Bước đầu tiên trong tái thiết Dải Gaza

Trong quá trình hướng tới việc tái thiết Dải Gaza, Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) cùng Tổ chức xây dựng và quốc tế tại Palestine đã ký kết Bản ghi nhớ (MoU) trị giá 80 triệu USD. Đây là thỏa thuận tái thiết đầu tiên kể từ khi lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas có hiệu lực.

Đáp ứng nhu cầu cứu trợ khẩn cấp

Thông báo từ Chính phủ Palestine nêu rõ, thỏa thuận được ký kết ngày 10-2 tại thành phố Ramallah sẽ tập trung vào nhiều hoạt động then chốt, bao gồm đánh giá mức độ thiệt hại, dọn dẹp đống đổ nát tại các khu vực trọng điểm và rà phá bom mìn còn sót lại sau xung đột. Một phần quan trọng của dự án là việc thiết lập các trung tâm trú ẩn tạm thời được trang bị đầy đủ cơ sở hạ tầng và dịch vụ thiết yếu cho người dân Gaza.

Thủ tướng Palestine Mohammad Mustafa nhấn mạnh tầm quan trọng của MoU trong việc hỗ trợ các nỗ lực của chính phủ nhằm đáp ứng nhu cầu cứu trợ khẩn cấp tại Gaza. Ông cũng tiết lộ kế hoạch tổng thể của chính phủ bao gồm ba giai đoạn: chương trình 6 tháng để giải quyết tình hình cấp bách; kế hoạch 3 năm chuyển đổi từ cứu trợ sang phục hồi kinh tế; chiến lược tái thiết toàn diện kéo dài 10 năm với sự hợp tác của Ngân hàng Thế giới (WB), Liên minh châu Âu (EU) và Liên hợp quốc (LHQ).

 Những tòa nhà của người dân bị phá hủy trong cuộc tấn công trên không và trên bộ của Israel tại Bureij, trung tâm Dải Gaza. Ảnh: Times of Israel

Những tòa nhà của người dân bị phá hủy trong cuộc tấn công trên không và trên bộ của Israel tại Bureij, trung tâm Dải Gaza. Ảnh: Times of Israel

Theo báo cáo mới nhất từ Cơ quan hỗ trợ người tị nạn Palestine của LHQ (UNRWA), làn sóng di dời các cộng đồng người Palestine tại khu vực phía bắc Bờ Tây đang diễn ra với tốc độ đáng báo động.

Trong cuộc phỏng vấn với Fox News được công bố hôm 10-2, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, người Palestine sẽ không có quyền hồi hương về Dải Gaza theo kế hoạch tiếp quản của Mỹ, đồng thời mô tả đề xuất này như một “dự án phát triển bất động sản cho tương lai”. Ông D.Trump tuyên bố, Mỹ sẽ sở hữu Dải Gaza và có thể sẽ có tới 6 địa điểm khác nhau cho người Palestine sinh sống bên ngoài Gaza - theo kế hoạch mà các nước Arab đã bác bỏ.

Lập trường của Ai Cập

Trong cuộc gặp đầu tiên với người đồng cấp Mỹ Marco Rubio tại Washington để tập trung thảo luận về tình hình ở Dải Gaza và quan hệ chiến lược song phương, Ngoại trưởng Ai Cập Badr Abdelatty đã nêu bật lập trường kiên định của Ai Cập phù hợp với quan điểm thống nhất của các nước Arab và Hồi giáo về những nguyện vọng chính đáng của người dân Palestine.

Trong cuộc hội đàm, ông Abdelatty tái khẳng định cam kết của Cairo trong việc phối hợp với Washington thực hiện thỏa thuận ngừng bắn, đảm bảo cung cấp viện trợ nhân đạo, thúc đẩy quá trình phục hồi sớm và dọn dẹp đống đổ nát cũng như tái thiết ở Gaza. Ông Badr Abdelatty khẳng định những nỗ lực này cần được triển khai khi người Palestine vẫn ở lại vùng đất lịch sử của mình, đồng thời phản đối mọi hành vi di dời cưỡng bức.

Ngoài ra, ông Abdelatty cũng nêu bật tính cấp thiết của việc phải tạo ra tầm nhìn chính trị về giải pháp cuối cùng cho cuộc xung đột Palestine - Israel, phù hợp với các nghị quyết quốc tế và đảm bảo việc thành lập một Nhà nước Palestine độc lập, coi đây là bước đi quan trọng để đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực.

Theo tạp chí Foreign Affairs, để có cơ hội chiến đấu cho một tương lai tốt đẹp hơn, người Palestine ở Gaza, Bờ Tây, Israel và người Palestine lưu vong sẽ phải đoàn kết vì một sứ mệnh chung. Trong đó, mối quan hệ giữa Palestine và Israel phải dựa trên một nền hòa bình công bằng và chủ quyền thực sự cho người dân Palestine tại quê hương của họ.

HẠNH CHI tổng hợp

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/buoc-dau-tien-trong-tai-thiet-dai-gaza-post781475.html