Các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long: Nỗ lực gỡ 'thẻ vàng' EC

Thời điểm này, các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang gấp rút xử lý những tồn đọng để góp phần gỡ 'thẻ vàng' từ EC.

Phương tiện khai thác thủy sản trên vùng biển Cà Mau.

Phương tiện khai thác thủy sản trên vùng biển Cà Mau.

Dự kiến cuối tháng 5/2024, Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ đến kiểm tra tình hình, kết quả thực hiện công tác phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) tại một số địa phương ở Việt Nam. Thời điểm này, các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang gấp rút xử lý những tồn đọng để góp phần gỡ “thẻ vàng” từ EC.

Tồn đọng cần tháo gỡ

Cà Mau là một trong 28 tỉnh, thành phố ven biển của Việt Nam, có diện tích vùng biển rộng khoảng 80 nghìn km2, với đường bờ biển dài hơn 254 km. Đây là một trong 4 ngư trường trọng điểm đánh bắt hải sản của cả nước.

Hiện toàn tỉnh có hơn 4.000 tàu cá được cấp giấy phép hoạt động, trong đó có hơn 1.500 tàu có chiều dài từ 15m trở lên đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt tỉ lệ 100%.

Điểm nổi bật của tỉnh là đã triển khai thực hiện Hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử (eCDT VN) theo hướng dẫn của Cục Thủy sản. Đến nay, đã phê duyệt 690/693 yêu cầu cập, rời cảng trên Hệ thống eCDT VN.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được Cà Mau còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong chống khai thác IUU. Tính đến ngày 8/5/2024 toàn tỉnh có 147 tàu cá mất tín hiệu kết nối trên 10 ngày. Số tàu cá đã hết hạn giấy phép khai thác thủy sản chiếm tỷ lệ hơn 24%.

Số lượng tàu cá hết hạn đăng kiểm chiếm trên 17%. Toàn tỉnh còn hơn 440 tàu cá “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không giấy phép khai thác); có gần 100 tàu cá đã sang bán có hợp đồng công chứng nhưng chưa sang tên...

“Đối với tàu cá trễ hạn giấy phép khai thác thủy sản, chủ tàu buộc phải ký cam kết ngưng hoạt động, tàu đậu tại bến, địa phương chụp hình ảnh tàu (có tọa độ và thời gian) lưu vào file số hóa IUU của tỉnh (Google Sheet). Tuy nhiên, hồ sơ đã số hóa chỉ đạt tỷ lệ trên 41,5%.

Việc số hóa hồ sơ đăng kiểm trễ hạn thời gian qua chưa có chủ trương và hướng dẫn thực hiện. Hơn nữa, tàu cá hết hạn đăng kiểm luôn biến động theo từng ngày, nên việc số hóa tàu cá hết hạn đăng kiểm phải làm liên tục. Địa phương rất khó có thể đủ nguồn nhân lực, kinh phí thực hiện”, đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau chia sẻ.

Tỉnh Kiên Giang cũng là địa phương ven biển ở ĐBSCL có đông phương tiện khai thác thủy sản với gần 4.000 tàu khai thác xa bờ. Tuy nhiên, tỉnh vẫn tồn tại tàu cá “3 không”; tàu cá mất kết nối; tàu cá từ 15m trở lên không cập cảng chỉ định nên chưa giám sát được 100% sản lượng thủy sản khai thác bốc dỡ qua cảng...

Dù thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức, thế nhưng tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài ở 2 tỉnh Cà Mau và Kiên Giang vẫn còn tiếp diễn. Năm 2023, tỉnh Cà Mau có 10 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

Từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng chức năng tỉnh đã phát hiện, xử phạt 73 vụ vi phạm về khai thác thủy sản với số tiền trên 5,2 tỷ đồng. Đối với tỉnh Kiên Giang, số tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài năm 2023 là 22 tàu. Quý I/2024, lực lượng chức năng tỉnh đã xử lý 250 vụ và ban hành 250 quyết định xử phạt vi phạm hành chính về khai thác IUU với số tiền 3,3 tỷ đồng.

Bộ đội Biên phòng Cà Mau tuyên truyền ngư dân chấp hành tốt quy định trong khai thác hải sản.

Bộ đội Biên phòng Cà Mau tuyên truyền ngư dân chấp hành tốt quy định trong khai thác hải sản.

Quyết tâm gỡ “thẻ vàng”

Huyện Trần Văn Thời là một trong những địa phương của tỉnh Cà Mau có nhiều cửa biển, trong đó có cửa biển Sông Đốc với hơn 1.000 phương tiện khai thác thủy sản thường xuyên ra, vào.

Ông Hồ Song Toàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời cho biết, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành, đơn vị liên quan tập trung quyết liệt nhiệm vụ giám sát, số hóa theo quy định.

Tại khu vực cửa biển Sông Đốc, huyện chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo, tổ công tác đặc biệt, phân chia thành 5 tổ, mỗi tổ 7 thành viên thực hiện việc rà soát số hóa đăng ký, đăng kiểm, tàu mất kết nối,… cập nhật trên hệ thống.

Đồng thời, huyện tích cực tuyên truyền ngư dân, thuyền trưởng thực hiện nghiêm theo quy định việc đăng ký, đăng kiểm quản lý tàu cá gần và đã hết hạn đăng ký; thực hiện sang tên đổi chủ tàu cá theo quy định; tiếp tục phối hợp với lực lượng biên phòng, cảng cá để kiểm soát chặt chẽ số lượng tàu cá ra, vào cảng.

“Cán bộ, chiến sĩ của đơn vị vừa thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát; giám sát, truyền thông trên biển, vừa túc trực 24/24h kiểm tra, theo dõi tại trung tâm giám sát nhằm kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm và triệt để các vụ vi phạm về khai thác IUU.

Cảng cá Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau).

Cảng cá Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau).

Chúng tôi tích cực tuyên truyền bằng nhiều hình thức để nâng cao nhận thức ngư dân trong khai thác hải sản đúng quy định, phối hợp với các địa phương quản lý, giám sát chặt chẽ những tàu mất kết nối, đảm bảo xử lý kịp thời theo quy định”, Thượng tá Lê Đình Sơn, Phó Chỉ huy trưởng, kiêm Tham mưu trưởng, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau cho biết.

Nói về giải pháp chống khai thác IUU của địa phương, ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết, tỉnh tiếp tục thực hiện tốt kế hoạch phối hợp với các lực lượng vũ trang, các địa phương giáp ranh, tăng cường tuần tra, kiểm soát, phòng chống, xử lý khai thác IUU tại vùng khơi, vùng biển chồng lấn, chưa được phân định giữa Việt Nam và các nước trong khu vực.

“Kiên Giang đang tập trung nỗ lực thực hiện tốt các nhóm khuyến nghị của EC trước đó, triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý chặt chẽ và xử lý dứt điểm đối với nhóm tàu cá “3 không”; tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tàu cá xuất, nhập bến tại các Đồn/Trạm kiểm soát Biên phòng trên địa bàn, xử lý nghiêm, không cho xuất bến các tàu cá không đủ điều kiện nhằm góp phần cùng cả nước tháo gỡ thẻ vàng EC”, ông Toàn chia sẻ.

“Khẩn trương khắc phục tồn đọng, chuẩn bị chu đáo nội dung, kế hoạch đón và làm việc với Đoàn Thanh tra của EC lần này không chỉ thể hiện quyết tâm tháo gỡ “thẻ vàng”, mà còn hướng tới mục tiêu lâu dài về khai thác và bảo vệ nguồn lợi hải sản trên vùng biển. Cần xác định đây là nhiệm vụ dài hơi, phải có sự vào cuộc đồng bộ, thường xuyên, liên tục từ các ngành, các cấp, lực lượng chức năng. Trọng tâm là nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống khai thác IUU, vì sự phát triển bền vững của ngành thủy sản Việt Nam và vì sinh kế của ngư dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử

Quách Mến

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/cac-tinh-ven-bien-dong-bang-song-cuu-long-no-luc-go-the-vang-ec-post683436.html