Bước qua gian nan, lạc quan năm mới

Sau những gian nan, khó khăn của năm 2021, năm 2022 mở ra với những cơ hội mới, động lực mới để Việt Nam tăng tốc đưa nền kinh tế phục hồi và phát triển, bắt kịp với thế giới và với mục tiêu đề ra của chính mình. Song, để làm được điều này đòi hỏi phải đổi mới, không chần chừ, hành động nhanh chóng với những giải pháp mạnh mẽ. Đây là quan điểm của TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương (CIEM) trong cuộc trao đổi với phóng viên TBTCVN.

PV: Thưa ông, bước sang năm mới 2022, nhìn lại năm cũ vừa qua, ông có cảm nhận gì?

TS. Nguyễn Đình Cung: Nhìn lại năm 2021 vừa qua với rất nhiều biến động, cảm nhận chung của tôi là buồn nhiều hơn vui. Hàng chục nghìn người đã ra đi vì Covid-19, cuộc sống của hàng triệu người rơi vào khó khăn, hàng trăm nghìn doanh nghiệp đóng cửa, giải thể… Hình ảnh của các bệnh nhân và bác sĩ vật lộn chống chọi ngày đêm với dịch bệnh trong các bệnh viện, hàng chục nghìn người dân nghèo tháo chạy khỏi thành phố về quê nhà… là những dấu ấn khó quên về những thời khắc cam go của đại dịch này.

TS. Nguyễn Đình Cung

Bên cạnh nỗi buồn vì những mất mát, tôi cũng thấy nuối tiếc vì còn có những phản ứng chính sách chưa kịp thời, chưa mạnh mẽ. Đáng lẽ đây cũng là cơ hội nếu những chính sách phản ứng, hỗ trợ kịp thời để phục hồi, kích thích tăng trưởng, nhưng do chậm nên dư địa thời gian nay còn rất ít. Điều này khiến hiệu lực, tiềm năng phục hồi khó có được hiệu quả lớn bằng như trước. Như vậy, ta không những lỡ nhịp mà còn có thể đi sau trong quá trình phục hồi. Điều này khiến áp lực tăng trưởng, giải quyết những vấn đề đại dịch gây ra khó khăn hơn nhiều.

Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chưa từng có này, điểm sáng đáng ghi nhận là kinh tế vĩ mô chúng ta vẫn giữ được ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được đảm bảo.

Bước sang năm mới, những điểm sáng để lạc quan là năm 2022 chúng ta sẽ mở cửa dứt khoát cho kinh tế phục hồi. Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sẽ được triển khai với nhiều giải pháp đồng bộ về tài khóa, tiền tệ, đầu tư công…

Cùng với đó là những cải cách môi trường kinh doanh đang được thúc đẩy trở lại, kết hợp với nhu cầu bị kìm nén lâu nay sẽ bùng lên tạo thành sức bật cho nền kinh tế. Về chống dịch, chúng ta đã và sẽ có đủ vắc-xin, kể cả cho mũi thứ ba. Kinh nghiệm chống dịch đã dày dạn hơn nhiều, từ đó hy vọng quá trình mở cửa sẽ tự tin, dứt khoát hơn, không rụt rè, ngắt quãng như trước, mang lại niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp.

PV: Với năm 2022, ông cho rằng đâu là những vấn đề cần được lưu ý trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội?

TS. Nguyễn Đình Cung: Năm 2022, dự báo tình hình dịch Covid-19 trên toàn cầu vẫn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, với độ phủ của vắc-xin, các nước, trong đó có Việt Nam sẽ mở cửa dần nền kinh tế. Những yếu tố thuận lợi cho phục hồi, ngoài những điều tôi đã nói ở trên, còn là nhu cầu về hàng hóa xuất khẩu từ nước ta vẫn ở mức cao. Các hiệp định thương mại tự do sẽ tiếp tục phát huy tác dụng, nhất là EVFTA và UVFTA…

Trong quá trình mở cửa, phục hồi kinh tế, có một số điểm cần lưu ý như là ngành dịch vụ như du lịch, ăn uống, lưu trú, giải trí chưa hoàn toàn hồi phục. Mở cửa hàng không và du lịch quốc tế vẫn thận trọng. Nguy cơ phong tỏa, giãn cách xã hội trên diện hẹp vẫn có thể xảy ra ở một số nơi; nguy cơ đánh giá mức độ dịch thiếu thống nhất giữa các địa phương dẫn đến áp dụng và thực thi không thống nhất các quy định của trung ương về phòng, chống dịch vẫn còn…, điều này làm tăng mức độ khó dự đoán trong mở cửa lại nền kinh tế.

Thị trường lao động đứt gãy, có những nơi sẽ thiếu hụt lao động trong khi tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm vẫn ở mức cao. Cầu tiêu dùng trong nước vẫn phục hồi chậm, nếu không có gói tài khóa đủ lớn, đủ nhanh và hiệu quả để phục hồi và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế. Đầu tư tư nhân trong nước phục hồi chậm, FDI chưa phục hồi như trước đại dịch…

Tăng trưởng kinh tế năm 2022 theo mục tiêu kế hoạch và một số dự báo gần đây khoảng 6 - 6,5%. Trong khi đó, tăng trưởng năm 2021 chỉ đạt khoảng 2%. Diễn biến tăng trưởng của 3 kỳ chiến lược cho thấy xu hướng tăng trưởng kinh tế nước ta giảm dần là rất rõ nét. Điều này đặt ra yêu cầu và áp lực đổi mới, hành động nhanh, mạnh hơn bao giờ hết để có thể đạt mục tiêu nhiệm kỳ 2021 - 2025.

PV: Trước áp lực như vậy, theo ông đâu là những giải pháp cần được tập trung để chúng ta vượt qua những khó khăn, đưa kinh tế phục hồi và phát triển trong năm 2022?

TS. Nguyễn Đình Cung: Quốc hội, Chính phủ đã thông qua nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Đề án tái cơ cấu kinh tế chuyển đổi mô hình tăng trưởng giai đoạn 2021 - 2025 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2022. Tuy vậy, các mục tiêu, chủ trương và giải pháp đã đề ra có thể là chưa đủ để đạt được mục tiêu nhiệm kỳ, trước hết là mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, rất cần có các giải pháp mạnh mẽ hơn, khác biệt hơn, quyết liệt hơn bổ sung cho các giải pháp đã có.

Nền tảng kinh tế vĩ mô của nước ta liên tục được củng cố và vững mạnh hơn nhiều so với 10 năm trước và tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là một trong các nhiệm vụ. Tuy vậy, trong bối cảnh hiện nay, nên có điều hành một cách linh hoạt theo hướng cân bằng cho cả nhiệm kỳ hơn là hàng năm.

Theo đó, bội chi ngân sách cả nhiệm kỳ có thể vẫn giữ như mục tiêu là 4% GDP, nhưng có thể điều chỉnh năm 2022 khoảng 6 - 7%, năm 2023 là 5% và sau đó, giảm dần về 3% năm; cũng tương tự lạm phát cả nhiệm kỳ là 4%, nhưng năm 2022 có thể chấp nhận mức cao hơn các năm còn lại,... Điều hành theo hướng đó tạo dư địa để có được một chương trình phục hồi và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng ít nhất 2 năm 2022 - 2023.

Thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt theo hướng hỗ trợ tăng trưởng, cụ thể là: bảo đảm đủ thanh khoản cho nền kinh tế; giữ ổn định lãi suất chính sách, đồng thời có giải pháp giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh; theo dõi sát diễn biến chính sách tiền tệ của các đối tác lớn và thị trường thế giới để có điều chỉnh phù hợp.

Cùng với đó, mở cửa dứt khoát thị trường; tiếp tục các nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh; đẩy mạnh cải cách, khôi phục lại và nâng cao hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), để DNNN trở lại là một động lực tăng trưởng của nền kinh tế. DNNN không thể phát triển nếu cứ ở trong “chiếc lồng hành chính quan liêu”, đứng ngoài dòng chảy chính của kinh tế toàn cầu là cạnh tranh thị trường.

PV: Xin cảm ơn ông!

Cải thiện môi trường kinh doanh, mở cửa dứt khoát thị trường

“Mở cửa dứt khoát thị trường; tiếp tục các nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh; đẩy mạnh cải cách, khôi phục lại và nâng cao hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), để DNNN trở lại là một động lực tăng trưởng của nền kinh tế. DNNN không thể phát triển nếu cứ ở trong “chiếc lồng hành chính quan liêu”, đứng ngoài dòng chảy chính của kinh tế toàn cầu là cạnh tranh thị trường”.

TS. Nguyễn Đình Cung

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/buoc-qua-gian-nan-lac-quan-nam-moi-99330.html