Bù Đăng phát huy lợi thế xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật

Bù Đăng là huyện miền núi nằm ở phía Bắc của tỉnh Bình Phước, với 34 dân tộc anh em cùng sinh sống, góp phần tạo nên sự thống nhất, đa dạng của nền văn hóa cả nước nói chung và của huyện nói riêng. Đây còn là vùng căn cứ địa cách mạng, đã tạo nên lợi thế vừa phát huy truyền thống cách mạng địa phương vừa xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16-6-2008 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật (VHNT) trong thời kỳ mới”, những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể trên địa bàn huyện Bù Đăng luôn chú trọng đổi mới và tạo sự chuyển biến tích cực trong lĩnh vực này. Hội VHNT huyện thành lập năm 2013, đến nay phát triển được 90 hội viên tham gia hoạt động VHNT tại các chi hội thơ, nhạc, văn học, nhiếp ảnh, mỹ thuật... Thời gian qua, hội đã tổ chức 6 đêm thơ, nhạc, vào các dịp tết Nguyên tiêu hằng năm, kỷ niệm Ngày thơ Việt Nam, thu hút nhiều hội viên tham gia; đồng thời vận động hội viên tích cực sáng tác các tác phẩm mới. Hằng năm, các chi hội và hội viên đều tham gia những chương trình văn nghệ tại địa bàn, qua đó phát huy được vai trò của hội VHNT trong các hoạt động của địa phương.

Một tiết mục biểu diễn đàn tính, hát then tại hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ở huyện Bù Đăng

Một tiết mục biểu diễn đàn tính, hát then tại hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ở huyện Bù Đăng

Hằng năm, hội viên sáng tác khoảng 100 tác phẩm thơ, nhạc, văn xuôi, hội họa, có 30 tác phẩm đăng tải trên Tạp chí Văn nghệ Bình Phước, Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV) và tạp chí văn nghệ các tỉnh Quảng Trị, An Giang, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh... Đặc biệt, có một số hội viên đoạt giải cao tại các cuộc thi do Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương phát động… Ngoài ra, hội còn tổ chức các chương trình biểu diễn, giao lưu văn hóa nghệ thuật, góp phần nâng cao ý thức nhân dân trong giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Đồng thời, hội viên tích cực tham gia các hội thi, hội diễn, liên hoan như: liên hoan văn hóa dân tộc thiểu số, liên hoan tuyên truyền ca khúc cách mạng, hội thi giọng hát hay; đêm thơ Nguyên tiêu, giới thiệu tác giả, tác phẩm và các phong trào văn nghệ do các địa phương, đơn vị phối hợp tổ chức… Các chương trình nghệ thuật đã kịp thời tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương, pháp luật của Đảng và Nhà nước, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.

Huyện Bù Đăng đã hoàn thành đề án về xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao, trong đó có VHNT. Đồng thời xây dựng đề án “Sưu tập, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa mang bản sắc của các dân tộc”; đề án phục dựng một số lễ hội tại các địa phương; thành lập giải thưởng văn học nghệ thuật “Xuân Hồng” định kỳ 2 năm/lần nhằm tập hợp đội ngũ sáng tác trong và ngoài huyện viết về vùng đất, con người Bù Đăng.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Bù Đăng có 13 đội biểu diễn cồng chiêng ở các xã, thị trấn với khoảng 100 người. Đàn tính, hát then là di sản văn hóa được người dân địa phương lưu giữ, trao truyền và phát huy. Các câu lạc bộ đàn tính, hát then tại các xã Phước Sơn, Thống Nhất, Đăng Hà thường xuyên tổ chức giao lưu, biểu diễn, truyền dạy cho thế hệ trẻ...

Để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực VHNT, UBND huyện đã thành lập đội kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội kiểm tra thường xuyên các hoạt động văn hóa nghệ thuật. Qua các đợt kiểm tra đã lập biên bản xử lý 120 lượt cơ sở vi phạm, trong đó phạt cảnh cáo 45 cơ sở, phạt tiền 75 cơ sở dịch vụ văn hóa với tổng 113 triệu đồng; tiêu hủy 12.000 đĩa hình không nhãn mác, 300 băng cassette không rõ nguồn gốc, 12 máy game “bắn cá” dưới hình thức đánh bạc trá hình.

Nhìn chung, quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, các cấp ủy đảng có nhiều cố gắng theo sát thực tiễn VHNT, tìm các phương thức chỉ đạo phù hợp, thiết thực. Nhận thức và hành động của các ngành, cơ quan, đơn vị và nhân dân về lĩnh vực VHNT có sự chuyển biến mạnh mẽ. Qua đó xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, bản sắc văn hóa dân tộc được gìn giữ và phát huy, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng quê hương Bù Đăng.

Minh An

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/143578/bu-dang-phat-huy-loi-the-xay-dung-va-phat-trien-van-hoc-nghe-thuat