Các học giả Đài Loan (Trung Quốc) tìm giải pháp cho vấn đề xã hội siêu già
Đài Loan (Trung Quốc) dự kiến sẽ bước vào xã hội siêu già năm 2025, tức là trung bình 5 người thì có 1 người trên 65 tuổi.
Dữ liệu dân số từ “Ủy ban Phát triển” của Đài Loan cho thấy, dân số Đài Loan trong độ tuổi từ 5-18 tuổi đã giảm từ 4,6 triệu người vào năm 2003 xuống còn 2,83 triệu người vào năm 2023, mức độ tăng trưởng -38%. Số người già (65-85 tuổi) trong cùng kỳ tăng từ 1,87 triệu lên 3,93 triệu người, với mức độ tăng trưởng 110%. Cách biệt giữa người trẻ tuổi và cao tuổi lên tới 1,1 triệu người, dự kiến đạt 3,04 triệu người vào năm 2033.
Đại học Sư phạm Đài Loan đã tổ chức một buổi họp báo vào ngày 12/8, đưa ra “khuyến nghị chính sách về giáo dục cho người trung niên và cao tuổi”, kêu gọi sớm đưa việc học tập hòa nhập vào nhóm người này, giúp họ có khả năng tự lập, duy trì sức khỏe thể chất và tinh thần.
Tân Hoa xã cho biết, khuyến nghị của Đại học Sư phạm Đài Loan đánh giá nhu cầu thị trường giáo dục Đài Loan đang chuyển dịch từ người đi học trong độ tuổi 5-18 tuổi sang người đi học ở độ tuổi 65-85 tuổi. Bất kể nhu cầu thị trường hay nhu cầu cá nhân, việc giáo dục cho người trung niên và cao tuổi (trên 55 tuổi) một cách tinh tế sẽ là trọng tâm phát triển giáo dục trong tương lai. Giáo dục có tác dụng bảo vệ đáng kể tình trạng thoái hóa não do tuổi tác, giúp làm chậm tốc độ suy giảm nhận thức và gián tiếp giảm chi phí chăm sóc lâu dài, cũng như nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ.
Phó Giáo sư Khoa Giáo dục xã hội Đại học Sư phạm Đài Loan Vương Nhã Linh cho rằng cần phải thúc đẩy giáo dục liên thế hệ, phá bỏ định kiến giữa người trung niên, người cao tuổi và thanh niên, đồng thời triển khai công tác đào tạo giáo viên cho người trung niên và cao tuổi, thành lập các cơ sở chăm sóc cộng đồng, thúc đẩy kết nối xã hội cho người trung niên và cao tuổi.
Đối với phương diện năng lực sinh hoạt và năng lực tự chủ, Giáo sư Viện Nghiên cứu Quản lý Thể thao, Giải trí và Khách sạn Đại học Sư phạm Đài Loan Liêu Ung đề xuất xây dựng một nền tảng giáo dục kỹ thuật số, mở các khóa đào tạo cải thiện việc phòng ngừa mất năng lực, mở rộng các hình thức vận động cho người trung niên và cao tuổi.
Liên quan đến vấn đề việc làm của người trung niên và cao tuổi, Giáo sư Tâm lý và tư vấn giáo dục, Đại học Sư phạm Đài Loan Điền Tú Lan cho rằng cần tích cực tạo sự hiểu biết thân thiện với nhóm người này, tăng cường giáo dục và chống phân biệt tuổi tác, xây dựng môi trường làm việc thân thiện cho người trung niên và cao tuổi, khuyến khích sự hợp tác giữa các thế hệ.
Đại học Sư phạm Đài Loan tuyên bố trong tương lai, trường sẽ mời nhiều học giả và chuyên gia có liên quan để cùng xây dựng các biện pháp, chương trình giáo dục hoàn thiện và tinh tế hơn dành cho người trung niên và cao tuổi, hỗ trợ nhóm người này tự phản hồi với xã hội thông qua các hoạt động học tập, thực hiện mục tiêu “già hóa tích cực”.