Cách nào nâng cao chất lượng xe buýt?

Thời gian qua, các địa phương đã có nhiều chính sách khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng, đặc biệt là xe buýt.

Tuy nhiên, xe buýt vẫn chưa được người dân ưu tiên sử dụng. Mới đây, dư luận nóng lên với câu chuyện một doanh nghiệp xe buýt ở Hà Nội xin trả lại tuyến; rồi một loạt đơn vị kinh doanh vận tải xe buýt tại TP Hồ Chí Minh “đồng thanh” kêu lỗ vì không có khách hàng.

Hành khách tại Hà Nội chờ đi xe buýt. Ảnh: BẢO LINH

Hành khách tại Hà Nội chờ đi xe buýt. Ảnh: BẢO LINH

Nguyên nhân khiến khách hàng chưa mặn mà với xe buýt là do chất lượng xe xuống cấp; chưa bảo đảm thời gian di chuyển; hạ tầng giao thông tiếp cận xe buýt chưa thuận lợi và thái độ phục vụ của nhân viên xe buýt có nơi, có lúc chưa đúng mực; vẫn còn tệ nạn móc túi, quấy rối trên xe.... Nói như ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện của Quốc hội, dịch vụ của xe buýt chưa tạo được sự yên tâm cho người dân. “Nếu xe buýt đưa ra được những yếu tố hấp dẫn, người dân sẽ ưu tiên lựa chọn sử dụng, nếu vẫn giữ tình trạng như hiện nay thì hoạt động của xe buýt thực sự khó khăn”, ông Lưu Bình Nhưỡng nêu rõ.

Xe buýt là một trong những phương thức vận tải công cộng hiệu quả, góp phần giải quyết ách tắc giao thông tại các đô thị lớn, giảm chi phí đi lại cho người dân. Vì vậy, yêu cầu đặt ra với các địa phương, doanh nghiệp cần sớm đổi mới, nâng cao chất lượng hệ thống xe buýt. Đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng của xe buýt, ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, muốn tạo điều kiện cho phương tiện vận tải công cộng phát triển thì khi quy hoạch đô thị phải quan tâm đến giao thông và phải tuân thủ nghiêm theo quy hoạch. “Quy hoạch các dự án đô thị lúc đầu chỉ cho phép xây dựng các tòa nhà vài tầng, nhưng sau được điều chỉnh làm mấy chục tầng thì hạ tầng giao thông nào chịu nổi”, ông Nguyễn Văn Thanh nhấn mạnh.

Nhìn ở góc độ khác, có ý kiến cho rằng cần phải xem xét lại cơ chế quản lý nói chung và cách thức trợ giá xe buýt nói riêng để cải thiện chất lượng dịch vụ xe buýt, tạo sự bình đẳng cho các doanh nghiệp vận tải. Thực tế thời gian qua cho thấy, có những địa phương mỗi năm chi hàng nghìn tỷ đồng để trợ giá nhưng xe buýt vẫn kêu lỗ, trong khi đó lại có địa phương 100% xe buýt không được trợ giá nhưng "sống khỏe". Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, so với số tiền đầu tư hàng nghìn tỷ đồng ngân sách mỗi năm và những gì thu được, đã đến lúc đặt ra câu hỏi: Có nên tiếp tục trợ giá cho xe buýt hay không? Trợ giá cách nào mới hiệu quả? Theo ông Nguyễn Sỹ Dũng, hướng trợ giá hiệu quả là dịch vụ phục vụ người dân tốt hơn thì được trợ giá nhiều hơn. Có cùng cách nhìn nhận, đứng ở góc độ doanh nghiệp đang vận hành hiệu quả các tuyến xe buýt không có trợ giá, ông Đào Viết Ánh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xe khách Phương Trang cho rằng, các địa phương cần tổ chức đấu thầu nhằm kêu gọi doanh nghiệp vận tải tham gia. Những tuyến kém phải yêu cầu doanh nghiệp đổi mới và cải thiện dịch vụ, nếu hết thời hạn không thực hiện thì thu hồi để các doanh nghiệp uy tín tham gia.

MINH ĐỨC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/tin-tuc/cach-nao-nang-cao-chat-luong-xe-buyt-701354