Các công ty và chính quyền ở Trung Quốc đổ xô áp dụng mô hình AI DeepSeek, nhiều người sợ mất việc

Hashtag 'hỏi DeepSeek liệu công việc của tôi có bị thay thế không' đang thịnh hành trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, thu hút gần 7,2 triệu lượt xem.

Từ các hãng viễn thông, nhà sản xuất ô tô, công ty môi giới đến cơ quan chính quyền địa phương ở Trung Quốc đang đổ xô tích hợp mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) DeepSeek vào dịch vụ của họ. Các cuộc thảo luận công khai ngày càng sôi nổi về việc liệu các mô hình AI đột phá này có gây ảnh hưởng đến việc làm và sinh kế hay không.

DeepSeek đã bùng nổ toàn cầu vào tháng 1, gây chấn động thị trường chứng khoán và đưa người sáng lập Lương Văn Phong vươn tầm quốc tế sau khi các mô hình AI mới nhất của công ty này có hiệu suất ngang bằng, thậm chí vượt các đối thủ hàng đầu Mỹ dù được đào tạo với chi phí thấp hơn nhiều.

Theo DeepSeek, mô hình ngôn ngữ lớn V3 của họ (ra mắt vào tháng 12.2024) đã được huấn luyện bằng 2.048 GPU (bộ xử lý đồ họa) Nvidia H800 trong vòng hai tháng. Đây không phải là loại chip AI hàng đầu của Nvidia. Ban đầu H800 được Nvidia phát triển như một sản phẩm giảm hiệu năng để vượt qua các hạn chế từ chính quyền Biden với mục đích bán cho thị trường Trung Quốc, song sau đó bị cấm theo lệnh trừng phạt của Mỹ.

Trong một bài viết về V3, DeepSeek tuyên bố rằng quá trình huấn luyện mô hình này chỉ tiêu tốn 2,8 triệu giờ GPU với chi phí 5,6 triệu USD, chỉ bằng một phần nhỏ thời gian và tiền bạc mà các công ty Mỹ bỏ ra cho các mô hình AI của họ.

R1, mô hình lập luận mã nguồn mở của DeepSeek được phát hành vào ngày 20.1, thể hiện năng lực tương đương sản phẩm tiên tiến từ OpenAI, Anthropic và Google, nhưng chi phí đào tạo thấp hơn đáng kể. Tuy nhiên, bài viết của DeepSeek về R1 không đề cập đến chi phí phát triển.

Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc trong các lĩnh vực khác nhau, gồm cả những thương hiệu lớn, đã tham gia vào xu hướng áp dụng mô hình AI DeepSeek trong bối cảnh niềm tự hào dân tộc gia tăng trước thành công của công ty có trụ sở ở thành phố Hàng Châu.

Ba hãng viễn thông lớn ở Trung Quốc là China Mobile, China Unicom và China Telecom đã tích hợp các mô hình AI DeepSeek, chủ yếu trong dịch vụ đám mây của họ. Những hãng sản xuất smartphone hàng đầu (Huawei, Vivo và Oppo) và tập đoàn công nghệ (Tencent, Alibaba, Baidu) cũng không nằm ngoài cuộc.

Ứng dụng nhắn tin Weixin (WeChat phiên bản Trung Quốc) của Tencent đã cho phép một số người dùng tìm kiếm thông qua mô hình AI DeepSeek. Trong khi Baidu cho biết sẽ liên kết công cụ tìm kiếm và chatbot AI Ernie Bot với DeepSeek.

Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc cũng hợp tác với DeepSeek. Hơn 20 hãng ô tô, từ công ty dẫn đầu thị trường xe điện BYD đến startup Leapmotor, đã công bố kế hoạch phát triển xe thông minh được trang bị tính năng AI của DeepSeek, theo trang SCMP.

Reuters đưa tin ít nhất 20 công ty môi giới và quản lý quỹ Trung Quốc đã bắt đầu tích hợp mô hình AI DeepSeek vào hoạt động kinh doanh của mình, có thể thay đổi cách họ tiến hành nghiên cứu, quản lý rủi ro, đưa ra quyết định đầu tư và tương tác với khách hàng.

Truyền thông Trung Quốc không đi sâu vào lý do tại sao các doanh nghiệp lại đổ xô sử dụng mô hình AI của DeepSeek.

Không muốn bị tụt lại phía sau, các chính quyền địa phương trên khắp Trung Quốc cũng đang tham gia vào làn sóng DeepSeek.

Tại tỉnh Quảng Đông, một số thành phố như Thâm Quyến, Quảng Châu và Đông Quan đã tích hợp ứng dụng AI của DeepSeek vào các dịch vụ chính quyền trực tuyến, theo SCMP.

Chính quyền Quảng Châu, thủ phủ của tỉnh Quảng Đông, áp dụng DeepSeek-R1 cùng các mô hình ngôn ngữ lớn khác cho phần cứng nội địa và sẽ sử dụng chúng để cải thiện các dịch vụ công như diễn giải chính sách và điều phối nhiệm vụ cho đường dây nóng chính quyền.

Quận Long Cảng của thành phố Thâm Quyến đã áp dụng R1vào ngày 8.2, trở thành chính quyền quận đầu tiên trong nước áp dụng rộng rãi mô hình hiệu suất cao, chi phí thấp của DeepSeek.

Ở những nơi khác, các buổi đào tạo đã được tổ chức để học cách khai thác mô hình AI như DeepSeek nhằm nâng cao hiệu quả làm việc.

Nhiều người sợ mất việc khi các công ty và chính quyền ở Trung Quốc đổ xô áp dụng mô hình AI DeepSeek - Ảnh: Reuters

Nhiều người sợ mất việc khi các công ty và chính quyền ở Trung Quốc đổ xô áp dụng mô hình AI DeepSeek - Ảnh: Reuters

AI sẽ thay thế hay hỗ trợ công việc?

Những động thái đó đã làm dấy lên lo ngại về tác động có thể xảy ra với việc làm và sinh kế.

Hồi đầu tháng 2, quận Phúc Điền ở thành phố Thâm Quyến đã triển khai các “công chức AI” đầu tiên dựa trên mô hình R1 của DeepSeek, theo truyền thông địa phương. Những AI này đang thực hiện các nhiệm vụ từ xử lý tài liệu, cung cấp dịch vụ công, quản lý tình trạng khẩn cấp đến xúc tiến đầu tư.

Theo các quan chức Phúc Điền, lực lượng lao động AI đã mang lại lợi ích đáng kể ngay lập tức, giảm thời gian cần thiết để tạo nội dung cá nhân hóa từ 5 ngày xuống chỉ còn vài phút, cắt giảm 90% thời gian kiểm toán và đạt độ chính xác trên 95% trong việc định dạng tài liệu.

Thông báo này đã gây ra cuộc tranh luận trên mạng xã hội Trung Quốc khi dân mạng thảo luận về việc liệu mô hình DeepSeek nói riêng và AI nói chung có sớm thay thế công việc của họ, ngay cả những nghề vốn được xem là “bát cơm sắt” hay không.

“Bát cơm sắt” trong tiếng Trung dùng để chỉ những nghề nghiệp có sự ổn định và bảo đảm việc làm lâu dài, thường gồm cả các công việc trong chính quyền và quân đội.

Hashtag “hỏi DeepSeek liệu công việc của tôi có bị thay thế không” đã trở thành xu hướng trên Weibo, thu hút gần 7,2 triệu lượt xem tính đến ngày 20.2.

“Tôi từng nghĩ rằng trong thời đại AI, ‘bát cơm sắt’ vẫn sẽ là ‘bát cơm sắt’. Nhưng giờ đây, sự ra mắt của một công chức AI đã hoàn toàn thay đổi quan điểm của tôi. Có vẻ không công việc nào là an toàn cả”, một người dùng Weibo viết.

“Vì chúng ta không thể ngăn làn sóng AI, có lẽ phải học cách đón nhận nó. Tôi nghĩ mọi người nên thử những công việc liên quan đến AI, vì dù sao nó cũng không biến mất sớm đâu”, người dùng Weibo khác bình luận.

Giữa các cuộc tranh luận, các quan chức Phúc Điền đã làm rõ rằng các nhân viên số này là “trợ lý” chứ không phải “công chức AI”.

Cao Tăng, Phó cục trưởng Cục Quản lý dữ liệu Dịch vụ chính quyền quận Phúc Điền, cho biết trong một bài viết rằng các trợ lý AI không thể tự đưa ra quyết định mà có một “người giám hộ” được chỉ định.

Ông Cao Tăng cũng mô tả những mô hình AI này có thể “hỗ trợ trong quản lý công”, nâng cao hiệu suất làm việc và giảm bớt gánh nặng ở cấp cơ sở.

Trả lời trang tin địa phương ECNS, chuyên gia Mạnh Thanh Quốc từ Đại học Thanh Hoa cho biết mô hình AI của DeepSeek có hiệu suất tốt với chi phí hợp lý, khiến nó trở thành lựa chọn khả thi để sử dụng trong các công việc chính quyền.

Ông cũng nói rằng vì là sản phẩm nội địa, mô hình AI DeepSeek có khả năng xử lý tiếng Trung tốt, phù hợp để sử dụng trong nước.

Vương Bằng, nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học xã hội Bắc Kinh, cho biết động thái của quận Phúc Điền là “nỗ lực tích cực nhằm chuyển đổi các công việc chính quyền theo hướng thông minh hóa”.

Ông nhận định rằng trong tương lai, sẽ có nhiều cơ quan chính quyền và tổ chức áp dụng AI để cải thiện hiệu quả làm việc và chất lượng dịch vụ.

Vương Bằng cho rằng lo ngại về việc AI sẽ hoàn toàn thay thế con người là không có cơ sở, ít nhất là ở thời điểm hiện tại.

Dù việc sử dụng AI có thể ảnh hưởng đến một số vị trí truyền thống, nhưng nó cũng sẽ tạo ra những cơ hội việc làm mới, ông nói.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/cac-cong-ty-va-chinh-quyen-o-trung-quoc-do-xo-ap-dung-mo-hinh-ai-deepseek-nhieu-nguoi-so-mat-viec-229542.html