Các chuyên gia Ðông Nam Á: Khó đạt COC cuối năm nay
Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Ðông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc khó có thể hoàn thành vào cuối năm nay, các chuyên gia Ðông Nam Á nhận định tại diễn đàn tổ chức ngày 9/2.
PGS Hoo Tiang Boon, điều phối viên chương trình Trung Quốc tại Trường Quốc tế học S. Rajaratnam (Singapore), cho rằng ASEAN và Trung Quốc kể cả đến cuối năm sau cũng khó có thể đạt được tiến triển thực chất nhằm quản lý căng thẳng trên Biển Đông. Ông Hoo nói rằng còn nhiều vấn đề chưa tìm được câu trả lời. “Ví dụ, đâu sẽ là cơ chế thực thi và giải quyết tranh chấp? Điều gì xảy ra nếu một bên bị coi là vi phạm quy tắc? Đó là những câu hỏi mà tôi không nghĩ là đã được giải quyết trong các thuộc bàn bạc”, South China Morning Post dẫn lời ông Hoo nói tại diễn đàn.
“Thà không có bộ quy tắc nào còn hơn một bộ quy tắc tồi”, ông Hoo nhấn mạnh. Ông cho rằng, Trung Quốc có thể hạn chế lựa chọn của các nước Đông Nam Á, và rằng một tình huống “miễn cho tất cả” sẽ xảy ra nếu bên nào đó vi phạm quy tắc. “Có quan điểm cho rằng Trung Quốc đang cố câu giờ để đàm phán kéo dài, trong khi cố thay đổi hiện thực”, ông Hoo nói về việc Trung Quốc quân sự hóa vùng biển tranh chấp. Từ quan điểm của Singapore, miễn là không có những sự cố hay va chạm bất ngờ dẫn đến khủng hoảng quân sự thì “mọi thứ vẫn ổn, ít nhất là thời điểm này”, ông Hoo nói.
Tàu chiến Trung Quốc tập trận bắn đạn thật trên Biển Ðông. Ảnh: SCMP
Ông Hoo là một trong 3 chuyên gia phát biểu tại diễn đàn trực tuyến về quan điểm của Đông Nam Á đối với tình hình khu vực do ĐH Georgetown (Mỹ) tổ chức. Bich T. Tran, một cộng sự tại chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS), nói rằng thà không có bộ quy tắc nào còn hơn một bộ quy tắc dựa vào “các điều khoản của Trung Quốc”.
Ông Renato Cruz De Castro, giáo sư nghiên cứu quốc tế tại ĐH De La Salle ở Manila, cho rằng nhân tố quan trọng nhất chính là việc Trung Quốc quân sự hóa và xây đảo trên Biển Đông. “Trung Quốc sẽ nói hãy đóng băng tình hình vì chúng tôi đã có các đảo rồi, chúng tôi đã biến Biển Đông thành ao nhà của Hải quân Trung Quốc rồi”, ông Cruz De Castro nói. Chuyên gia này cho rằng kế hoạch của Trung Quốc là đẩy Mỹ và Nhật Bản ra khỏi khu vực.
Dù Philippines hoan nghênh sự hiện diện của Mỹ, Úc, Anh và Nhật Bản ở khu vực, ông Cruz De Castro cho rằng điều này “sẽ hủy hoại kế hoạch của Trung Quốc hoặc các điều kiện cho COC”. “Chúng ta có muốn một bộ quy tắc hỗ trợ ASEAN, trong đó tất cả các cường quốc đều tham gia vào và cân bằng nhau? Hay một bộ quy tắc sẽ bảo đảm rằng cuối cùng chúng ta chỉ có một khách hàng, là Trung Quốc?”, ông Cruz De Castro nói.
Cuối năm ngoái, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói rằng Bắc Kinh hy vọng sẽ đẩy nhanh đàm phán COC. Dù bộ khung COC đã được đưa ra từ năm 2018 nhưng hai bên chưa đạt được nhiều tiến triển, chưa tìm được quan điểm chung hay cơ chế bảo đảm COC được triển khai hiệu quả. Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2022, Campuchia cam kết sẽ nỗ lực hoàn thành bộ quy tắc này vào cuối năm nay, nhưng nhiều người hoài nghi về mục tiêu đó.
Bộ tứ phối hợp chống lại “sự chèn ép”
Bộ trưởng Quốc phòng Úc Peter Dutton vừa cảnh báo rằng Canberra và các đồng minh sẽ thua trong thập kỷ tới nếu không hành động mạnh mẽ hơn để đối phó với Trung Quốc trên Biển Đông.
Trả lời phỏng vấn báo Sydney Morning Herald đầu tuần này, ông Dutton nói rằng, Mỹ và các đồng minh đã “chấp nhận và cho phép” Bắc Kinh tăng hiện diện trên Biển Đông trong thập kỷ qua. “Nếu chúng ta tiếp tục đi theo quỹ đạo đó, tôi nghĩ chúng ta sẽ thất bại trong thập kỷ tới. Tôi thấy tốt hơn chúng ta nên trung thực về điều đó”, ông nói.
Phát biểu được đưa ra trước khi diễn ra hội nghị của các ngoại trưởng của Bộ tứ, gồm Úc, Mỹ, Nhật và Ấn Độ tại Melbourne. Dù Washington đang bận rộn với cuộc khủng hoảng ở Ukraine, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden muốn thể hiện với thế giới rằng trọng tâm chiến lược dài hạn của họ vẫn ở châu Á - Thái Bình Dương, và đợt khủng hoảng lần này ở Ukraine không khiến Washington xao lãng khỏi những ưu tiên quan trọng nhất.
Phát biểu khi bắt đầu cuộc gặp song phương với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Ngoại trưởng Úc Marise Payne hôm qua cho biết hai bên sẽ bàn về các vấn đề hợp tác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, biến đổi khí hậu và COVID-19, cũng như về Trung Quốc, Triều Tiên và Ukraine. Ngày 10/2, ông Blinken nói rằng “Washington đang làm việc 24/7 để giải quyết khủng hoảng Ukraine”, nhưng tái khẳng định trọng tâm của Mỹ vẫn là Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, khu vực mà ông cho là sẽ định hình thế kỷ 21. “Điều quan trọng là chúng tôi có mặt, chúng tôi tham gia, chúng tôi sẽ dẫn dắt trên khắp khu vực này”, Ngoại trưởng Mỹ nói.
Hai ngoại trưởng Blinken và Payne cho biết nội dung trung tâm trong cuộc gặp của Bộ tứ sẽ là tạo nên một môi trường khu vực không có “sự chèn ép”, một cách nói hàm ý nhắc đến những tham vọng kinh tế và quân sự của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Reuters đưa tin.
Phát biểu với báo chí khi đang trên chuyến bay đến Melbourne, ông Blinken nói rằng Bộ tứ là một “cơ chế mạnh” để phân phối vắc xin trên khắp thế giới, cũng như để chống lại “sự hung hăng và chèn ép” ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Chuyến đi của ông Blinken diễn ra ít ngày sau khi Trung Quốc và Nga tuyên bố quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước là “không có giới hạn”.
Cuối năm ngoái, một cố vấn quân sự Trung Quốc nói rằng, Trung Quốc và ASEAN vẫn khác biệt quan điểm trong một số vấn đề tranh cãi liên quan COC. Theo ông Yao Yunzhu, một thiếu tướng nghỉ hưu của quân đội Trung Quốc, những tranh cãi đó bao gồm vấn đề liệu thỏa thuận có mang tính ràng buộc pháp lý, phạm vi các hoạt động địa lý và hàng hải, và vai trò của các cường quốc ngoài khu vực.