Bộn bề chuyện 'khát' giống lúa và… lúa giống
Được xem là 'cường quốc gạo' khi liên tục đứng đầu danh sách các quốc gia xuất khẩu của thế giới nhưng trớ trêu thay, Việt Nam lại thiếu lúa giống và giống lúa một cách toàn diện. Không chỉ thiếu lúa giống chủ lực để gạo Việt 'liền chị liền em', tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) – vựa lúa số 1 của cả nước, góp phần đặc biệt đối với an ninh lương thực quốc gia và đóng góp đến 95% lượng gạo xuất khẩu hàng năm, PV Báo CAND còn bất ngờ phát hiện thiếu cả lúa giống xác nhận để gieo trồng bình thường.
Cạnh đó là nhiều nghịch lý khác, cũng là mối quan tâm của hàng triệu người dân vùng sông nước chín Rồng… Theo các chuyên gia, việc sớm loại bỏ những nghịch lý này cũng là góp phần tích cực, tạo chuyển biến có tính đột phá trong việc phát huy tốt hơn tiềm năng, lợi thế của ĐBSCL và khắc phục triệt để những hạn chế, yếu kém còn tồn tại trong thời gian qua, đúng theo tinh thần Nghị quyết số 13-NQ-TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển KT-XH, bảo đảm QP-AN vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mà Bộ Chính trị, Ban Bí thư vừa tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện ngày 22/4 vừa qua.
Thiếu “thượng vàng, hạ cám”
Vừa thu hoạch xong 2ha lúa Đông Xuân 2021-2022, nhưng tâm trạng của nông dân Trần Hữu Huệ (xã Thoại Giang, huyện Thoại Sơn, An Giang) không vui vì vừa trải qua cú sốc mang tên “lúa giống”. “Vẫn mua lúa giống xác nhận 1 như mọi năm, nhưng sạ xong, nhìn cây lúa trong ruộng phát triển thành nhiều tầng, có lẫn cỏ dại... tôi biết ngay là lúa giống không chuẩn”, ông Huệ cho biết.
Đây cũng là tình cảnh của nhiều nông dân chúng tôi có dịp tiếp xúc trong những ngày rong ruổi khắp các địa phương trồng lúa trọng điểm của tỉnh An Giang từ Thoại Sơn cho đến Châu Thành, Châu Phú, Phú Tân. Thậm chí, tại nhiều nơi, nông dân có quy mô sản xuất nhỏ, lẻ... còn sử dụng “lúa thịt”, tức lúa thương phẩm để làm giống như một cách ứng phó với cơn bão giá xăng dầu, phân bón...
Thiếu lúa giống ngay trên vựa lúa, chuyện tưởng như đùa nhưng hoàn toàn có thật. Và đó không phải là chuyện cá biệt của tỉnh An Giang - tỉnh có diện tích trồng lúa lớn nhất nhì ĐBSCL.
Thông tin từ Tổ 970 (Tổ công tác phía Nam của Bộ NN&PTNT), chỉ tính trong vụ Đông Xuân 2021-2022, ĐBSCL thiếu hàng chục ngàn tấn lúa giống. Cụ thể, toàn vùng gieo trồng 1,5 triệu hécta, ước tính nhu cầu khoảng 200.000 tấn lúa giống. Trong khi đó, các công ty sản xuất, kinh doanh lúa giống và Viện lúa ĐBSCL chỉ cung ứng tối đa khoảng 100.000 tấn; các HTX, hộ sản xuất lúa giống kinh doanh và trao đổi giống đạt phẩm cấp có thể cung ứng khoảng 50.000-70.000 tấn. Như vậy, vẫn còn thiếu khoảng 30.000-50.000 tấn so với nhu cầu. Thậm chí trong trường hợp lý tưởng nhất là toàn bộ nông dân áp dụng biện pháp gieo sạ tiên tiến (khoảng 100 kg/ha) thì lượng lúa giống bị thiếu hụt lên đến trên dưới 10.000 tấn. Điều này cũng đồng nghĩa, không chỉ có một ông Huệ ở An Giang mà chúng tôi vừa đề cập mua phải lúa giống kém chất lượng.
Và cũng như ông Huệ, hầu hết sẽ có điểm chung là “ngậm bồ hòn làm ngọt”. “Không anh em thân, cũng là người trong làng trong xóm, không gặp nhau hàng ngày thì đám giỗ, đám cưới cũng ngồi chung bàn nên rất ngại kiện cáo”, ông Huệ chia sẻ và cho biết, nông dân không rành thủ tục nên sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức mà đôi khi “thắng cuộc, tiền bồi thường không đủ bù chi phí”.
Trong khi đó, việc thiếu lúa giống chất lượng cao, nhất là lúa thơm diễn ra theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nói chính xác là các giống lúa cho gạo trắng, thơm ở ĐBSCL đang diễn ra theo luận đề: “Cái ngon thì không phải của ta, cái của ta không phải là cái ngon”. Điển hình như: OM4900, Đài Thơm 8... của Việt Nam thì chưa thể tạo được sức bật để gạo Việt Nam vươn lên “liền chị liền em” trên trường quốc tế. Còn giống Jasmin 85, Khao Dawk Mali 105 được nhiều người dùng trong và ngoài nước đón nhận thì lại là giống lúa được du nhập.
Đồng tình với nhận định này, ThS Nguyễn Phước Tuyên, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học - Thông tin (Sở NN&PTNT Đồng Tháp) chia sẻ: “Nhắc đến gạo Ấn Độ, người ta nghĩ ngay đến giống lúa Basmati, hay Thái Lan thì có Hom Mali, Campuchia thì có Phka Romdoul, còn Việt Nam chỉ được biết đến như quốc gia xuất khẩu gạo có tỉ lệ phần trăm tấm là 5%, 10%”.
Tự làm yếu mình
“Bây giờ nhắc đến chuyện trồng lúa thơm, chúng tôi vẫn chưa hết ám ảnh”, nông dân Nguyễn Văn Hai, xã Phú Cường, huyện Tam Nông (Đồng Tháp) bồi hồi nhớ lại lần cùng xã viên trong HTX liên kết doanh nghiệp (thuộc Hiệp hội Lương thực Việt Nam - VFA) trồng lúa thơm, cách đây chưa lâu. Theo ông Hai, doanh nghiệp đầu tư giống Jasmine 85, sau đó thu mua theo giá thị trường. Tuy nhiên, đến khi thu hoạch, tất cả nông dân liên kết phải tự bán bên ngoài và “thanh lý sớm” hợp đồng vì sản phẩm đạt tỉ lệ thuần thấp hơn thỏa thuận. Thậm chí, bức xúc, nhiều người lấy cả lúa nguyên chủng ra thử cũng không đạt yêu cầu.
Chuyện của ông Hai cũng là chuyện của nhiều nông dân khác tại vùng Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười cũng mắc phải sau khi hưởng ứng phong trào trồng lúa chất lượng cao, lúa thơm theo khuyến cáo của người có trách nhiệm ở địa phương. “Không phải nhà nông trồng dở hay doanh nghiệp làm khó, cốt lõi là do việc định hình giống chưa phù hợp với đặc thù thổ nhưỡng”, ThS Nguyễn Phước Tuyên chia sẻ. Bởi ngoài những tác động về thời tiết, nền nhiệt độ, chế độ phân bón… yếu tố nền đất đóng vai trò rất quan trọng.
Vẫn theo ThS Nguyễn Phước Tuyên, thường những giống lúa cho mùi thơm, chỉ phát huy lợi thế này khi được trồng trên nền đất nhiễm mặn, kế đến là đất phù sa và đất phèn cho chất lượng thấp nhất. ThS Tuyên đưa ra ví dụ: Giống lúa thơm Basmati của Ấn Độ chỉ trồng ở bang Punjab, còn Hom Mali của Thái Lan trồng ở cao nguyên Thung Kula. Vì vậy nếu triển khai Jasmine nói riêng, lúa thơm nói chung trên nền đất phèn như vùng Tứ giác Long Xuyên, hay Đồng Tháp Mười như mong muốn của lãnh đạo nhiều tỉnh ĐBSCL chẳng khác nào tự làm yếu mình. Bởi như đã phân tích trên, phần lớn các giống lúa thơm quốc nội chưa có sự vượt trội, nên phải du nhập giống bên ngoài. Trong đó có Jasmine 85 và từng được VFA đề xuất dùng để xây dựng thương hiệu gạo thơm Việt Nam, lại được nhiều quốc gia xem như… “cơm nguội”.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/bon-be-chuyen-khat-giong-lua-va-lua-giong--i651329/