Cà Mau: Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp với sản phẩm thế mạnh của địa phương

Những năm gần đây, số lượng dự án khởi nghiệp, sản phẩm Chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' (OCOP) do phụ nữ tỉnh Cà Mau làm chủ thể ngày càng tăng.

 Bà Nguyễn Thị Ngọc Thúy (bìa phải) thăm cơ sở sản xuất của Hợp tác xã Ba Khía Đầm Dơi

Bà Nguyễn Thị Ngọc Thúy (bìa phải) thăm cơ sở sản xuất của Hợp tác xã Ba Khía Đầm Dơi

Chia sẻ về những hoạt động đã được Hội triển khai nhằm hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, bà Nguyễn Thị Ngọc Thúy, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Cà Mau, cho biết: "Thời gian qua, các cấp Hội trong tỉnh đã nỗ lực hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, khởi sự kinh doanh. Hội đã hỗ trợ 31 ý tưởng/dự án khởi nghiệp, kinh doanh của hội viên, phụ nữ tham gia thi tìm kiếm đầu tư tại Cuộc thi "Phụ nữ tự tin khởi nghiệp"; hỗ trợ 13 dự án khởi nghiệp tham gia cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa" do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức; hỗ trợ 75 ý tưởng khởi nghiệp tham gia cuộc thi "Ý tưởng/dự án sáng tạo khởi nghiệp" (CamaUp) tỉnh Cà Mau năm 2023. Bên cạnh đó, chúng tôi đã phối hợp tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động nữ nông thôn; xây dựng kế hoạch hỗ trợ sản phẩm của chủ thể nữ đạt chứng nhận sản phẩm OCOP, nâng hạng sản phẩm OCOP...

Trong năm 2023, Hội đã phối hợp hướng dẫn, hỗ trợ thủ tục và kiến thức kinh doanh cho 423 phụ nữ là chủ doanh nghiệp, quản lý hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ hộ sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ hơn 700 triệu đồng cho 85 phụ nữ khởi nghiệp; thành lập mới 5 hợp tác xã do phụ nữ quản lý, nâng tổng số đến nay là 17 hợp tác xã, với 193 thành viên và 136 tổ hợp tác với 1.530 thành viên. Chúng tôi đã tổ chức 5 lớp tập huấn cho 175 cán bộ Hội và nữ chủ thể các sản phẩm, tổ hợp tác, hợp tác xã về OCOP; phối hợp tổ chức 217 lớp tập huấn, dạy nghề cho 10.850 chủ doanh nghiệp, bộ phận quản lý hợp tác xã, tổ hợp tác, hội viên, phụ nữ về các nội dung như: Kiến thức thành lập và quản lý hợp tác xã, kinh tế tập thể, khởi sự doanh nghiệp, kiến thức marketing, kỹ năng bán hàng, tìm hiểu thị trường, kỹ năng lập kế hoạch... đồng thời, giới thiệu việc làm cho 4.772 lao động nữ".

PV: Bà có thể chia sẻ cụ thể về một số mô hình khởi nghiệp đã bứt phá nhờ sự tiếp sức của Hội?

Bà Nguyễn Thị Ngọc Thúy: Một trong những mô hình phụ nữ khởi nghiệp hiệu quả từ tài nguyên bản địa do Hội LHPN tỉnh hỗ trợ là Hợp tác xã Ba Khía Đầm Dơi. Từ nguồn nguyên liệu ba khía dồi dào của Cà Mau, em Trần Thị Xa (ở ấp Cây Kè, xã Quách Phẩm Bắc, huyện Đầm Dơi) đã mạnh dạn đưa ra ý tưởng phát triển các sản phẩm từ con ba khía. Ý tưởng này đã đạt 2 giải Nhất các cuộc thi "Ý tưởng, dự án sáng tạo khởi nghiệp" của tỉnh và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2020. Từ số tiền thưởng 50 triệu đồng, em Trần Thị Xa đã từng bước hiện thực hóa ý tưởng của mình, tiến đến thành lập hợp tác xã mang tên Ba Khía Đầm Dơi và xây dựng được thương hiệu cho nhiều sản phẩm chế biến từ con ba khía, tôm Cà Mau. Năm 2023, Hội LHPN tỉnh đã hỗ trợ hợp tác xã nâng hạng 4 sản phẩm OCOP từ 3 sao lên 4 sao, gồm: Mắm tôm chua ngọt, Riêu ba khía, Ba khía trộn sẵn, Ba khía muối.

PV: Những khó khăn trong quá trình hỗ trợ phụ nữ địa phương khởi nghiệp hiện nay là gì, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Ngọc Thúy: Hiện nay, phụ nữ ở khu vực nông thôn chiếm tỷ lệ cao, đa số chị em trình độ học vấn thấp, hạn chế về thông tin thị trường, ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật. Do thiếu điều kiện để được tiếp cận các chính sách hỗ trợ, đầu ra thiếu ổn định, bấp bênh về giá nên nhiều chị em còn ngại khởi nghiệp hoặc ngại đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, các sản phẩm khởi nghiệp còn đơn điệu, sức cạnh tranh thấp. Dẫu còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi luôn nỗ lực đồng hành, động viên chị em kiên trì, theo đuổi mục tiêu đến cùng.

PV: Xin cảm ơn bà!

Phạm Thương (Thực hiện)

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/ca-mau-ho-tro-phu-nu-khoi-nghiep-voi-san-pham-the-manh-cua-dia-phuong-20240521160945208.htm