh nhân dân:

- Từ ngày 11/12/2007, Nghị định 170/2007/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 05/1999/NĐ-CP, trên mẫu chứng minh nhân dân (9 số) mới không còn ghi nguyên quán mà được thay bằng quê quán.

- Sau đó, chứng minh nhân dân 12 số (từ ngày 1/7/2012) và thẻ Căn cước công dân (từ ngày 1/1/2016) đều dùng là quê quán.

Cho tới nay nguyên quán và quê quán được dùng song song. Các loại biểu mẫu về cư trú vẫn sử dụng mục nguyên quán còn thẻ Căn cước công dân và giấy khai sinh thì dùng quê quán.

Sổ hộ khẩu, Bản khai nhân khẩu, Giấy chuyển hộ khẩu… đang có những cách ghi khác nhau, đôi khi cũng "làm khó" người dân?

Cách phân biệt nguyên quán và quê quán dễ nhất

Theo đó, quê quán và nguyên quán đều được hiểu là “quê”, nguồn gốc, xuất xứ của công dân. Tuy nhiên, nguyên quán và quê quán không giống nhau hoàn toàn.

Hiểu một cách đơn giản nhất, nguyên quán của một người được xác định căn cứ theo nguồn gốc, xuất xứ (nơi sinh) của ông bà nội hoặc ông bà ngoại.

Còn quê quán của một người thì xác định theo nguồn gốc, xuất xứ của cha mẹ. Như vậy, nguyên quán được xác định sâu và xa hơn so với quê quán.

Cách ghi quê quán trong giấy khai sinh năm 2019

Quê quán của người được đăng ký khai sinh được xác định theo quy định tại Khoản 8 Điều 4 của Luật Hộ tịch.

Do đó, quê quán của người được khai sinh sẽ xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ theo thỏa thuận của cha, mẹ hoặc theo tập quán được ghi trong tờ khai khi đăng ký khai sinh.

Như vậy, quê quán ghi trong giấy khai sinh sẽ được xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ theo thỏa thuận của cha mẹ hoặc theo tập quán.

Khi ghi quê quán trong Tờ khai đăng ký khai sinh của con, cha hoặc mẹ căn cứ vào các giấy tờ hộ tịch có ghi quê quán của mình để xác định quê quán của con.

Trường hợp đứa trẻ đươc sinh ra mà không xác định được cha hoặc mẹ (bị bỏ rơi, mồ côi, cha mẹ đơn thân...), quê quán của đứa bé sẽ được xác định theo nơi sinh và được ghi nhận trong giấy khai sinh.

Nam Phương (tổng hợp)

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/cach-phan-biet-nguyen-quan-va-que-quan-de-nhat-post302454.info