Các nước Baltic có thể gửi quân tới Ukraine nếu Nga tạo được bước ngoặt?
Các nghị sĩ khối Baltic tuần trước cảnh báo giới chức Đức rằng chính phủ của họ sẵn sàng gửi quân tới Ukraine nếu Nga đạt được những thành quả lớn trên thực địa, theo tờ Der Spiegel.
Những quan chức này nói rằng nếu Moscow giành được thắng lợi đáng kể trên thực địa ở miền Đông Ukraine, chính phủ các nước Baltic (gồm Litva, Estonia và Latvia) có thể đưa quân tham gia xung đột tại đây trước khi Nga triển khai binh sĩ của mình tới biên giới các nước này, vẫn theo Der Spiegel.
Thái độ cứng rắn của khối Baltic cận kề Nga
Tờ báo Đức Der Spiegel hôm 26/5 đưa tin về lời cảnh báo của các quan chức Baltic liên quan vấn đề Ukraine trong quá trình họ trao đổi với các đại diện của Đức tại Hội nghị Lennart Meri tổ chức ở Tallinn, Estonia.
Der Spiegel không nêu tên các quan chức cũng như tên các nước cụ thể mà họ đại diện (trong khối 3 nước Baltic), nhưng tờ báo này cho biết các vị đó bày tỏ quan ngại về chính sách hiện tại của Thủ tướng Đức Scholz đối với xung đột Nga - Ukraine.
Thủ tướng Scholz từ chối cho phép Ukraine sử dụng vũ khí mà Đức cung cấp để thực hiện tấn công vào lãnh thổ Nga, nhất quán với quan điểm của Mỹ không cho phép Kiev sử dụng vũ khí viện trợ để tấn công vượt ra ngoài biên giới của Ukraine.
Der Spiegel đưa tin, các quan chức Baltic quan ngại rằng những chính sách như trên tạo ra nỗ lực nửa vời trong việc giúp đỡ Kiev, từ đó có thể tạo điều kiện cho Nga giành thế thượng phong trên chiến trường Ukraine.
Theo nhóm quan chức này, nếu kiềm chế với Nga thì điều đó có thể phản tác dụng, thậm chí tạo ra sự leo thang.
Tương tự Ukraine, các nước Baltic từng thuộc Liên Xô.
Các nước Baltic là những quốc gia lớn tiếng nhất trong NATO khi hối thúc phần còn lại của liên minh quân sự này tăng cường ủng hộ cho Ukraine với lo ngại Nga có thể mở rộng chiến dịch quân sự đặc biệt của mình ra xung quanh sau khi kiểm soát được Ukraine.
Gần đây giới chức Estonia gửi đi tín hiệu về khả năng triển khai binh sĩ quân đội của nước này vào các vị trí phi chiến đấu của Ukraine để người Ukraine có thể rảnh tay chiến đấu nơi tiền tuyến. Đã có những quan ngại rằng các động thái như vậy có thể làm xung đột Nga - Ukraine leo thang nhanh thành một cuộc chiến trực diện giữa NATO và Nga.
Tuy nhiên, một phát ngôn viên cho Bộ Quốc phòng Estonia nói với tờ Business Insider rằng nước này chưa thảo luận triển khai quân tới Ukraine để tham gia vai trò tác chiến chủ động.
“Ngày mai, các bộ trưởng quốc phòng EU sẽ thảo luận việc mở rộng phái đoàn huấn luyện của EU - EUMAM, mà cho tới nay đã huấn luyện các chiến binh Ukraine trên lãnh thổ EU” - người phát ngôn này nói, đề cập Phái đoàn Viện trợ quân sự Liên minh châu Âu ủng hộ Ukraine. “Việc thảo luận sẽ chủ yếu tập trung vào số lượng nhân lực được đào tạo. Tuy nhiên, thảo luận cũng đề cập địa điểm huấn luyện”.
Khi được Business Insider liên hệ, một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Ba Lan nói: “Chúng tôi hiện không xem xét ý tưởng gửi binh sĩBa lan tới Ukraine, do vậy chúng tôi rất khó bình luận về các tin tức trên”.
Cơ quan báo chí của bộ quốc phòng các nước Latvia và Litva chưa phản ứng trước đề nghị của Business Insider muốn họ bình luận ngoài giờ hành chính.
Vì sao nhóm láng giềng Baltic của Nga lại nhạy cảm đến vậy?
Những mối quan ngại mà tờ Der Spiegel phản ánh xuất hiện sau khi Nga phát động chiến dịch tấn công mới ở Đông Bắc Ukraine, tiến đánh thành phố Kharkov và đánh chiếm một số khu định cư ở khu vực xung quanh.
Trên mặt trận chính ở phía Đông, Ukraine đã và đang chật vật cản bước quân Nga trong nhiều tháng kể từ khi viện trợ quân sự của Mỹ cho họ sụt giảm rồi ngừng hẳn.
Cuối cùng gói viện trợ của Mỹ cũng được nối lại sau thời gian dài trì hoãn tại Quốc hội Mỹ. Tuy nhiên, Kiev nói rằng thiết bị của phương Tây thường đến quá muộn để có thể giúp Ukraine lật ngược tình thế trước Nga trên chiến trường.
Trong khi đó, Nga lại gây rúng động dư luận các nước láng giềng bằng một dự thảo đề xuất của Bộ Quốc phòng Nga về thay đổi biên giới trên biển với Phần Lan và Litva vào tháng 1/2025. Dự thảo này từng được tải lên một cổng dữ liệu luật pháp của Nga vào hôm 21/5 nhưng sau đó đã bị gỡ.
Hôm 26/5, 6 nước NATO (gồm Na Uy, Ba Lan, Phần Lan, Estonia, Lativa và Litva) cho hay họ đã xây dựng một “bức tường UAV” thống nhất, sử dụng các máy bay không người lái và những công nghệ tiên tiến hơn nữa để củng cố biên giới của mình.
Na Uy, Phần Lan, Estonia và Lativa chung biên giới trên bộ với phần đất liền của Nga. Còn Ba Lan và Litva chung biên giới trên bộ với Belarus - đồng minh thân cận của Nga.