BRICS thất vọng vì chủ nghĩa bảo hộ thương mại của phương Tây
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết những người tham gia cuộc họp cấp bộ trưởng BRICS đã lên án Mỹ và các đồng minh vì tham gia vào chủ nghĩa bảo hộ trong thương mại quốc tế.
Nhận xét của ông được đưa ra sau cuộc họp kéo dài hai ngày của các ngoại trưởng BRICS do ông Lavrov chủ trì tại thành phố Nizhny Novgorod của Nga. Đây là cuộc họp cấp bộ trưởng đầu tiên kể từ khi nhóm BRICS mở rộng.
“Hầu hết các phái đoàn đều nhấn mạnh bản chất chủ nghĩa bảo hộ thương mại mà Mỹ và các đồng minh theo đuổi”, ông Lavrov phát biểu trong cuộc họp báo sau sự kiện này.
Bộ trưởng Ngoại giao Nga chỉ ra rằng “tất cả các phái đoàn đều phát biểu ủng hộ việc cải cách các hệ thống quản trị toàn cầu hiện có, với trọng tâm là mang lại cho các quốc gia ở Nam bán cầu một tiếng nói lớn hơn”.
Theo ông Lavrov, những người tham gia thừa nhận sự cần thiết phải có các quyết định chung để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, an ninh và tăng trưởng kinh tế.
Quá trình chuyển đổi sang trật tự thế giới mới có thể mất cả một kỷ nguyên lịch sử và sẽ đầy chông gai. Quan chức nói về các trung tâm mới được thành lập bởi các quốc gia Đông và Nam bán cầu để đưa ra các quyết định chính trị có ý nghĩa toàn cầu dựa trên sự bình đẳng và đa dạng về chủ quyền.
Khối kinh tế BRICS, được thành lập vào năm 2009, đã thể hiện mình là một giải pháp thay thế cho các thể chế quốc tế do phương Tây thống trị.
Ban đầu nhóm bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, nhưng đã trải qua sự mở rộng lớn khi Iran, Ethiopia, Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất tham gia vào đầu năm 2024. Nhiều quốc gia khác đã bày tỏ sự quan tâm đến việc tham gia, trong đó một số đã chính thức nộp đơn tham gia.
Theo công ty phân tích Statista, BRICS đã vượt qua thị phần của các nước G7 trong tổng GDP thế giới xét về sức mua tương đương vào năm 2020. Tính đến năm 2023, BRICS chiếm 32% GDP toàn cầu.
Người đứng đầu ngân hàng BRICS (NDB), Dilma Rousseff, cho biết trước đó rằng việc bổ sung các thành viên mới sẽ chứng kiến tỷ trọng của nhóm trong sản lượng kinh tế toàn cầu tăng lên 40% vào năm 2028.
Lê Na (Theo RT)