Các cơ sở sử dụng điện năng trọng điểm chỉ cần tiết kiệm điện 2%/năm sẽ giảm được 4.000 tỷ đồng

Với hơn 3.000 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, chỉ cần mỗi đơn vị tiết kiệm 2% điện năng mỗi năm, toàn quốc có thể giảm trên 2 tỷ kWh - tương đương khoảng 4.000 tỷ đồng tiền điện.

Đó là thông tin tại Hội nghị “Sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trong giai đoạn nhu cầu phụ tải điện tăng cao năm 2025” do Bộ Công thương tổ chức ngày 11/4.

Theo Bộ Công thương, trong bối cảnh hiện nay, hệ thống điện quốc gia đang đối mặt với nhiều áp lực do nhu cầu phụ tải tăng cao, thời tiết cực đoan và tác động rõ nét của biến đổi khí hậu. Các mùa cao điểm 2023 - 2024 đã cho thấy nhiều thách thức trong việc đảm bảo cung ứng điện, buộc ngành năng lượng phải triển khai các giải pháp cấp bách nhằm đảm bảo an toàn hệ thống.

Bước sang năm 2025, áp lực tiếp tục gia tăng khi sản lượng tiêu thụ điện quý I/2025 đã đạt 72,2 tỷ kWh - con số phản ánh rõ yêu cầu cấp thiết về chuyển đổi sang mô hình quản lý phụ tải chủ động, hiệu quả và bền vững...

Thực tế cho thấy, dư địa tiết kiệm điện tại Việt Nam vẫn còn rất lớn. Theo khảo sát của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (VNEEP), tiềm năng kỹ thuật trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng có thể đạt tới 30%. Với hơn 3.000 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, chỉ cần mỗi đơn vị tiết kiệm 2% điện năng mỗi năm, toàn quốc có thể giảm trên 2 tỷ kWh - tương đương khoảng 4.000 tỷ đồng tiền điện.

Dự kiến năm 2025, sản lượng điện thương phẩm toàn quốc tăng 12,5% so với năm 2024, lên hơn 340 tỷ kWh. Nếu tiết kiệm được 2% tổng điện năng, cả nước sẽ giảm gần 7 tỷ kWh, tương đương sản lượng một nhà máy điện hơn 1.000 MW. Trong bối cảnh nguồn cung điện giai đoạn 2021 - 2025 chỉ đạt khoảng 56,7% so với kế hoạch và thời tiết diễn biến cực đoan do biến đổi khí hậu, tiết kiệm điện chính là giải pháp tự thân, bền vững để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Dư địa tiết kiệm điện tại Việt Nam vẫn còn rất lớn. Ảnh: TL

Dư địa tiết kiệm điện tại Việt Nam vẫn còn rất lớn. Ảnh: TL

Phát biểu tại hội nghị, ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Cục trưởng Cục Điện lực (Bộ Công thương) nhấn mạnh, cần đặt trọng tâm vào chuyển đổi từ nhận thức sang hành động thực chất trong việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Các chính sách, giải pháp cần đi vào thực chất, thông qua mô hình thí điểm, ứng dụng công nghệ, các cam kết cụ thể và sự phối hợp đồng bộ giữa các bên liên quan.

Theo ông Vũ, trọng tâm chương trình năm 2025 là đẩy mạnh các giải pháp công nghệ, tài chính và quản trị phù hợp với nhu cầu thực tiễn của từng nhóm khách hàng. Trong đó, nổi bật là các xu hướng mới như ứng dụng trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật trong giám sát và tối ưu hóa hệ thống sử dụng năng lượng. Các nội dung này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả tiết kiệm điện mà còn hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, giảm phát thải và thúc đẩy chuyển dịch xanh trong sản xuất – kinh doanh./.

Tại hội nghị, Bộ Công thương đã ra mắt Trang web Kiểm toán năng lượng nhanh - công cụ hỗ trợ doanh nghiệp tự đánh giá hiệu quả sử dụng điện và đề xuất giải pháp cải tiến.

Diệu Hoa

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/cac-co-so-su-dung-dien-nang-trong-diem-chi-can-tiet-kiem-dien-2nam-se-giam-duoc-4000-ty-dong-174396.html