Các công trình thủy điện trên bậc thang sông Đà đủ điều kiện chống lũ và tích nước
Ngày 27/6, đồng chí Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn khoa học và công nghệ đánh giá an toàn đập, hồ chứa trên bậc thang thủy điện Sông Đà, đã chủ trì phiên họp Hội đồng để đánh giá tình trạng an toàn của các thủy điện trên bậc thang thủy điện sông Đà, trước mùa mưa lũ năm 2022. Dự Phiên họp có lãnh đạo các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Lai Châu; các nhà máy thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Bản Chát, Huội Quảng.
Trên bậc thang sông Đà đã xây dựng và vận hành 5 công trình thủy điện lớn, gồm: Bản Chát, Huội Quảng, Lai Châu, Sơn La và Hòa Bình. Các nhà máy đều có đập cao đến 100m, một số nhà máy có vùng hồ rộng, dung tích hồ chứa lớn; hoạt động theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng. Trên cơ sở các số liệu quan trắc công trình và kết quả kiểm định an toàn đập, hồ chứa và các báo cáo của các cơ quan liên quan, Hội đồng tư vấn đánh giá các công trình thủy điện hiện đang hoạt động ổn định và an toàn. Các Công ty đã thực hiện công tác kiểm tra tổng thể, đánh giá an toàn đập, hồ chứa nước; sửa chữa và củng cố các hạng mục công trình, thiết bị; thực hiện các biện pháp chủ động phòng, chống, xử lý kịp thời các hư hỏng để bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước. Các công trình đủ điều kiện sẵn sàng tham gia chống lũ và tích nước năm 2022.
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đã đề nghị Tổ chuyên gia, Cơ quan thường trực Hội đồng tăng cường khảo sát thực tế, xem xét và đánh giá về các hiện tượng bất thường của đập và hồ chứa thủy điện trong hệ thống bậc thang thủy điện sông Đà trước và sau mùa lũ. Các công trình thủy điện cần tiếp tục theo dõi hiện tượng thấm, nứt, nhiệt độ bê tông trong thân đập để kịp thời đưa ra các giải pháp xử lý hiệu quả, xây dựng kế hoạch khảo sát đánh giá hiện trạng chất lượng công trình; nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào công tác kiểm tra, quan trắc đập, quan trắc khí tượng thủy văn để vận hành công trình hiệu quả, an toàn. Các bộ, ngành liên quan phối hợp, đề xuất với Chính phủ điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa theo hướng tiệm cận dần với thời gian thực; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi quy hoạch phòng lũ trên các sông; xem xét, đánh giá tác động tới lòng hồ, bờ hồ khi quyết định phê duyệt các dự án khai thác nạo vét cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường. Các địa phương cần thường xuyên quan tâm chỉ đạo việc quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn; tuân thủ các quy định về bảo vệ cảnh quan, môi trường nguồn nước; tăng cường tuyên truyền người dân trong công tác trồng và phát triển rừng, hạn chế dần đến cấm sử dụng các chất diệt cỏ, phá hủy môi trường, làm tăng bào mòn của đất, ảnh hưởng đến lượng nước của các hồ chứa.